Tại hội thảo về tạo dựng niềm tin giữ sản nghiệp gia đình ngày 13/6, có một câu nói của vị doanh nhân mà tôi rất tâm đắc và thấy mình trong đó. Vị ấy phát biểu như sau: "Nếu không có một kế hoạch chuyển giao phù hợp, khi những sự kiện khẩn cấp xảy ra, có thể dẫn đến sự suy yếu của doanh nghiệp".
Nhận xét này quá chuẩn và đó là lỗi tôi đã gặp. Phải nói rằng những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như chúng tôi trước kia phần lớn là tự thân, người lãnh đạo thiếu trình độ quản lý doanh nghiệp nên tầm nhìn hạn chế, từ việc hoạch định kế hoạch tới sắp xếp người lãnh đạo rất khó.
Năm 2004, tôi khao khát mở rộng kinh doanh. Năm 2006 doanh nghiệp của tôi đầu tư ra Hà Nội với số vốn ban đầu là 7,6 tỷ đồng, dự kiến ba năm sau sẽ tăng lên 30 tỷ nhưng tìm không được người quản lý. Lúc đó tôi chỉ yêu cầu trình độ đại học quản trị kinh doanh hoặc marketing mức lương ban đầu là 30 triệu đồng một tháng và sẽ có cổ phần nếu doanh nghiệp lên sàn.
Các ứng viên đa số thấy doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiếu không gian phát triển nên từ chối. Do trình độ quản lý có hạn, không theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp, gặp đúng thời kỳ suy thoái kinh tế, lãi suất ngân hàng sau đó tăng quá cao nên đầu tư thất bại, tôi bị sốc. Cộng với áp lực trả nợ, công việc giữa Nam và Bắc tôi ngã bệnh nằm mấy tháng liền không người thay thế.
Doanh nghiệp thất bại thảm hại, tụt dốc không phanh, phải bán những gì tốt nhất của doanh nghiệp để tránh nợ xấu và tồn tại. Sau 10 năm, doanh nghiệp đi vào ổn định thì tôi bệnh tật, tuổi cao, sức khỏe kém muốn duy trì phát triển doanh nghiệp mà vẫn không tìm được người kế nhiệm.
Con tôi cũng rất giỏi, tư cách đạo đức tốt nhưng thiếu sự đam mê kinh doanh nên không thể kế nhiệm phù hợp. Đây là bài học cay đắng cho tôi và cũng có thể cho các bạn đang là chủ doanh nghiệp nhỏ hiện tại khi không tìm được người quản lý như ý.
Thế hệ trẻ hiện nay thông minh, nhanh nhạy nhưng như vậy chưa đủ. Muốn trở thành một quản lý giỏi ngoài tài năng phải đam mê, có động lực, hiểu được giá trị của doanh nghiệp, không bị chi phối bởi sự cám dỗ vật chất của cuộc sống hiện tại, nếu không, không thể trở thành người quản lý tốt được.
Trừ một số con cái những gia đình nắm cổ phần những doanh nghiệp lớn có trình độ, kinh tế nên học hành bài bản, chiến lược rõ ràng. Đúng như các ý kiến trong hội thảo và ý kiến góp ý qua mạng của nhiều bạn tôi thấy muốn doanh nghiệp phát triển được nên cổ phần hóa, từ bỏ kiểu quản trị gia đình có vậy mới tìm được người quản lý giỏi.
Một doanh nhân khác nói: "Một doanh nghiệp gia đình theo ông chưa thể coi là thành công nếu chưa tìm được người kế thừa phù hợp". Mong những ai đang lãnh đạo doanh nghiệp hãy tiếp thu ý kiến trong hội thảo này và tránh được vết xe đổ của tôi để đưa doanh nghiệp mình phát triển.
Nguyen Huong VT
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.