Quyết định được Nhà Trắng đưa ra hôm 2/9. Lý do là Mỹ không muốn bị hạn chế bởi các nhóm đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
COVAX là kế hoạch do WHO và Liên minh Vaccine Gavi đồng dẫn đầu, với mục đích phân phối các liều chủng ngừa Covid-19 đến tất cả khu vực trên thế giới, bao gồm những nước thu nhập thấp, đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận chương trình tiêm phòng. Dự án quy tụ 172 quốc gia.
Judd Deere, phát ngôn viên Nhà Trắng, cho biết: "Mỹ sẽ tiếp tục thu hút các đối tác quốc tế, đảm bảo tiêu diệt nCoV. Nhưng chúng tôi không muốn bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương, chịu ảnh hưởng từ WHO và Trung Quốc".
Theo Washington Post, quyết định này sẽ tạo ra trở ngại lớn đối với Mỹ trong cuộc đua vaccine. Nó để lại nhiều rủi ro, gạt đi cơ hội tiếp cận với hàng loạt "ứng viên" tiềm năng khác.
Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, nhận định: "Mỹ đang đánh một canh bạc lớn bằng chiến lược độc bước của mình".
Kendall Hoyt, giáo sư trợ lý tại Trường Y Geisel của Dartmouth, ví động thái trên với việc lựa chọn không mua bảo hiểm. Theo Hoyt, Mỹ đáng lẽ nên tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận song phương cùng các công ty dược phẩm, đồng thời vẫn tham gia COVAX.
Quyết định của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình tại một số khu vực khác.
Các chuyên gia cho biết ý tưởng đằng sau dự án của WHO và Gavi là hạn chế tích trữ, tập trung tiêm chủng đồng đều cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở mọi quốc gia. Đây được coi là chiến lược đem lại kết quả khả quan và tiêu tốn ít chi phí.
Sự vắng mặt của Mỹ phần nào khiến mục tiêu này trở nên khó khăn hơn. Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển Geneva, cho biết: "Việc Mỹ tuyên bố không tham gia vào bất kỳ nỗ lực đa phương nào liên quan đến vaccine là một cú sốc thực sự".
Kịch bản xấu nhất là tất cả vaccine từ Mỹ đều thất bại, khiến nước này không còn lựa chọn nào để tiêm chủng cho người dân bởi đã từ chối hợp tác quốc tế.
Viễn cảnh khác là một "ứng viên" được phê duyệt, song quốc gia quyết định tích trữ nguồn cung, ưu tiên tiêm chủng cho công dân mình, bao gồm cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh thấp, trong khi các nước khác không có vaccine.
Các chuyên gia về an ninh y tế chỉ ra ít nhất hai vấn đề với chiến lược trên.
Thứ nhất, vaccine mới không đủ khả năng bảo vệ hoàn toàn cho tất cả mọi người. Một bộ phận dân Mỹ vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi các ca bệnh nhập khẩu, đặc biệt khi mở cửa trở lại biên giới.
Thứ hai, sự phục hồi của Mỹ phụ thuộc và nền kinh tế ở các khu vực khác. Nếu phần lớn quốc gia trên thế giới vẫn trong tình trạng đóng cửa, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn.
Chính phủ các nước thu nhập thấp đặc biệt quan tâm đến dự án COVAX, ủng hộ cách tiếp cận đa phương đối với sức khỏe cộng đồng.
WHO lập luận các quốc gia không cần lựa chọn một phương án duy nhất. Họ hoàn toàn có thể theo đuổi cả hai chiến lược: ký kết thỏa thuận song phương với hãng dược và tham gia chương trình toàn cầu.
Thục Linh (Theo Washington Post)