(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Luật sư Khanh, đang sống và làm việc ở Mỹ, chia sẻ bài viết quanh chuyện vì sao ở Việt Nam có chuyện anh em trong nhà tị nạnh chuyện chia cha mẹ chia tài sản thừa kế:
Một trong những điều người ta thường hay đi hỏi các luật sư ở Mỹ là có biết chuyện gì hay về di chúc hay không. Nó cũng giống như những chuyện ly kỳ về phá án, bởi các di chúc thường hay là nơi để con cái trong nhà "đánh nhau", nói chung là giúp người ngoài có cái để coi cho vui.
Cha mẹ Mỹ thường không cho con tiền khi mình còn sống. Sau khi con lớn thì cha mẹ có thể có quỹ học đại học cho con, học xong rồi thì đa phần đều tự lập, mua nhà cha mẹ cũng không cho tiền. Những ai sa cơ lỡ vận nhiều khi còn không về nhờ cha mẹ. Nếu có về thì chỉ là trong khoản thời gian cần để tìm lại việc làm, dành dụm ít tiền để ra thuê nhà riêng.
Vì vậy việc cho tiền con cái chỉ xảy ra khi cha mẹ mất đi. Người Mỹ có tiền thì sẽ có di chúc, nhiều tiền thì làm luôn cái "trust" (uỷ thác). Di chúc thì lúc sống để đó, chết đi sẽ được đem ra, nộp lên tòa để thực hiên chia của. Còn trust thì có hiệu lực luôn lúc còn sống, tiền bạc sẽ chuyển vào đó, người thừa kế cũng có sẵn, khi chết thì trong đó đã có hướng dẫn chia của cải thế nào.
>> Con út được chia hết tài sản là không công bằng
Con cái lớn ít khi ở chung với cha mẹ. Gia đình nghèo thì ở chung với nhau, nhưng đã nghèo thì đâu có của cải gì mà tị nạnh. Người già có của thì không ở chung với con, cũng không nhờ vả gì con cái nên cha mẹ có để gì lại cho con nào cũng chả nói được gì. Nền tảng của chuyện "Tiền của cha mẹ thì tùy cha mẹ" được tôn trọng bởi vì cha mẹ cũng chỉ cậy của, chứ không cậy con.Tiền bạc trở thành món thừa kế chứ không phải là chuyện cho ai cái gì sao cho công bằng.
Vậy người Mỹ có trọng nam khinh nữ hay coi thường lớn bé khi chia tiền thừa kế hay không? Việc trọng nam khinh nữ bởi cha mẹ hiếm khi xảy ra vì người Mỹ không có tục cúng kiếng ông bà. Thói quen phương Tây trọng con lớn, dù là nam hay nữ, nhưng đối với việc thừa kế thì ngày nay cũng ít ai nghĩ tới nữa.
Chuyện thừa kế vì vậy tương đối công bằng. Đa phần những chuyện hấp dẫn liên quan tới thừa kế thường xuất phát từ những vấn đề trong mối quan hệ của cha mẹ với con mà thôi. Tất nhiên có cha mẹ thích đứa con này hơn con khác vì một lí do gì đó nên họ chia của theo ý thích của mình. Cũng có cha mẹ cho rằng con này thành công, kiếm được nhiều tiền hơn nên để lại ít của hơn. Lại cũng có cha mẹ cho rằng đứa con phá phách không giữ được tiền nên chia cho anh chị em của nó thì tốt hơn.
Người Việt thường hay cho con khoản tiền lớn khi con mới vào đời, thường là để làm đám cưới hay mua nhà, hay cả hai. Trong đám cưới thì theo phong tục cha mẹ phải lo cho con trai, vì vậy các bạn nữ được coi như là có nhà chồng lo. Sau đó thì một số bậc cha mẹ có thể vun vào cho con trai nhiều hơn, bởi họ mặc định là con gái có nhà chồng cho rồi.
>> Chị gái muốn chia đất để xây nhà
Vì thói quen của xã hội như vậy nên mới xảy ra việc tị nạnh giữa các con với nhau. Nhiều cha mẹ lo cho con trai nhiều hơn con gái, vì nghĩ rằng con gái mình đã có nhà chồng lo, trong khi thực tế thì xã hội ngày nay không phải ai cũng vậy. Vì thế một số phụ nữ mới sinh ra hậm hực, bởi họ không được cha mẹ cho nhiều, mà cũng không được nhà chồng phụ giúp.
Lại cũng có gia đình cho là con cả hay con út phải ở với cha mẹ lúc già, nhà cửa cha mẹ để lại nên phải lo cho cha mẹ. Lại cũng có gia đình cha mẹ cứ hỏi tiền một con rồi lại cho con khác, gây ra tị nạnh. Tất cả chỉ nằm ở một chỗ, đó là các mối quan hệ kinh tế giữa cha mẹ và mỗi đứa con không giống nhau. Nếu cha mẹ không cho tiền những đứa con đã lớn thì không có gì phải tị nạnh nhau cả.
Tương tự như vậy, nếu cha mẹ không ở chung với con đã lớn thì cũng không có rất ít lý do để các con tị nạnh với nhau. Chuyện thừa kế thì nằm trong di chúc, sau này nằm xuống rồi thì các con có muốn cãi cũng chả sao, khỏi có hậm hực với nhau rồi lời ong tiếng ve làm buồn lòng cha mẹ.
>> Tôi từ chối 400m2 đất thừa kế
Có một người từng nói rằng, tiền bạc là quyền lực lúc tuổi già. Điều này đúng, và vì là quyền lực nên phải được dùng một cách hợp lý. Các con đã lớn thì phải để con tự lực, mình chỉ giúp đỡ khi tối cần thiết như khi con đau ốm hay sa cơ lỡ vận. Cho tiền con khi đã lớn thì không khỏi khiến con nhìn quanh rồi lại so đo với nhau.
Người phương Tây hay có câu nói "Bị cho ra khỏi di chúc" để chỉ về một người bị cha mẹ hay ông bà không để lại cho chút gì trong di chúc. Đây không hẳn là một điều xấu, nó chỉ nói lên rằng việc chia của chỉ thường diễn ra lúc nhắm mắt xuôi tay.
Con cái lớn thì không thuộc về trách nhiệm của cha mẹ, và con cái thì không nên trông mong vào cha mẹ về tài chính khi đã đủ sức lo cho mình.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Khanh