Quê tôi mấy chục năm gần đây không ngừng đổi mới. Nhiều người nông dân cũng không ngừng chơi sang và coi đó là sĩ diện của anh "hai lúa" thời hội nhập.
Mỗi hộ gia đình chỉ sử dụng từ 1000-3000m2 đất nông nghiệp thôi. Nhưng đời sống vật chất lẫn tinh thần phải "bằng chị bằng em" bất chấp hoàn cảnh kinh tế như thế nào.
Nếu nhà này có dàn karaoke kẹo kéo khoảng 3-5 triệu, thì nhà kia tệ lắm cũng phải sắm được dàn loa 5-10 triệu, dự phòng phục vụ cho những ngày Tết, lễ hay đám giỗ; thậm chí có gia đình thuê luôn dàn nhạc sống. Đám cưới thì khỏi phải nói, nghèo cỡ nào cũng "tắc xình, tắc xình xình" từ chiều hôm trước tới ngày hôm sau.
Từ nhiều năm nay, không biết từ đâu mà quê tôi có một luật bất thành văn: người được mời đi dự đám cúng, giỗ phải mua một thùng bia. Mà phải là bia đắt tiền, nếu là bia rẻ tiền thì... khó coi lắm vì khác người bình thường.
Chủ nhật vừa qua, tôi phải đi dự 4 đám giỗ nhà trong xóm, tức phải chi ra khoản tiền 1,2 triệu đồng, không hề nhỏ đối với người nông dân.
Gia đình tôi chỉ có 4000m2 đất trồng lúa, 5000m2 đất vườn. Mỗi năm hai vụ lúa chỉ thu lời khoản 20 triệu đồng. Vườn nhà thì trồng bầu, bí, khổ qua, tết thì cúc, vạn thọ... thu nhập cũng chừng ấy.
Các khoản chi nhiều. Một năm trong họ hàng, bà con hàng xóm có khoảng 10 đám cưới, 20 cái đám giỗ. Chỉ khoản này thôi, gia đình tôi tốn hao trên 10 triệu đồng. Còn biết bao chuyện chi khác nữa với khoản thu nhập như trên. Ngồi tính lại mới giật mình khi nhớ câu ông bà ta thường nói: "Toạ thực sơn băng" (ngồi ăn núi cũng lở).
Tôi không biết những hộ nông dân khác ít đất, nhiều con hơn tôi phải tính toán ra làm sao khi nghèo mà... vẫn phải chơi sang kiểu này? Vậy mà người người vẫn cứ đua nhau tổ chức ăn uống linh đình cho bằng được.
>> Rủ rê làm cò đất để mau giàu
Nhiều hệ lụy tất nhiên phải đến. Có sẵn tiền, người xây nhà mới, người mua xe mới đắt tiền cho chính mình cho cả con cái. Tính ra sau khi bán đất họ còn lại chẳng bao nhiêu.
Người lớn tuổi phải "ăn không ngồi rồi" vì không còn đất làm nông nữa, lại thêm không có nghề chuyên môn, xí nghiệp làm sao tuyển dụng.
Những người không bán đất thì từ nay khó bề canh tác lúa bởi các khu dân cư làm mất đường nước tưới tiêu. Gặp lúc mưa nhiều nước không biết phải thoát đường nào. Đến lúc hạn hán thì làm sao lấy nước. Từ lúa chất lượng cao đến đặc sản lúa thơm quê tôi có nguy cơ mất năng suất, sản lượng. Đời sống đại bộ phận nông dân những nơi này gặp khó khăn dần.
Cũng có thể vì không còn canh tác lúa được nữa nên bộ phận nông dân còn lại "ngậm bồ hòn" mà bán đất nốt. Người nông dân quê tôi trong tương lai, sau khi bán hết đất không biết họ sẽ như thế nào đây? Trắng tay, tái nghèo là nguy cơ khó tránh.
Sang chảnh nhất thời theo kiểu "cho bằng chị bằng em" làm gì để sau đó phải bán ruộng bán vườn rồi mang nợ, nói chi tới chuyện làm giàu.
Nguyễn Minh Út
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.