Làm việc ở một văn phòng luật sư, thỉnh thoảng tôi tiếp vài vị khách đặc biệt. Đó là những cụ già đi đòi lại tài sản, căn nhà đã trót sang tên cho con cái. Tôi nhớ một trường hợp là một người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, phải đi hai chuyến xe buýt đến chỗ tôi để nhờ tư vấn liệu có đòi lại được căn nhà đã sang tên cho cậu con trai không?
Chồng bà đã mất, bà lại tuổi ngày một cao nên sợ vài năm nữa sức khoẻ ngày một yếu đi, lại có một cậu con trai duy nhất sớm muộn gì ngôi nhà cũng thuộc về anh ta nên đã sang tên cho con trai.
Thế nhưng anh con trai không lo làm ăn, dính vào cờ bạc, lô đề nên đã cầm cố nhà cửa để trả nợ. Chủ nợ thu hồi nhà nên bây giờ cả gia đình phải đi ở trọ. Bà nói với tôi là cần tìm người để trút bầu tâm sự thôi chứ không còn hy vọng gì đòi lại được căn nhà đó nữa.
Một trường hợp khác, một người con gái nói mình sắp đi du lịch các nước châu Âu nên nhờ mẹ làm hợp đồng cho, tặng ngôi nhà để tỷ lệ xin visa thành công cao hơn, khi đi du lịch về sẽ hoàn lại cho mẹ.
Thế nhưng bây giờ, bà cụ phải rơi vào cảnh ở trọ trong chính ngôi nhà của mình vì căn nhà đã chính thức thuộc về người con gái. Trường hợp khác, sau khi sang tên chẳng bao lâu thì người con trai thuyết phục cha mẹ lên chung cư ở, vì anh ta sẽ bán ngôi nhà này để mua chung cư, số tiền dôi ra sẽ được mang đi đầu tư làm ăn.
Nói là thuyết phục nhưng mang tính chất thông báo hơn, vì lúc này dù có đồng ý hay không thì cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Và còn rất nhiều trường hợp khác cũng có điểm chung tương tự: Cha mẹ già không còn quyền lực gì khi đã sang tên, cho tặng nhà cửa cho các con. Để rồi một khi ngôi nhà sang tên đổi chủ, dù là người thân ruột rà trong gia đình thì người già chẳng khác gì đang đi ở thuê cả.
Lúc tình cảm gia đình khắng khít, con cái hiếu thảo thì biển lặng sóng êm. Nhưng khi cơm không lành, canh không ngọt thì mới nhận ra mình sai lầm. Nhưng lúc đó đã muộn rồi, không thể nào sửa sai được nữa.
>> Khác biệt khi chia tài sản thừa kế ở Tây và ta
Tôi thấy có một vấn đề mà nhiều người già ở Việt Nam mắc phải là không có thói quen làm di chúc, phân chia tài sản. Một là họ thường sang tên cho con cái ngay khi còn sống, hoặc sau khi qua đời thì tài sản mới được chia cho các con theo pháp luật. Trường hợp thứ nhất, thường sẽ rơi vào cảnh bị lạnh nhạt sau khi không còn quyền lực gì trong ngôi nhà của mình. Trường hợp thứ hai thì các con lại trở mặt, tranh giành tài sản với nhau.
Trở lại trường hợp một, đó là một nỗi đau của người già khi tài sản lớn nhất đời người bị con cái đem ra thế chấp, bán đi... mất hẳn ngay khi mình còn sống. Nếu bị đối xử lạnh nhạt thì còn nỗi đau gì hơn.
Vì vậy tôi nghĩ các bậc cha mẹ già nên tỉnh táo, tốt nhất là tham vấn ý kiến của luật sư, làm hợp đồng, di chúc rõ ràng để không phải mang những nỗi đau âm ỉ đến cuối đời.
Phương Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.