Chương trình Covax của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là kế hoạch toàn cầu, nhằm cung cấp vaccine Covid-19 cho người dân ở các nước nghèo và có thu nhập trung bình. Họ đặt mục tiêu phân phối ít nhất 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, bao phủ khoảng 20% dân số dễ bị tổn thương ở 91 quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.
Nhưng trong các tài liệu nội bộ, những người điều hành nói rằng chương trình đang chật vật với sự thiếu hụt vốn, rủi ro cung ứng và các thỏa thuận hợp đồng phức tạp, có thể khiến chương trình không đạt mục tiêu của mình.
"Nguy cơ thất bại trong thành lập Cơ chế Covax toàn cầu là rất cao", báo cáo nội bộ gửi cho hội đồng quản trị của Gavi cho biết. Gavi, đồng lãnh đạo Covax với WHO, là liên minh gồm các chính phủ, công ty dược, tổ chức từ thiện và các tổ chức quốc tế nhằm sắp xếp các chương trình vaccine toàn cầu.
Một tài liệu cho biết sự thất bại của Cơ chế Covax toàn cầu có thể khiến người dân ở các quốc gia nghèo không tiếp cận được vaccine cho đến cuối năm 2024.
Nguy cơ thất bại cao do kế hoạch được thiết lập quá nhanh và diễn ra trong lĩnh vực chưa từng được biết đến, báo cáo cho biết.
Gavi đã thuê Citigroup vào tháng trước để được cố vấn về cách giảm thiểu rủi ro tài chính. Các cố vấn của Citi cho biết, rủi ro lớn nhất đến từ các điều khoản cho phép các quốc gia có thể không mua vaccine đã đặt qua Covax, theo một bản ghi nhớ hồi tháng 11, thuộc tài liệu đệ trình lên hội đồng quản trị Gavi.
Khi được hỏi về các tài liệu, một phát ngôn viên của Gavi cho biết cơ quan này tự tin có thể đạt được các mục tiêu của mình.
"Sẽ là vô trách nhiệm nếu không đánh giá các rủi ro vốn có đối với công việc lớn và phức tạp như vậy, cũng như xây dựng các chính sách và công cụ để giảm thiểu các rủi ro đó", ông nói thêm.
WHO không đáp lại yêu cầu bình luận. Trong quá khứ, tổ chức này đã để Gavi hứng chịu các bình luận của công chúng về chương trình Covax.
Thỏa thuận cung ứng
Các kế hoạch của Covax dựa trên vaccine rẻ hơn mà hiện nay chưa được chấp thuận, thay cho vaccine từ các công ty tiên phong như Pfizer-BioNTech và Moderna.
Covax đã đạt được các thỏa thuận cung cấp không ràng buộc với AstraZeneca, Novavax và Sanofi cho tổng cộng 400 triệu liều, có các tùy chọn để đặt hàng vài trăm triệu liều bổ sung. Nhưng ba công ty đều đối diện với trì hoãn thử nghiệm, có thể đẩy lùi quy trình phê chuẩn đến nửa cuối năm 2021 hoặc muộn hơn.
Việc này có thể làm tăng nhu cầu tài chính của Covax. Các giả định tài chính của tổ chức dựa trên chi phí trung bình là 5,2 USD cho một liều.
Giá vaccine của Pfizer khoảng 18,4 đến 19,5 USD mỗi liều, trong khi của Moderna có giá từ 25 đến 37 USD. Covax không có hợp đồng cung cấp với cả hai công ty. Họ cũng không ưu tiên đầu tư vào các chuỗi phân phối siêu lạnh tại các nước nghèo, hiện cần thiết cho vaccine Pfizer, vì họ vẫn dự kiến sử dụng chủ yếu các mũi tiêm bảo quản lạnh thông thường.
Hôm 15/12, một quan chức cấp cao của WHO cho biết cơ quan này đang đàm phán với Pfizer và Moderna để đưa vaccine vào đợt triển khai sớm trên toàn cầu với chi phí có thể thấp hơn giá thị trường hiện nay.
Các mũi tiêm khác đang được phát triển trên toàn thế giới và Covax muốn mở rộng danh mục đầu tư đến các vaccine của công ty khác.
Các nước giàu đã đặt trước hầu hết nguồn vaccine Covid-19 sẵn có, đang lên kế hoạch tặng các liều dư thừa cho các nước nghèo, không rõ có thông qua Covax hay không.
Áp lực tài chính
Để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 20% người dân ở các nước nghèo vào năm tới, Covax cho biết họ cần 4,9 tỷ USD, ngoài 2,1 tỷ USD đã huy động được.
Nếu giá vaccine cao hơn dự báo, nguồn cung bị trì hoãn hoặc nguồn vốn bổ sung không kịp đáp ứng, liên minh sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại.
Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu đang là nhà tài trợ chính cho Covax, trong khi Mỹ và Trung Quốc không tham gia cam kết tài chính. Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính đa phương khác đang cung cấp các khoản vay giá rẻ cho nước nghèo để mua và triển khai vaccine thông qua Covax.
Liên minh đang phát hành trái phiếu vaccine, có thể huy động tới 1,5 tỷ USD vào năm tới nếu các nhà tài trợ đồng ý góp chi phí. Covax cũng nhận tiền từ các nhà tài trợ tư nhân, chủ yếu từ Quỹ Bill và Melinda Gates.
Nhưng ngay cả trong điều kiện tài chính tốt nhất, Covax vẫn có thể gặp thất bại do rủi ro tài chính không cân đối vì quy trình giao dịch phức tạp.
Covax ký hợp đồng mua trước với các công ty cung cấp vaccine, chi phí phải do các nhà tài trợ hoặc các nước tiếp nhận chi trả.
Nhưng theo các điều khoản trong hợp đồng Covax, các quốc gia vẫn có thể từ chối mua số lượng đã đặt trước, nếu họ thích các loại vaccine khác hoặc cố gắng mua được vaccine thông qua các chương trình khác nhanh hơn, có giá tốt hơn.
Liên minh cũng đối mặt với thua lỗ nếu các quốc gia không thể thanh toán đơn đặt hàng hoặc khả năng miễn dịch phát triển quá nhanh khiến vaccine không còn cần thiết, theo báo cáo của Citigroup.
Chi Lê (Theo Reuters)