Cuộc họp giữa phái đoàn Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu lúc 10h (giờ Hàn Quốc) hôm nay tại một khách sạn ở điểm du lịch núi Kumgang thuộc Triều Tiên, nhằm thảo luận về việc sắp xếp cuộc gặp mặt cho các gia đình bị chia cắt trong chiến tranh, theo Reuters.
Động thái này nằm trong số những nỗ lực mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết thực hiện để cải thiện quan hệ hai nước vốn bị ảnh hưởng bởi chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
"Chúng ta nên tiến hành các nỗ lực tích cực nhằm mang lại kết quả tốt đẹp bằng cách tin tưởng và quan tâm lẫn nhau. Chúng ta cũng nên bỏ qua quá khứ và tiếp bước trên con đường mà các lãnh đạo đã mở ra cho chúng ta", theo Pak Yong-il, trưởng phái đoàn Triều Tiên, đồng thời là phó chủ tịch cơ quan thúc đẩy thống nhất của nước này.
"Chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận tốt đẹp về vấn đề nhân quyền với Triều Tiên và cách chúng tôi làm dịu đi nỗi đau của 57.000 thành viên gia đình bị chia cắt", Park Kyung-seo, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, trưởng phái đoàn Hàn Quốc, hôm qua cho biết.
Một số cuộc đoàn tụ trước đây được phát sóng trên truyền hình cho thấy cảnh tượng ngập tràn nước mắt và kết thúc trong sự chia ly đau đớn. Lần gặp mặt gần đây nhất giữa các gia đình được tổ chức vào năm 2015.
Giới chức Hàn Quốc coi việc giúp các gia đình đoàn tụ là một "vấn đề nhân quyền", đặc biệt khi nhiều người đã bước vào độ tuổi 80. Từ năm 2000 tới nay, khoảng 23.676 người Hàn và Triều Tiên đã gặp gỡ hoặc tương tác thông qua video, theo Viện nghiên cứu Hyundai. Cơ quan cung cấp thêm rằng tới tháng 3, 56% trong số 131.531 người Hàn Quốc đăng ký để được gặp mặt thân nhân đã qua đời.
Bình Nhưỡng từng đưa ra điều kiện nối lại các cuộc đoàn tụ là Seoul phải trao trả 12 nữ bồi bàn Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016. Một số bồi bàn hồi tháng 5 lên tiếng rằng họ bị ép phải rời đi, trong khi giới chức Hàn Quốc cho biết họ đang cố xác minh sự việc. Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đã kêu gọi Seoul nhanh chóng trả lại những phụ nữ này.
Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) kết thúc chỉ với một thỏa thuận ngừng bắn mà không có hiệp ước hòa bình, khiến hai nước vẫn giữ nguyên hiện trạng chiến tranh.
Ánh Ngọc