Tôi ngỡ chuyện gì nghiêm trọng. Hóa ra, đồng nghiệp gửi cho chị bức ảnh trên báo, đăng cảnh con gái chị được bạn trai đặt nhẹ nụ hôn lên má trong buổi lễ trưởng thành dành cho học sinh lớp 12, tổ chức tại trường tối hôm trước. "Phải nhờ họ gỡ ảnh, người ta đàm tiếu chết". Tôi hướng dẫn chị liên hệ với đường dây nóng của tòa soạn, vì chị có quyền bảo vệ hình ảnh của con mình, dù cô bé đã ở ngưỡng tuổi 18 và có thể đã đồng ý cho đăng bức ảnh.
Đặt điện thoại xuống, tôi quay sang hỏi cậu con trai lớn - 17 tuổi, và cũng vừa tham dự một bữa tiệc trưởng thành như thế. Cậu nói "chuyện đó bình thường. Yêu nhau ở tuổi này không quá sớm, và khi yêu, các anh chị ấy cũng thường thể hiện tình cảm như vậy". Tôi phải đồng ý với con. Vì tôi vẫn thấy các cô cậu lớp 12 tự tin chia sẻ ảnh "mi" nhau, nắm tay nhau trên trang cá nhân, đặc biệt là thời điểm cuối khóa, khi thứ tình cảm học trò này bước vào một giai đoạn thử thách: xa nhau, mỗi người một nơi trong chặng đường đại học sắp tới.
Vậy tại sao một người mẹ lại lo sợ bị đàm tiếu vì bức ảnh con gái được bạn trai hôn má - một nụ hôn đặc trưng của giai đoạn hẹn hò, thậm chí mang nhiều sắc thái tình bạn hơn là tình yêu. Chuyện này thì những đứa trẻ "ăn chưa no lo chưa tới" như con gái chị hoặc con trai tôi có thể sẽ không để ý. Vì chỉ vừa rời mắt khỏi bức hình thôi, người bố người mẹ sẽ dễ dàng nghe thấy những lời xì xào, kiểu như: Tôi vừa thấy con anh (chị) hôn hít trên mạng. Bọn trẻ bây giờ bạo thật. Những bình phẩm như vậy nhắm thẳng vào vai trò dạy dỗ, làm cha làm mẹ. Phụ huynh bản lĩnh thì coi như gió thoảng. Nhưng xui rủi hơn, lỡ mai mốt đứa trẻ trượt đại học, hoặc không đạt thành tích mong muốn, chúng sẽ trở thành nạn nhân bị chì chiết. "Học hành không lo, yêu đương cho lắm vào", đại ý thế. Lúc đó, bậc làm cha mẹ không thể không xót xa.
Sâu xa hơn nữa là nỗi lo đặc trưng của những phụ huynh Đông Á: sợ con mình lỡ dại, đi quá giới hạn mà chúng có thể tự chịu trách nhiệm. Sẽ ra sao nếu phía sau bức ảnh, hai đứa trẻ không dừng lại ở nụ hôn lên má. Đứa con gái sẽ có thể mang thai ngoài ý muốn. Đứa con trai có thể làm bố từ tuổi 18, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự, lỡ dở cả cuộc đời. Nỗi sợ ám ảnh khiến nhiều phụ huynh cực đoan, nhìn tình yêu của con như một thứ virus.
Nỗi lo về con cái là thứ trạng thái không bao giờ kết thúc của phụ huynh. Bởi mỗi đứa con là một trái tim nằm ngoài lồng ngực của cha mẹ. Chúng chính là sự sống của cha mẹ nhưng họ khó kiểm soát hết được. Không sức lực nào đủ để theo sát từng bước đi của con. Chị bạn tôi có thể "nhờ gỡ" những gì chị nhìn thấy, còn những gì chị không biết, không thấy thì sao?
Đây là chuyện mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Từng đứa trẻ là một cá tính nên không có công thức nào chung để xử sự với chúng. Nhưng trong gia đình mình, tôi thường vẽ ra các vòng tròn. Ví dụ, dưới 8 tuổi (chưa biết bơi), con không được tự xuống bể mà không có người lớn đi cùng; không được qua đường mà không nắm tay bố mẹ; không được nhận quà, đi theo người lạ... Dưới 18 tuổi, con không được đi qua đêm mà không xin phép, không được tự ý nhận việc làm thêm mà chưa trao đổi với bố mẹ... Cứ như thế, con càng lớn, những vòng tròn vô hình này càng được nới rộng hơn, những điều "không được" dần bớt đi. Con có sự tự do nhất định nhưng không bao giờ nên bước ra khỏi ranh giới vạch sẵn.
Riêng với tình yêu, tôi nói chuyện với con trai, vợ tôi nói chuyện với con gái về những giới hạn các con cần cân nhắc ở từng lứa tuổi, kèm theo hậu quả sẽ gặp phải nếu không nghe lời. Chúng tôi cũng nói về việc bố mẹ sẽ đau buồn thế nào nếu có chuyện gì đó không hay xảy ra với các con.
Tôi thường quan sát con mình và do tính chất công việc, tôi cũng tư vấn tâm lý cho nhiều đứa trẻ ở độ tuổi mới lớn. Điều ấm áp tôi nhận thấy, là phần lớn bọn trẻ đều biết nghĩ cho cha mẹ, đều có ý nghĩ thường trực rằng: cha mẹ có vui không, có buồn không nếu mình làm việc này, việc kia. Khúc mắc lớn nhất nằm ở sự không thống nhất về bán kính của vòng tròn, nói theo cách hình dung của tôi. Cụ thể là đứa trẻ thường cho rằng việc chúng làm là bình thường, trong khi bố mẹ chúng có thể coi đấy là chuyện tày trời.
Nếu có sự trao đổi, thống nhất trước giữa bố mẹ và con cái để tạo ra một vòng tròn an toàn và yêu thương, tôi tin cả đứa trẻ và phụ huynh đều sẽ an tâm, chẳng hạn, để đón nhận nụ hôn lên má như một thứ tình cảm tự nhiên của tuổi học trò.
Hoàng Anh Tú