Song nổi tiếng khắp Hàn Quốc với vai trò người dẫn "Cuộc thi Hát Quốc gia", chương trình tìm kiếm tài năng phát sóng mỗi tuần một lần tại những địa phương khác nhau diễn ra suốt 40 năm nay và vẫn được ưa thích.
Phong cách nồng nhiệt, vui vẻ đã mang lại cho ông lượng người hâm mộ khổng lồ, từ trẻ em tới thanh thiếu niên và người cao tuổi. Tên của ông còn được đặt cho nhiều địa danh, bao gồm một con phố ở Seoul và một công viên ở Daegu.
Nhưng Song sinh ra tại Triều Tiên, khi bán đảo vẫn chưa chia cắt. Ông là một trong số hàng triệu người mà gia đình phải chia ly vì Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến mà ông có đóng góp vào lệnh ngừng bắn.
"Thế hệ của tôi đã sống trong một thời kỳ vô cùng bất hạnh", Song nói.
Cuộc đời của ông được tái hiện trong một bộ phim tài liệu công chiếu hôm nay ở Liên hoan phim Busan, liên hoan phim lớn nhất châu Á. Bộ phim do đạo diễn nổi tiếng từng đoạt giải Jero Yun chỉ đạo.
"Song Hae 1927" tập trung vào nỗi đau cá nhân của Song và sự xáo trộn trong gia đình ông, cũng như nỗi đau bị chia cắt với cha mẹ và anh chị em trong chiến tranh. Con trai duy nhất của ông thiệt mạng trong một tai nạn giao thông năm 23 tuổi.
"Ông Song là người sống sót", Yun nói. Đạo diễn từng làm nhiều đề tài về chủ đề di cư và người đào tẩu Triều Tiên. "Câu hỏi của tôi khi bắt tay vào dự án này là làm thế nào để đối phó với 'lỗ khuyết' tâm trí khi mất đi người thân?"
Song Hae sinh năm 1927 tại Jaeryong, được bố mẹ đặt tên là Song Bok-hee. Lớn lên trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản, ông nhớ mình thường bị đánh đập vì nói tiếng Triều Tiên và từng dành nhiều giờ mệt mỏi đi cắt cỏ khô cho kỵ binh Nhật Bản.
"Chân tôi giờ vẫn còn sẹo do bị liềm cắt trúng từ những ngày ấy", ông nói.
Học hát tại một trường âm nhạc và khi chiến tranh nổ ra, ông đã tránh đi lính bằng cách thường xuyên vắng nhà. Một lần, mẹ gọi ông quay lại khi vừa rời đi và bảo: "Lần này nhớ cẩn thận". Ông trả lời bà: "Con sẽ quay về sau hai ngày nữa".
Đó là lần cuối cùng hai người trò chuyện. Khi các lực lượng Triều Tiên tiến quân, ông đã trốn lên một tàu chiến Mỹ đang di tản dân thường tới miền nam. Song dành phần lớn thời gian trong hành trình dài ba ngày để nhìn chằm chằm ra đại dương mênh mông, tự hỏi mình có thể trở về không và sau đó đổi tên thành Hae (biển), để ghi nhớ chuyến đi đã chia cắt vĩnh viễn ông với gia đình.
Tại Hàn Quốc, Song trở thành lính tín hiệu viên. Ông đã cùng đồng nghiệp truyền đi thông điệp được mã hóa chấm dứt thù địch giữa hai miền và đóng dấu sự phân chia bán đảo.
"Chúng tôi sau này mới biết được câu mã hóa nghĩa là 'Vào 22h ngày 27/7/1953, chiến tranh trên mọi mặt trận sẽ chấm dứt", ông nói. "Chính tôi đã gửi đi thông điệp đó và tới tận bây giờ, tôi vẫn không thể quay về quê hương".
Trong những thập kỷ tiếp theo, Hàn Quốc trải qua thời kỳ bùng nổ kinh tế dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự độc tài từ những năm 1960 tới 1980. Song từng bị thẩm vấn suốt ba ngày vì chê trách lãnh đạo.
Sau đó, Hàn Quốc trở thành một cường quốc về công nghệ và giải trí. Song thành danh trong vai trò ca sĩ, diễn viên hài và người dẫn truyền hình. Ông dành 17 năm dẫn chương trình giao thông qua radio, cho tới khi con trai Chang-jin thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe máy.
"Tôi không thể chỉ ngồi nói 'hãy cẩn thận với tai nạn ô tô' qua sóng phát thanh khi mất đi con trai theo cách ấy", ông nói.
Năm 1988, ông bắt đầu dẫn chương trình "Cuộc thi Hát Quốc gia", bởi hối hận vì đã không khuyến khích con trai theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Thời điểm đó, những ca sĩ chuyên nghiệp như ông vẫn bị xã hội coi thường mà Chang-jin lại muốn đi theo con đường của bố.
"Thật là một tội lỗi khi làm bố mà không hiểu con đã trải qua những gì", ông vừa khóc vừa nói.
Song đã dẫn gần 1.500 tập của chương trình từ đó tới nay. Chương trình diễn ra khắp mọi miền Hàn Quốc, thậm chí còn quay một tập ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, trong thời gian "Chính sách Ánh dương" được đưa ra đầu những năm 2000.
Nhưng ông vẫn không thể về thăm quê cũ, dập đầu trước mộ bố mẹ, cũng như không thể gặp lại em gái mà ông đã bỏ lại. Song khóc suốt trên hành trình về Seoul.
"Han", cảm xúc đau buồn và phẫn uất trước sự bất công mà không thể giải quyết, là một chủ đề tồn tại lâu nay trong văn hóa và văn học Hàn Quốc.
"Thời gian một ngày cũng không đủ để đo đếm những nỗi đau ấy trong tôi", Song nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)