Tuần trước, Tuấn, một bạn sinh viên nhắn tin báo rằng bạn đã đăng ký tham gia tình nguyện tại bệnh viện dã chiến và đang hỗ trợ tại bệnh viện thu dung số 9, khu vực huyện Hóc Môn.
Tôi bất ngờ với quyết định của Tuấn. Bạn không học ngành liên quan đến lĩnh vực y tế cũng như chưa từng được đào tạo chuyên môn về chăm sóc sức khỏe. Tuấn nói mình từng bị nhiễm Covid-19 từ hồi đầu tháng 5 nhưng đã khỏi. Vì vậy, bạn hiểu được sự vất vả của nhân viên y tế cũng như những khó khăn của người bệnh, đặc biệt là những người lớn tuổi tại các bệnh viện dã chiến. Bạn quyết định đăng ký tham gia tình nguyện mặc dù gia đình không mấy ủng hộ.
Tuấn được phân công thực hiện những công việc đơn giản như đo huyết áp, nồng độ oxy và ghi nhận tình trạng của người bệnh, tất nhiên phải được hướng dẫn các thao tác này.
Tuấn nói trong bệnh viện, bệnh nhân rất đông. Các y bác sĩ và cả tình nguyện viên thường phải làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày, quần áo sau lớp đồ bảo hộ luôn ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn khó có thể đáp ứng trọn vẹn yêu cầu công việc.
Rất nhiều người bệnh có tâm lý hoang mang, lo sợ, luôn có những câu hỏi cho nhân viên y tế. Nhưng thật sự y bác sĩ không có đủ thời gian để trả lời tất cả. Điều này càng tạo thêm tâm lý hoang mang, không tốt cho sự tự hồi phục của bệnh nhân. Đặc biệt, những người bệnh lớn tuổi trong bệnh viện, những việc như sinh hoạt cá nhân rất khó khăn khi chỉ có một mình.
Tuấn cho rằng nếu có thêm nhiều tình nguyện viên, là các F0 đã khỏi bệnh, sẵn sàng vào các bệnh viện săn sóc và động viên thì sẽ giúp tâm lý người bệnh cải thiện rất nhiều.
Bạn có kể tôi nghe về trường hợp một bệnh nhân 60 tuổi, đau đớn và khó thở, chỉ muốn được giải thoát nhưng nhờ được bạn động viên khích lệ đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch và chuẩn bị được xuất viện.
Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như thế này, những người không phải nhân viên y tế như Tuấn dám tình nguyện vào bệnh viện không nhiều. Nhưng điều tôi hy vọng các cơ quan nhà nước hãy tạo điều kiện để những người trẻ là F0 đã khỏi bệnh, người đã tiêm đủ hai liêu vaccine, có thể cống hiến cho thành phố chống dịch. Đó là cách để người dân cùng chung vai gánh vác công cuộc dập dịch đang bùng phát mạnh như hiện nay.
Tuấn nói với tôi, khi ở nhà thấy dịch càng ngày càng nặng, người trẻ như bạn cứ nằm ở nhà xem TV, lướt mạng xã hội làm bạn cảm giác mình "vô dụng".
Bạn nói một câu trong bài hát "Một đời người một rừng cây" làm tôi rất cảm kích: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ dành cho ai thầy". Tôi hy vọng những người F0 đã khỏi bệnh, người tiêm hai mũi vaccine có kháng thể, cơ thể an toàn có thể cùng chung tay với chính quyền dập dịch để nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Henry Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.