Nước tía tô, vải ngâm giải nhiệt
Thứ bảy, 10/6/2023, 17:00 (GMT+7)
VnExpress Cooking - Cong thuc nau cac mon ngon moi ngay don gian
Thứ bảy, 10/6/2023, 17:00 (GMT+7)

Nước tía tô, vải ngâm giải nhiệt

Một ly trà tía tô, vải ngâm với màu đỏ bắt mắt, vị chua ngọt hài hòa, topping vải ngâm giòn giọt, thanh mát. Đồ uống này vừa giúp giải nhiệt, trị cảm, trị nám, làm đẹp vừa cải thiện tiêu hóa hiệu quả.

Tác giả: Bùi Thủy

45 phút

|

10-12 người

|

2.069 kcal

Nguyên liệu

(6)

Cách làm

  1. Tía tô có 2 loại (tía tô xanh và tía tô tím). Nên chọn mua loại có mặt sau lá màu tím đậm, khi nấu nước sẽ ra nhiều tinh dầu, lên màu đẹp hơn. Ngoài ra, chú ý chọn tía tô tươi mới, bề mặt trơn láng. Không mua tía tô bị dập nát, màu ngả vàng hoặc bị héo. 

  2. Nhặt bỏ lá già, cuống cứng rồi ngâm nước muối loãng vài phút, rửa sạch, cắt khúc để dễ cho vào nồi. 

  3. Cho 1,2 - 1,5 lít nước vào nồi, thêm 1/4 thìa cà phê muối tinh rồi bật bếp đun sôi. Khi nước sôi, cho lá tía tô vào, dùng đũa nhấn chìm xuống. Luộc lá tía tô ở lửa vừa trong 2 - 3 phút rồi tắt bếp. 

  4. Vớt bỏ phần lá, lọc lấy phần nước cốt tía tô để nguội là được nước trà tía tô. Nếu làm nhiều trữ ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Đơn giản nhất là pha thêm nước cốt chanh, chút đường phèn là có ngay ly tía tô giải nhiệt ngày hè. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm các topping phong phú để biến tấu thành các loại trà như: trà tía tô kết hợp vải ngâm đường phèn, trà tía tô hạt sen, trà tía tô hạt chia...

  5. Mùa hè, vải đang vào vụ chính nên nhiều và rẻ, nên làm vải ngâm đường phèn để quanh năm, dùng kết hợp được cho nhiều món trà giải nhiệt. 1 kg vải cắt cuống, rửa sạch rồi chần sơ nước sôi 1,5 - 2 phút, vớt ra ngâm vào thau nước đá. Khi nguội, vớt ra ráo nước rồi bóc vỏ, dùng kéo hoặc dao nhỏ mũi nhọn khứa quanh đầu hạt rồi gẩy hoặc gắp hạt ra ngoài. Ngâm thịt vải vào âu nước đá. Đun sôi 400 ml nước, cho 400 gr đường phèn cùng chút muối vào khuấy đều cho tan hết đường, để nguội hoàn toàn. Nước đường lạnh, sánh (độ ngọt cao) sẽ giúp vải ngâm giữ được độ giòn, không bị lên men. Cho thịt vải đã ráo nước vào lọ thủy tinh sạch, trút phần nước đường và đậy nắp cho vào ngăn mát tủ lạnh 2-3 ngày là dùng được. 

  6. Pha trà tía tô, vải ngâm: Cho 150 ml nước cốt tía tô vào ly, thêm 40 ml nước vải ngâm, 5 ml nước cốt chanh, điều chỉnh lại vị chua ngọt theo khẩu vị cá nhân, thêm đá viên. Nếu thích thêm hạt sen luộc chín ngâm đường hoặc hạt chia, trân châu đều được. Trên cùng trang trí các miếng vải ngâm, lát chanh và lá bạc hà thêm phần bắt mắt. 

  7. Yêu cầu thành phẩm: Một ly trà tía tô, vải ngâm với màu đỏ bắt mắt, vị chua ngọt hài hòa, topping vải ngâm giòn giọt, thanh mát.

 

Chú ý:

  • Theo Đông y, tía tô có vị cay, tính ấm, mùi thơm, có tác dụng chữa ho, trị cảm, đau bụng, làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân. Còn quả vải có vị ngọt chua, tính bình, chứa nhiều nước, vitamin C, cải thiện sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, vải giàu chất xơ và ít calo, cải thiện tiêu hóa. Tuy nhiên, vải cũng có tính nóng nếu ăn nhiều, dân gian gọi là "nóng trong người".

  • Khi nấu lá tía tô, chỉ cần đun 2 - 3 phút để ra đủ tinh dầu là được. Nếu đun lâu quá tinh dầu bốc hơi hao hụt đi, ít có tác dụng cho sức khỏe.

  • Nước lá tía tô để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng được 2 - 3 ngày, không nên để lâu quá làm mất mùi vị.

  • Chia ra cách tuần, tháng uống lượng vừa đủ. Không nên uống quá nhiều và thời gian dài gây chướng bụng, ảnh hưởng huyết áp.

Nguyên liệu chính

Xem thêm các công thức món tráng miệng, giải khát khác

Món mới