Tác giả Hoàng Anh Tú đã chia sẻ câu chuyện một người mẹ lại lo sợ bị đàm tiếu vì bức ảnh con gái được bạn trai hôn má - một nụ hôn đặc trưng của giai đoạn hẹn hò, thậm chí mang nhiều sắc thái tình bạn hơn là tình yêu. Điều đáng nói, đây không phải chuyện hiếm gặp mà là tâm lý khá phổ biến với các bậc cha mẹ. Định kiến về việc trẻ yêu sớm vẫn còn khá nặng nề trong xã hội ta thời điểm hiện tại.
Bàn về chủ đề này, độc giả T.Tran chia sẻ câu chuyện của bản thân: "Chúng tôi thuộc thế hệ cuối 8X, đầu 9X. Thời của chúng tôi, khi thích nhau chỉ dám viết thư, làm thơ, tặng quà, chở nhau về bằng xe đạp, hái hoa, trèo cây, lội suối... Ấy thế mà tất cả những hành động trên đều là vụng trộm cả, chứ ba mẹ chẳng bao giờ cho phép. Tới ngồi học bài chung với nhau mà chúng tôi còn như đi ăn trộm, sợ bị người lớn thấy rồi la mắng (mặc dù chỉ là ngồi làm Toán, đọc sách, hết sức trong sáng thôi). Thú thật là chúng tôi rất khổ sở khi ở nơi công cộng.
Lớn hơn chút nữa, chúng tôi bắt đầu có hành động vuốt tóc, nắm tay nhau, nhưng cũng là len lén chứ chẳng ai dám công khai cả. Vào đại học, tôi mới ôm, hôn má người mình có tình cảm. Ra trường đi làm, tôi mới có nụ hôn đầu đúng nghĩa. Nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu phụ huynh tiến bộ hơn trong suy nghĩ về con cái thì sẽ người trẻ sẽ vui vẻ thoải mái hơn biết mấy.
Có cha mẹ trông chừng, hướng dẫn mới là điều con trẻ cần, chứ không phải cấm đoán rồi khiến chúng phải tự mò mẫm, khám phá mọi chuyện, đôi khi dẫn đến làm đường. Thời 9X còn có sách vở để đọc, sau này có internet còn đỡ, chứ hồi xưa, một đám con gái chúng tôi phải núp trong thư viện, khóa cửa, tắt đèn, lén đọc sách giáo dục giới tính. Giờ tôi tự hỏi tại sao ngày xưa mình phải lén lút thế?".
>> 'Cấm đoán yêu sớm hủy diệt lòng tự trọng của con trẻ'
Đồng quan điểm, bạn đọc Thiên tài cho rằng: "Tôi dám chắc 80% ông bố bà mẹ ngày xưa cũng yêu sớm hoặc vụng trộm mà không có sự cho phép của người lớn. Nhưng khi có con, họ lại áp đặt ngược lại tiêu chuẩn với con cái của mình. Đơn giản vì ngày xưa họ bị cấm đoán nên giờ cảm thấy con mình cũng xứng đáng chịu điều tương tự. Điều này vô tình tạo ra khoảng cách giữa các thế hệ.
Trong khi đó, ở tuổi mới lớn, càng bị cấm đoán thì trẻ lại càng thêm kích thích với tình cảm khác giới. Thay vì lo lắng không đâu, tôi cho rằng cha mẹ nên trực tiếp đối thoại với con cái để xác định tư tưởng, mục tiêu rõ ràng cho con đó là phải ưu tiên việc học. Nhưng cha mẹ không nên cấm đoán con yêu đương và quan trọng là giáo dục giới tính từ sớm để con không đi quá giới hạn, dẫn đến mang thai sớm.
Vấn đề với các thế hệ trước vẫn là tư tưởng ràng buộc mình trong một khuôn khổ mà có thể do bối cảnh lịch sử tác động. Ở thời chiến, việc hạn chế yêu đương sớm có thể thích hợp vì phải tập trung nguồn lực vào học tập, công tác chiến đấu. Còn bây giờ đã có những thứ khác quan trọng hơn, kể cả tình cảm nam nữ cũng giúp phát triển nhân cách và nhân sinh quan cho bọn trẻ. Thế nên, người lớn không thể áp đặt tiêu chuẩn những năm 60 vào thời nay được".
Ủng hộ tư tưởng cởi mở về tình yêu của người trẻ, độc giả Science nhấn mạnh: "Các nước phát triển đều hiểu sự cách biệt về thế hệ, nên người già thường lùi lại để người trẻ tự trải nghiệm, tự quyết. Người già chỉ đóng vai trò hậu cần và chỉ có ý kiến khi người trẻ cần xin lời khuyên, chứ không tự tiện can thiệp vào cuộc sống của người trẻ.
Các quốc gia phát triển khoa học biết rằng não bộ sinh ra trong những thời đại khác nhau có cấu trúc nơ ron khác nhau, dẫn truyền hấp thu các xung động lực khác nhau từ vũ trụ, nên họ rất thận trọng quan sát và tiếp thu những biến đổi này. Họ thường không can thiệp vào chuyện riêng của người khác, cũng không bình phẩm, cố thay đổi ai đó. Khi hiểu các điều này một cách khoa học thì tâm sẽ sáng mà tiếp nhận mọi chuyện xảy ra một cách nhẹ nhàng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.