(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Luật sư Khanh, đang làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về tình trạng biểu tình, bạo loạn ở Mỹ bùng nổ do cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu:
"Năm đó ngập lụt lại mất mùa, giặc cướp nổi lên khắp nơi, triều đình phải phái quân đi dẹp...", câu trích quá quen thuộc này phản ánh tình hình hiện tại của nước Mỹ với những vụ biểu tình kèm đập phá và cướp bóc. Các vụ biểu tình bắt nguồn từ cơn giận dữ trước cái chết của George Floyd, nhưng đó chỉ là chuyện giọt nước làm tràn ly. Cái ly nước đó vốn đã đầy từ lâu và dịch bệnh hiện nay là phần ngọn của ly nước đó.
Đứng trước các cuộc biểu tình đầy khói lửa, nhiều người Việt Nam cùng nhau phân tích xem người da đen có bị kỳ thị hay không, việc làm của cảnh sát có đúng hay không, lên án việc cướp bóc phá hoại, đồng thời bàn bạc xem người Việt ở Mỹ cảm thấy thế nào. Nhưng tất cả những cuộc bàn luận đó thường không dính líu gì tới ly nước đầy, nó chỉ quan tâm tới giọt nước cuối cùng và chuyện những ai bị ướt khi ly nước bị tràn.
Người gốc Phi ở Mỹ bị kỳ thị từ hồi mới lập quốc. Họ bị bắt tới Mỹ và trở thành nô lệ, một chế độ đã không còn ở châu Á hau châu Âu từ lâu. Toà án tối cao của Mỹ khi đó đã phán quyết rằng, người gốc Phi không phải là người, mà là tài sản, và vì vậy điều luật mọi người đều bình đẳng trong hiến pháp không được áp dụng cho họ.
>>Thư một người Việt từ Mỹ: 'Chúng tôi không thở được'
Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ và người gốc Phi được công nhận là con người chứ không phải là đồ vật thì họ vẫn bị kỳ thị một cách có hệ thống bằng pháp luật. Họ không được học bậc đại học, không được vào ăn trong nhà hàng, không được ở khách sạn, lên xe buýt phải ngồi ghế sau, không được tới những khu vực của người da trắng. Người da đen phải học trường khác với người da trắng, đi xem phim ở rạp khác, đi bơi ở hồ khác, và nhiều ngành nghề không tuyển người da đen. Tới cái vòi nước để uống ngoài công viên thì của người da trắng phía trên cao, người gốc Phi ở phía thấp, và người gốc Phi đừng mong với tới cái vòi nước phía cao đó nhé.
Tình trạng đó được chấm dứt vào năm 1964, cách đây vỏn vẹn 56 năm. Tức là tới năm 1964, tuyệt đại đa người gốc Phi không được học đại học, không làm nghề nào hơi cao sang một chút. Tất cả đều là công nhân, làm việc tay chân, bồi bàn hay giúp việc. Nhưng trong năm mươi năm kể từ đó, người gốc Phi vẫn bị cho là không cố gắng, lười biếng, không biết tự phấn đấu, làm việc bậy bạ nên mới bị cảnh sát hỏi thăm và sau cùng là bị giết.
>>Tôi cách ly tại nhà ở Mỹ, hàng xóm đổ ra biển
Ở mặt khác, người gốc Á, bao gồm người Việt, chưa từng bị cho là đồ vật, chưa từng bị cấm học đại học, cũng không bị cấm tới các nơi công cộng. Người gốc Á tới Mỹ khoảng từ năm 1960 trở đi và họ tới với các diện khác nhau. Người thì đi xuất khẩu lao động như các y tá Phillippines, người thì đi học và ở lại, rồi những người này được bảo lãnh người thân qua. Người châu Á tới Mỹ có xuất phát điểm cao hơn người gốc Phi rất nhiều. Khi họ tới Mỹ thì đã có nghề nghiệp, có học vấn, hay được chính phủ Mỹ giúp đỡ tiền bạc và nghề nghiệp để định cư.
Vì vậy người châu Á ở Mỹ có nền tảng học vấn và kinh tế tốt hơn và không lâm vào tình trạng "bần cùng sinh đạo tặc". Hơn nữa, người châu Á thấp bé nhỏ con và được cho là ít nguy hiểm, cảnh sát có gặp phải cũng không nghĩ rằng người châu Á có thể bạo lực. Sau cùng, người châu Á da không đen, nên họ được phân biệt với người gốc Phi và không phải lãnh những cách đối xử tồi tệ của người da trắng.
Nhiều người gốc Á vì vậy vui vẻ nói rằng, tại mấy anh này không chịu học hành, suốt ngày quậy phá nên mới gặp cảnh sát, bị kỳ thị là phải. Đây cũng là thái độ chung của người da trắng kỳ thị người khác. Đó là sự phủi tay của những người may mắn có được những đặc quyền và họ cho rằng xuất phát điểm của người khác cũng giống họ. Nếu người gốc Á cũng có làn da đen, cũng có ông bà bị cấm học đại học, cấm làm nghề cao sang, thì chưa chắc họ đã phấn đấu được.
>> Vì sao người Mỹ thu nhập 100 nghìn đôla vẫn được nhận trợ cấp
Cũng có những dân Mỹ gốc Á khổ sở về làn da là người Nam Á, nói chính xác là người Sri Lanka và người Ấn "da đen". Họ có làn da đen bóng gần với người gốc Phi và hay bị nhầm lẫn với người gốc Phi. Các bạn này cũng bị cảnh sát đối xử tồi tệ, họ thường hay thì thầm với nhau là phải làm sao cho khác người gốc Phi. Tôi biết điều này vì tôi là luật sư, hội luật sư Nam Á vẫn hay phải viết báo, bàn luận về mấy vấn đề này.
Khi việc phân biệt chủng tộc với người gốc Phi được nhìn nhận suốt quá trình tồn tại của nước Mỹ thì ai cũng sẽ thấy rằng, những gì xảy ra trước mắt chỉ là một hiện tượng của một vấn đề dài lâu. Người gốc Phi bị bắn chết bởi cảnh sát quá nhiều, ngay cả dưới thời ông Obama cũng vậy. Các cảnh sát bị bắt và đưa ra toà thì đa phần được tuyên vô tội, nên bây giờ mấy cảnh sát giết George Floyd có bị ra bắt cũng chả ai tin là công lý sẽ được thực thi.
Phần còn lại là tình trạng đói nghèo và chết chóc do dịch bệnh. Nước Mỹ hơn trăm nghìn người chết do Covid-19, một nửa là người gốc Phi dù họ chỉ chiếm 14% dân số Mỹ. Khi cả nước nghỉ tránh dịch thì người gốc Phi vẫn phải đi làm trên những chuyến tàu đông nghẹt, làm việc trong các siêu thị, nhà máy sản xuất thực phẩm hay dọn rác. Họ bị bệnh và đem bệnh về cho người thân già cả, bởi họ nghèo quá nên mấy thế hệ sống chung. Những người thất nghiệp thì đa phần là trước đó không có nghề nghiệp tốt, họ không phải là người nhận lương theo kiểu "W-2" mà chỉ là làm hợp đồng, thất nghiệp thì chả được lãnh tiền thất nghiệp.
>> Mỹ sẽ trị tội những 'kẻ có lỗi về Covid-19' kiểu gì
Khi gom tất cả những điều đó lại thì người gốc Phi rất bức xúc trước tình cảnh nghèo đói và chết chóc của chính họ. Trong đám người đói nghèo đó có một số đi cướp bóc thì toàn bộ người đi biểu tình bị chỉ trích. Trong khi đó vài cảnh sát giết người được cho là chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Toàn bộ câu chuyện biểu tình ở Mỹ được những người da trắng và cả những người châu Á "không liên quan" giải thích một cách đơn giản, là tại người gốc Phi gây ra khó khăn cho chính họ.
Đáng tiếc thay là những cố gắng biểu tình ôn hoà trước giờ không có ích. Anh Colin Kaepernick, cầu thủ bóng bầu dục gốc Phi đã quỳ trong lễ chào cờ nhằm biểu tình chống tịch trạng bạo lực của cảnh sát đã mất việc và bị chửi bới om sòm, sự nghiệp tan nát. Chị Megan Rapinoe, cầu thủ bóng đá da trắng cũng làm tương tự nên bị cấm quỳ và bị chỉ trích dữ dội, nhưng sau đó chị vẫn tiếp tục đá cho tuyển Mỹ và năm rồi giành World Cup cùng quả bóng vàng thế giới.Sự khác nhau đại khái cũng chỉ nằm trong màu da, khi một người thì không ai dám để chơi tiếp trong đội bóng, còn người kia thì vẫn được giữ lại ngay trong đội tuyển quốc gia.
Sự khác biệt của người gốc Phi với các sắc tộc khác ở Mỹ cũng vậy, khi một bên sai lầm là không bao giờ có điều kiện để sửa chữa, bên còn lại có sai cũng chả sao, ai cũng hiểu và cho thêm nhiều cơ hội.
Bây giờ khi người gốc Phi nghèo đói khổ sở lại chết chóc do dịch bệnh, một số người sẽ trở nên nổi loạn. Đó là quy luật từ ngàn xưa, và "triều đình" đi dẹp loạn chỉ là một việc nhỏ, làm sao để không còn đói nghèo chết chóc mới là việc lớn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây.
Khanh