Chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, với mục đích phân phối vaccine nCoV nhanh chóng và công bằng trên toàn cầu, sau khi vaccine được chấp thuận lưu hành. Ngoài WHO còn có sự tham gia của các tổ chức khác gồm Liên minh vaccine Gavi, Liên minh Sáng kiến và Chuẩn bị Phòng dịch (CEPI). Chương trình đặt mục tiêu cung cấp hai tỷ liều vaccine an toàn, hiệu quả cho người dân toàn thế giới vào cuối năm 2021.
Chương trình này được thành lập nhằm bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu và những người trong cơ sở chăm sóc xã hội, có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cao. Đối tượng tiếp nhận vaccine ưu tiên ban đầu sẽ là 3% dân số thuộc nhóm dễ bị tổn thương của các nước tham gia, theo thời gian sẽ tăng lên 20%.
Công bố thỏa thuận tại cuộc họp ở Geneva hôm 21/9, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết Covax đại diện cho "danh mục vaccine Covid-19 lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới", trong đó quyền ưu tiên tiếp nhận vaccine sẽ được dành cho những người có nguy cơ cao nhất.
"Đây là một cơ chế cho phép điều phối toàn cầu việc triển khai phân phối vaccine mới, có tác động lớn và sẽ giúp kiểm soát đại dịch, đảm bảo cuộc chạy đua vaccine là một sự hợp tác giữa các quốc gia chứ không phải một cuộc thi xem ai về đích đầu tiên", lãnh đạo WHO nói.
Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi cũng đưa ra nhận định, Chính phủ các quốc gia đã chọn làm việc cùng nhau, không chỉ để đảm bảo có vaccine cho người dân của họ, mà còn giúp đảm bảo rằng vaccine sẵn có cho những người dễ bị tổn thương nhất ở mọi nơi.
"Với những cam kết mà chúng tôi công bố cho cơ sở Covax, cũng như mối quan hệ hợp tác lịch sử mà chúng tôi đang tạo dựng với ngành công nghiệp, giờ đây chúng tôi có cơ hội tốt hơn rất nhiều để chấm dứt giai đoạn cấp bách của đại dịch này một khi vaccine Covid-19 an toàn, hiệu quả có sẵn", Tiến sĩ Seth Berkley nói.
Trước đó, 64 nước giàu có đã xác nhận tham gia Covax, bao gồm 35 quốc gia châu Âu, 27 quốc gia thành viên EU cùng với Na Uy và Iceland. Hiện tại, các chính phủ, nhà sản xuất vaccine, tổ chức và cá nhân đã cam kết tài trợ 1,4 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine.
Hiện các đơn vị nghiên cứu vaccine có "ứng viên" trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối gấp rút thu thập dữ liệu để phân tích tính an toàn và hiệu quả. Nhiều hãng dược còn ký cam kết đảm bảo sẽ không rút ngắn quy trình nghiên cứu, thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn tuyệt đối. Dự kiến nếu mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch, một trong các "ứng viên" tiềm năng có thể được chấp thuận trong năm nay.
Thy An (Theo The Guardian)