(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Không có gì ngạc nhiên khi ngoại trưởng Mỹ lúc này hăm he là sẽ đưa những kẻ chịu trách nhiệm trong dịch Covid-19 ra để "trị tội". Một mặt là Mỹ cảm thấy cần phải đưa những kẻ có trách nhiệm ra ánh sáng để làm gương, mặt khác thì ông Trump cần phải đánh lạc hướng dư luận trong nước trong tình cảnh nước Mỹ thê thảm chưa từng có.
Nói về sự trừng phạt của Mỹ đối với các nhân tố bên ngoài, có lẽ một bức tranh sống động chính là vụ việc Qatar đăng cai World Cup 2022.
>> 'Phải có ai đó nhận lỗi về Covid-19'
Mỹ là một trong các ứng cử viên tranh quyền đăng cai năm đó. Qatar đã thắng và nhiều người cho rằng đó là do họ đã hối lộ FIFA, cụ thể là Sepp Blatter và Michel Platini. Sau đó thì cả hai cùng rất nhiều quan chức bóng đá bị FBI truy tố tội nhận hối lộ. Mỹ bới ra đủ thứ chuyện, từ việc đài nào mua được bản quyền phát sóng World Cup, tới chuyện bản quyền Copa America, CONCACAF Gold Cup...
Năm 2015, World Cup nữ được tổ chức tại Canada. Trận chung kết diễn ra giữa Mỹ và Nhật Bản. Lúc trao cúp vô địch thì Sepp Blatter chả thấy đâu, Michel Platini, chủ tịch liên đoàn bóng đá châu Âu cũng không có mặt. Thậm chí tới chủ tịch liên đoàn CONCACAF và châu Á cũng trốn luôn. Các cầu thủ nữ Mỹ lên bục nhận cúp mà chỉ có chủ tịch liên đoàn bóng đá châu ... Phi, đại diện cho FIFA, tới trao giải.
>> Cách biệt giàu nghèo ở Mỹ nhìn từ các cầu thủ mùa dịch
Điều này khác hẳn so với các kỳ World Cup nữ khác. Tuy là "con ghẻ" nhưng bóng đá nữ cũng không tới nỗi bị bỏ bê như vậy, chủ tịch FIFA Infantino vừa rồi đã cùng tổng thống Pháp và vua Hà Lan tới trao cúp vô địch World Cup năm 2019. Chỉ là Sepp Blatter lúc đó đang trốn ở Thụy Điển, nước không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Các quan chức ấy đều biết rằng Canada là hàng xóm của Mỹ, họ tới Canada là sẽ bị bắt liền.
Đấy là chuyện bóng đá, một môn thể thao xếp hàng thứ năm trong sự quan tâm của người Mỹ. Mà trong câu chuyện đăng cai World Cup 2022 thì dư luận đều không đổ lỗi cho chính phủ Mỹ, Washington không cần xoa dịu người dân Mỹ.
Covid-19 thì lớn hơn rất nhiều.
Nói về lỗi thì rất nhiều nước bị cho là có lỗi trong chuyện này. Trung Quốc thì bị tố là tiêu thụ động vật hoang dã, gây khó những người lên tiếng báo động như bác sĩ Lý Văn Lượng, giấu giếm quy mô thực sự và tỷ lệ tử vong của dịch bệnh. Cụ thể là số liệu chính thức đưa là khoảng 3,000 người chết ở Trung Quốc, còn Mỹ thì cho là ít ra cũng phải tới 40,000 người.
>>Khẩu trang - gót chân Achilles của người Mỹ
Ông Trump thì khinh thường dịch bệnh, nói là bệnh này như cúm mùa, không chịu cách ly người bệnh, không chuẩn bị thiết bị y tế, rồi cứ sợ kinh tế sút giảm làm ảnh hưởng tới kỳ tranh cử mà không nghĩ tới tính mạng người dân. Châu Âu, cụ thể là Anh, Ý, Tây Ban Nha, cũng cư xử tương tự. Số người chết ở mấy nước này ai cũng có thể đem chính quyền của mình ra đổ lỗi.
Ngay cả WHO cũng bị cho có lỗi. Lúc đầu thì WHO nói là dịch bệnh không có gì nguy hiểm, nên tiếp tục đi lại bình thường với Trung Quốc. Sau đó thì lại xoay ra phàn nàn các nước không xem trọng dịch bệnh. Khi khắp thế giới đều có dịch thì WHO mất tiêu luôn, giờ chả ai biết họ đang làm gì.
Vậy thì Mỹ sẽ "trị tội" những "kẻ có lỗi" kiểu gì? Trước mắt thì ông Trump sẽ cắt số tiền đóng góp cho WHO, biện pháp cắt tiền này là cách mà Mỹ thường hay dùng nhất. Sau đó thì câu chuyện bóng đá kể trên là một ví dụ cho thấy Mỹ sẽ làm gì. Với những cá nhân trực tiếp liên quan và không phải là người của các nước "đối trọng" như tổng thư ký của WHO thì mất chức là cái chắc. Nhẹ thì ông ấy sẽ từ chức hay sẽ bị cho ra rìa ở nhiệm kỳ tiếp theo. Nặng thì Mỹ sẽ lôi đâu đó ra một cái sai lầm nào đó, tìm cách khởi tố rồi đòi đem dẫn độ về Mỹ. Cách này thì chắc không khả thi trừ khi ông Ghebreyesus có làm gì tội lỗi như Sepp Blatter.
Thú vị hơn là chuyện Mỹ sẽ làm gì với Trung Quốc. Những biện pháp trừng phạt thông thường sẽ nhắm tới các cá nhân hay tổ chức ở Trung Quốc nếu bị cho là có liên quan tới dịch bệnh. Có thể Mỹ sẽ đóng băng tài khoản ngân hàng của một số người hay thậm chí sẽ tìm cách bắt những người có liên quan. Việc này thì Mạnh Vãn Chu là một ví dụ và là một tấm gương cho những ai dám đi tới Canada, vốn sát ngay bên Mỹ.
>> Nhiều thanh niên Mỹ vẫn tụ tập 'ngu ngốc'
Khả năng Mỹ sẽ dùng các biện pháp mạnh đối với Trung Quốc ở cấp nhà nước là không cao. Phần thì vị thế của Trung Quốc khác với vị thế các nước khác trên chính trường thế giới, phần thì Mỹ và Trung Quốc dạo này đã căng thẳng thương mại từ lâu, giờ nhiều lắm thì tiếp tục "chiến" như trước mà thôi.
Tuy vậy khả năng lớn là người Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn đi lại hơn lúc trước. Có thể là chính sách cấp visa hay nhập cư sẽ thắt chặt, có thể là các yêu cầu về dịch tễ khi đi lại với Mỹ sẽ tăng cao, cũng có thể là hàng hóa phải đối mặt với hàng rào thuế quan cao hơn. Đây cũng là hệ quả tất yếu đối với mọi nền kinh tế trên thế giới do dịch bệnh lần này.
Ẩn số trong việc liệu Mỹ có ra tay trừng phạt vì dịch Covid-19 hay không nằm ở kỳ bầu cử cuối năm. Nếu ông Trump tái đắc cử thì các biện pháp trừng trị sẽ rất nghiêm khắc, còn nếu ông Biden đắc cử thì chắc là không quá nghiêm trọng. Nhìn chung thì cái mà ông Trump cần nhất vào lúc này là một nơi để đổ lỗi, chứ không phải là hy vọng rằng Trung Quốc sẽ biết "sửa đổi" sau những biện pháp trừng phạt.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Khanh