Tôi từng mua nhà cho con khi vừa đỗ đại học ở Hà Nội. Đó là một căn nhà gần trường đại học. Vợ tôi rất thích vì căn nhà đạt cả hai tiêu chí: một là có nơi cho con ở, hai là thỏa mãn sự sở hữu. Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi con tôi ra trường cách đây một năm. Cơ quan nơi con làm việc lại ở quá xa chỗ ở, nên con phải cho thuê căn nhà đang có và đi thuê chỗ khác ở gần nơi công tác hơn.
Nhận thấy căn nhà đã không còn phù hợp với nhu cầu của con, tôi đã quyết định rao bán. Thế nhưng, thị trường quá ảm đạm khiến tôi không bán nổi căn nhà. Nhiều người nói sao không giảm giá để dễ bán hơn, nhưng giảm đến mức nào cũng là một câu hỏi lớn với tôi. Đương nhiên, tôi không hề muốn bán lỗ. Với suy nghĩ sự nghiệp quan trọng hơn cái nhà và con cũng đang cần vốn để khởi nghiệp, nên sức ép phải bán nhà lại càng lớn hơn. Cũng may, trong mấy năm qua, giá nhà cũng có xu hướng tăng trở lại, nên khả năng ít nhất tôi cũng hòa vốn so với khi mua.
"Đầu tư bất động sản để giữ tiền, sau này tăng giá sẽ bán lại" có thể xem là một thói quen đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thay đổi để tránh mất tiền. Chúng ta đã và đang hội nhập với thế giới, vậy nên hãy nhìn ra các nước đi trước để nắm được xu thế bất động sản của nước mình.
>> '5 năm nữa mới thấy đáy bất động sản'
Các nước phát triển, dù có tiền dư, người ta cũng không dám đầu cơ bất động sản vì lý do thuế nhà đất sẽ ăn mòn tài sản của họ (mức thuế nhà đất thường vào khoảng 1-4%/năm) - chỉ vừa đủ với số tiền cho thuê lại, nên hầu như không có lãi. Kèm theo đó là xu thế dân số, chúng ta sắp bước vào giai đoạn già hóa và dân số cũng theo đó mà giảm đi. Vậy nên, giá bất động sản cũng sẽ đi theo biểu đồ hình chữ L (chỉ giảm và đi ngang chứ khó tăng lên được).
Nhìn vào đất nước Nhật Bản, nơi có diện tích và dân số tương đương chúng ta, họ cũng có 70% diện tích là đồi núi và giá bất động sản suốt hơn 20 năm qua chỉ đi xuống chứ không tăng. Ở Nhật ngày nay, có rất nhiều căn nhà bỏ hoang, cho con cũng không nhận vì nếu nhận thừa kế sẽ phải đóng hai thứ thuế (thuế thừa kế và thuế nhà đất hàng năm). Bỏ số tiền lớn cho căn nhà mà bán lại không bù đắp được thuế, nên họ đành bỏ hoang.
Đối với chúng ta, bất động sản cũng mới chỉ bắt đầu giai đoạn giảm giá. Rất nhiều chính sách về đất đai đang được đề xuất và sẽ áp dụng trong tương lai như đánh thuế người có nhiều nhà đất, thuế chuyển nhượng chống đầu cơ... Sẽ rất nhanh thôi, khi các sắc thuế trên được triển khai, lúc đó bất động sản mới thực sự lao dốc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.