Những ngày cuối đời ở Chicago, một người mẹ vẫn khắc khoải nhớ về ngày bà để lạc mất hai người con trên bờ biển ở Triều Tiên. Đó là vào năm đầu tiên của cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Đàn ông trong làng, bao gồm cả chồng bà cùng hai người con trai lớn, đã rời đi, để lại bà Kim Keum-sum với ba con nhỏ nheo nhóc.
Cuộc chiến cuối cùng cũng kéo đến ngôi làng của bà. Kim vội vã gói ghém lương thực và đồ đạc, chạy ra bãi biển, nơi thuyền đang đợi sẵn, chuẩn bị đưa gia đình bà tới phía nam.
Đến nơi, Kim bảo hai đứa nhỏ một trai 7 tuổi, một gái, 5 tuổi, đứng chờ trên bờ để bà mang hành lý xuống thuyền trước. Đứa lớn nhất trong ba đứa đi theo bà. Đang chuyển hành lý lên thuyền thì từ xa vang lên tiếng súng. Con thuyền lập tức lao nhanh ra biển. Gia đình bà Kim chia cắt từ đây.
"Trên giường bệnh, mẹ tôi vẫn nói cả cuộc đời bà đã sống với nỗi dằn vặt vì không mang cả ba con lên thuyền trước, thay vì mang hành lý, và bà không thể làm gì để sửa chữa", Young Whan-cho, người con lớn thứ hai của bà Kim, kể. Ông đoàn tụ với mẹ sau cuộc chiến và đã mang gia đình sang Mỹ. "Mẹ một mực bảo tôi rằng tôi phải tìm lại các em và xin lỗi chúng hộ bà".
Bà Kim qua đời năm 1979 và ông Young phải mất thêm 35 năm nữa trong hành trình tìm các em của mình.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã khiến gần một triệu người lâm vào cảnh mất nhà cửa, phải đi tị nạn, chủ yếu chạy sang Hàn Quốc. Một số người cuối cùng nhập cư vào Mỹ.
Young là một trong hơn 100.000 công dân Mỹ có người thân ở Triều Tiên. Hầu hết họ đều có những câu chuyện đau buồn vì chia cách trong chiến tranh. Nhiều người đã âm thầm dành cả cuộc đời chỉ để đi tìm thân nhân thất lạc.
Sau khi để lạc mất hai người con trên bãi biển, mẹ của ông Young tới một trại tị nạn ở Hàn Quốc. Bà trả tiền thuê người vào Triều Tiên để tìm con nhưng không có bất kỳ dấu vết nào.
Khi gia đình Young bắt đầu chuyển tới Mỹ, mẹ ông vẫn không ngừng tìm kiếm. Bà chỉ dừng lại lúc sức khỏe đã suy yếu. Bà qua đời tại nhà của ông ở Chicago vì ung thư dạ dày. Bà luôn tin rằng căn bệnh bắt nguồn từ nỗi nhớ con đến khắc khoải của bà.
Giờ đây, ông Young đã gần 80 tuổi. Khi cuộc chiến tranh nổ ra, ông mới 11 tuổi. Sợ con phải đi lính, bà Kim đã thuê một người đưa con trai sang phía nam.
Young bị lạc khỏi người mà mẹ ông thuê tại một thành phố xa lạ ở Hàn Quốc. Nằm gục bên đường vì đói, một phụ nữ đi ngang qua đã thốt lên rằng: "Xin đừng để cậu bé này chết trên đường", ông nhớ lại.
Một giáo sĩ trong trại lính đã tiếp nhận Young. Phải mất 7 năm ông mới có thể đoàn tụ với gia đình tại trại tị nạn, nhưng không có hai em út.
Những năm 1960, Young chuyển tới Mỹ. Thực hiện di nguyện của mẹ, ông trở thành một nhà hoạt động kêu gọi Mỹ thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên nhằm tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán. Ông viết thư, tham gia các hiệp hội, thậm chí tự thành lập hai hiệp hội riêng.
Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức một số cuộc đoàn tụ nhưng những gia đình có người thân bị chia cách ở Mỹ và Triều Tiên chưa bao giờ được hưởng cơ hội này. Trong khi đó, nỗ lực của Young đã được các chính trị gia Mỹ mong muốn kết nối cộng đồng Mỹ - Triều chú ý tới. Ông được bầu làm siêu cử tri tại hội nghị đảng Dân chủ năm 1992 và gặp ứng viên tổng thống lúc bấy giờ Bill Clinton. Ông kết nối với thế giới nhưng không thể kết nối với hai người em mất tích.
Cùng khoảng thời gian trên, câu chuyện về những người Triều Tiên tự tìm kiếm thân nhân bị chia cắt bỗng lan truyền nhanh chóng. Các doanh nhân, bác sĩ, mục sư đã thiết lập những kênh liên lạc phi chính thống tới Triều Tiên và yêu cầu được kết nối với người thân của họ. Họ gửi kiến nghị tới các đại sứ quán Triều Tiên ở những nơi xa xôi như Ai Cập. Họ gửi thư cho các phái đoàn quan chức thể thao Triều Tiên đang công du nước ngoài.
Bình Nhưỡng phản ứng khá tích cực, cho phép hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chuyến thăm từ Mỹ tới Triều Tiên trong khoảng thời gian từ những năm 1980 đến 2017.
Young đã hiểu lầm về những liên hệ không chính thức này. Ông không thích ý tưởng tự mình thương thuyết với chính quyền Triều Tiên. Từng phục vụ trong quân đội Hàn Quốc, ông lo sợ có thể bị bắt nếu đến Triều Tiên. Các cuộc đoàn tụ gia đình phải được tổ chức trên cấp độ chính phủ với chính phủ nhằm đảm bảo an toàn.
Nhưng suy nghĩ của Young bắt đầu thay đổi khi ông gặp bác sĩ tim mạch 83 tuổi ở Michigan Moon Jae-pak, người cũng bị thất lạc gia đình trong cuộc chiến. Em gái ông, một thần đồng âm nhạc ở Hàn Quốc, đã bị đưa sang Triều Tiên khi Triều Tiên chiếm Seoul năm 1950.
Nhưng không giống ông Young, bác sĩ Moon đã tìm lại được em gái vào những năm 1990 và đến thăm em mình gần như hàng năm cho đến khi bà qua đời vào năm 2005. Moon đến Triều Tiên nhiều đến nỗi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải thẩm vấn ông.
Moon tới Mỹ theo dạng học bổng vào những năm 1960. Ông tưởng em gái mình đã chết nhưng một người họ hàng ở Nhật Bản đã nghe thấy em ông hát trên đài phát thanh Triều Tiên. Bà trở thành một ngôi sao nhạc opera ở Bình Nhưỡng.
Trong nạn đói những năm 1990. Triều Tiên bắt đầu tìm kiếm viện trợ nhân đạo. Bác sĩ Moon tham gia một sứ mệnh hỗ trợ y tế với hy vọng được gặp lại em.
"Khi tôi đặt chân tới Bình Nhưỡng lần đầu tiên, tôi nhìn thấy một người phụ nữ vừa khóc vừa chạy về phía tôi trên đường băng. Đó là em gái tôi", ông nhớ lại.
Moon tới thăm em gái mỗi năm, làm các công việc về y tế vào ban ngày và gặp em vào buổi tối. Em gái bác sĩ Moon nhận được tiền trợ cấp từ chính phủ khi để anh trai ở chung nhà. Bà luôn khẳng định mình có một cuộc sống vui vẻ ở Triều Tiên. Nhưng mọi chuyện bỗng thay đổi vào lần cuối ông gặp bà.
Bà không được nhận tiền trợ cấp và ông phải lưu trú tại khách sạn Koryo ở Bình Nhưỡng. Lúc ông rời đi, em gái ông đã chạy theo chiếc xe buýt của khách sạn, vừa chạy vừa khóc. "Anh Moon-jae, Moon-jae, đưa em theo với! Hãy đưa em theo! Em không thể đi với anh ư?", bà hét lên.
Không lâu sau lần chia tay đẫm nước mắt, bác sĩ Moon nhận được tin em gái mình đã qua đời ở tuổi 75. Triều Tiên cho phép ông lấy tro của bà và chôn cất tại Mỹ.
Bác sĩ Moon đã đề nghị giúp đỡ ông Young bằng những liên lạc của mình. Trong vòng một năm, thông tin từ Triều Tiên báo về cho biết các em của Young vẫn sống. Hàng xóm đã cứu hai đứa trẻ khỏi bãi biển. Chúng được nuôi dưỡng tại một trại mồ côi, đã kết hôn và có con. Người tìm kiếm mà mẹ ông Young gửi đi không thể tìm thấy các con bởi họ đã được đưa tới tỉnh khác.
Young vỡ òa trong sung sướng. Ông cứ nghĩ các em mình đã chết vì cuộc chiến, nếu không cũng chết vì nạn đói. Ông viết thư cho hai em và được chuyển tới Triều Tiên bởi một trong các cộng sự của bác sĩ Moon.
"Tôi nói với các em rằng mẹ chưa bao giờ ngừng tìm kiếm chúng. Mẹ qua đời nhưng vẫn dặn dò anh tìm các em để nói rằng mẹ xin lỗi", ông kể.
Vài tháng sau, một phong bì được chuyển từ Triều Tiên tới. Nó chứa những bức ảnh chụp gia đình em trai và em gái của Young cùng một tấm ảnh đám cưới em trai ông vào năm 1968.
"Em có thể tưởng tượng mẹ đã đau khổ thế nào khi nghĩ về những đứa con mình bỏ lại phía sau", vợ của em trai ông viết trong thư. Nhưng bức thư cũng đem tới tin buồn. Em trai và em gái ông đã qua đời từ lâu vì bệnh. Thông tin ban đầu nói họ còn sống là sai.
Không giống với các gia đình ly tán khác khi không thể biết tin về người thân của mình, Young tìm được sự an ủi vì ông biết các em ông từng sống tốt. Nhưng niềm day dứt vẫn còn đó. Ông đã viết thêm nhiều bức thư gửi tới họ hàng ở Triều Tiên mong biết thêm tình hình nhưng không nhận được hồi âm.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)