Một buổi tối giữa tháng 11, một người bạn nhắn tin cho tôi và thông báo sẽ bắt đầu nghỉ việc từ đầu tháng 12. "Đuối, nản lắm rồi nên đã nộp đơn xin nghỉ càng sớm, càng tốt", bạn nhắn cho tôi.
"Thế còn tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết thì thế nào?", tôi nhắn lại. "Bỏ, không thể nào chịu được công việc ấy nữa" bạn giải thích, "Cố đấm ăn tiền thưởng Tết thì lại mang tiếng, vì trước sau gì cũng nghỉ, vừa nhận tiền thưởng Tết xong lại xin nghỉ sẽ mang tiếng".
Người bạn này có tư tưởng có cháo ăn cháu, có rau ăn rau, Tết giảm mua sắm lại là được chứ không chịu làm thêm ngày nào nữa vì công ty có quá nhiều mâu thuẫn.
Một người quen khác của tôi không xem tiền thưởng Tết nhẹ tựa lông hồng như trên mà nó nặng tựa Thái Sơn. Khi mà cả năm qua làm việc chăm chỉ, phấn đấu đạt và vượt KPI. Nhưng trong mấy tháng cuối năm lại được cho vào danh sách cắt giảm nhân sự với lý do công ty gặp khó khăn. "Chỉ có lương tháng, tiền thưởng Tết không có, vậy là mọi dự định sắm sửa phải dẹp sang một bên".
Thưởng Tết, hầu như người lao động nào cũng mong chờ. Đó là thành quả, là trái ngọt sau một năm làm việc vất vả. Ngoài niềm vui nhận một cục tiền to vào dịp cuối năm, tôi thấy nó có nhiều rủi ro. Hai câu chuyện ở trên là những rủi ro đó: mất trắng tiền thưởng Tết nếu xin nghỉ hoặc bị cho nghỉ vào dịp cuối năm.
Nếu chủ động xin nghỉ thì không nói làm gì, nhưng gần cuối năm, công ty cho nghỉ với lời giải thích khó khăn thì hầu như không ai cam tâm với lý do ấy: Còn những tháng làm ăn được thì sao?
Bởi lẽ trên, tôi nghĩ các công ty và người lao động nên chuyển dần sang thưởng hàng quý. Mỗi quý tổng kết lại, người lao động nhận tiền, mà công ty cũng không quá áp lực dòng tiền vào cuối năm.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.