Hoàn cảnh của tôi khá giống với tác giả bài viết "Cả gia đình nói tôi ích kỷ vì không cho chị gái vay tiền mua nhà" và lựa chọn của tôi là lờ đi những lời nhận xét tiêu cực của người khác mà sống. Tôi biết mình không sai nên cứ làm những gì cần làm, không cần chứng minh gì cho họ thấy.
Tôi bị mang tiếng ích kỷ suốt nửa cuộc đời, trong khi phải gồng gánh nuôi đàn em từ khi bản thân còn là một sinh viên, lớn lên đi làm cũng phải lo toan cho cả gia đình. Lúc xây nhà mới cho ba mẹ, không có anh, chị, em nào của tôi phụ một đồng. Thế nhưng, tôi lại bị chính anh em ruột thịt của mình bêu rếu là "ích kỷ" vì không chịu bỏ ra vài trăm triệu đồng cho đứa em út làm ăn. Thực ra, em đòi làm chủ nhưng chưa từng đi làm thuê một ngày nào, trong túi cũng không có một đồng để làm vốn.
Lần khác, tôi lại bị nói kháy là "keo kiệt" khi nhất định không chịu bỏ ra vài trăm triệu đồng cho đứa em làm kết hôn giả để đi Mỹ. Lý do là vì tôi chấp nhận được viễn cảnh hàng tháng cứ phải gửi tiền qua Mỹ nuôi em mà chẳng biết đến khi nào mới kết thúc. Giờ đây, ba tôi mắc bệnh nan y, mỗi tháng tốn vài chục triệu đồng thuốc men, điều trị, nhưng chẳng đứa con nào trong gia đình chịu bỏ một xu cho ba. Cuối cùng, chỉ có duy nhất đứa "ích kỷ, keo kiệt" là tôi ngày đêm "cày cuốc" để kiếm tiền lo giữ lại mạng sống cho ông.
>> Cho vay một phút, đòi nợ hai năm
Thú thực, chỉ mới vài tháng mà tôi đã tốn tới hơn 200 triệu đồng. Giờ tiền tiết kiệm của tôi cũng đã cạn, bản thân tôi phải gồng gánh từng tháng lên đến 45 triệu đồng, chưa tính ăn uống chi tiêu cho bản thân. Trong khi tôi kiếm việc làm thêm tới 20-21 giờ mỗi ngày, thì các anh chị em khác của tôi vẫn thản nhiên mua sắm, đi lại, du lịch...
Trước đây, khi ba tôi chưa đổ bệnh, tiền ba mẹ bán mấy mảnh đất ở quê cũng chia hết cho mấy người con, mỗi người vài trăm triệu đồng. Chỉ riêng tôi là không đến lượt vì là đứa duy nhất trong nhà có công việc ổn định. Trớ trêu là đến khi ba đổ bệnh, chính những đứa con được ưu ái kia lại chẳng ai chịu bỏ ra một đồng cứu ba.
May mắn là ba mẹ tôi từ đó cũng nhận ra nhiều điều, trân trọng hơn những đóng góp của tôi cho gia đình. Giờ họ đã biết rõ từng đứa con mình như thế nào, hiếu thảo đến đâu. Còn mảnh đất và căn nhà ba mẹ đang sống, tôi cũng nói thẳng rằng nếu đứa nào muốn chia chác thì cứ ký giấy lãnh phần chăm sóc mẹ đến cuối đời sau khi ba mất. Làm được vậy, tôi sẵn sàng từ chối nhận thừa kế để cho người đó hết. Ngược lại, nếu không ai chịu đứng ra phụng dưỡng cha mẹ lúc cuối đời thì tôi không cho ai chia đất, mà để đó dành lo cho mẹ sau này.
Thực ra, tôi cũng có nhà cửa đầy đủ ở Sài Gòn, công việc cũng khá ổn định chứ chẳng thiếu thốn gì, nên cũng chẳng tham của ai cả, kể cả là của cha mẹ. Tôi chỉ không đành lòng nhìn những đứa con bất hiếu, tham lam tiếp tục bòn rút của cha mẹ đến tận hơi thở cuối cùng. Tôi không cam tâm nhìn ba mẹ tủi thân, uất ức khi gần đất xa trời.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.