Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tháng qua phát động một chiến dịch gây áp lực toàn diện, trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn các đồng minh Trung Đông cắt giảm đáng kể sản lượng dầu, điều có thể gây chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu vốn đã rất chông chênh, CNN ngày 5/10 dẫn các nguồn thạo tin.
Nhưng nỗ lực đó dường như đã thất bại, sau khi OPEC+, nhóm gồm 13 quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng 10 nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga, ngày 5/10 thông báo cắt giảm giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 11.
Các bộ trưởng dầu mỏ OPEC+ cho biết việc cắt giảm sản lượng là cần thiết "trong bối cảnh bất ổn liên quan đến triển vọng kinh tế và thị trường dầu mỏ toàn cầu". Điều này có thể khiến giá dầu thế giới bật tăng trở lại, kéo theo giá xăng ở Mỹ tăng vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm với chính quyền Biden, khi chỉ còn 5 tuần nữa là tới cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ.
Tổng thống Biden cùng ngày nói với CNN rằng ông "quan ngại" về động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+, điều mà ông cho là "không cần thiết". Khi được yêu cầu bình luận về động thái này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay Washington "đã nêu rõ ràng quan điểm của mình với các thành viên OPEC".
Nhiều ngày qua, các quan chức cấp cao nhất về năng lượng, kinh tế và chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden đã tích cực vận động các đồng minh, đối tác ở Trung Đông như Kuwait, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm thuyết phục họ ngăn cắt giảm sản lượng dầu.
Amos Hochstein, đặc phái viên năng lượng hàng đầu của Tổng thống Biden, là người dẫn dắt các nỗ lực vận động hành lang trong bối cảnh Nhà Trắng vô cùng lo ngại về nguy cơ OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Hochstein, cùng với quan chức an ninh quốc gia hàng đầu Brett McGurk và đặc phái viên chính quyền Mỹ tại Yemen Tim Lenderking, cuối tháng trước đến thành phố Jeddah, Arab Saudi, để thảo luận về hàng loạt vấn đề an ninh và năng lượng sau chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Biden tới nước này hồi tháng 7.
Trong chuyến thăm đó, Tổng thống Biden đã gặp Thái tử Mohammed bin Salman nhằm thuyết phục Riyadh, lãnh đạo trên thực tế của OPEC+, tăng sản lượng để giúp giảm giá xăng dầu đang vọt lên phi mã lúc bấy giờ. Vài tuần sau, OPEC + đồng ý tăng sản lượng ở mức khiêm tốn, chỉ 100.000 thùng mỗi ngày.
Nhiều quan chức trong các nhóm kinh tế và chính sách đối ngoại Nhà Trắng cũng tham gia liên hệ với chính phủ các nước OPEC+ như một phần của nỗ lực ngăn chặn quyết định cắt giảm sản lượng dầu.
Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nêu vấn đề với một số bộ trưởng tài chính các quốc gia Vùng Vịnh, trong đó có Kuwait và UAE, cố gắng thuyết phục họ rằng việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ gây tổn hại vô cùng lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Logic của Washington là một quyết định giảm sốc sản lượng ngay bây giờ sẽ "làm tăng rủi ro lạm phát", dẫn đến lãi suất cao hơn và cuối cùng tạo ra nguy cơ suy thoái lớn hơn.
Một số tài liệu được Nhà Trắng chuyển đến Bộ Tài chính Mỹ hồi đầu tuần mà CNN có được cho thấy chính quyền Biden coi kịch bản OPEC+ cắt giảm sản lượng là "thảm họa toàn diện" và cảnh báo rằng nó có thể bị nhìn nhận như "hành động thù địch".
"Sẽ có rủi ro chính trị lớn đối với uy tín và mối quan hệ giữa các bạn với Mỹ và phương Tây nếu các bạn vẫn thực hiện kế hoạch của mình", tài liệu của Nhà Trắng đề nghị bà Yellen nêu quan điểm này với các đối tác OPEC+.
Một quan chức cấp cao Mỹ cũng thừa nhận chính quyền trong nhiều tuần đã tích cực vận động liên minh do Arab Saudi dẫn đầu, cố gắng thuyết phục họ không cắt giảm sản lượng dầu.
Theo một quan chức ngoại giao trong khu vực, để ngăn chặn OPEC+ cắt giảm sản lượng, Mỹ đã nhấn mạnh tính nhạy cảm của thời điểm, khi kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tài liệu Nhà Trắng gửi Bộ Tài chính Mỹ còn có một đề xuất rằng nếu OPEC+ quyết định không cắt giảm sản lượng, Mỹ sẽ mua 200 triệu thùng để bổ sung cho Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR). Chính quyền Biden năm nay đã trích một lượng đáng kể từ SPR nhằm giúp ổn định giá dầu.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay chính quyền Biden suốt nhiều tháng qua đã làm rõ rằng Washington sẽ mua lại dầu của OPEC+ để bổ sung cho SPR. Mong muốn của Washington là trấn an các đối tác OPEC+ về việc Mỹ sẽ "không bỏ rơi họ trong khó khăn" nếu họ đầu tư vào sản xuất và do đó giá sẽ không giảm thêm nếu nhu cầu toàn cầu giảm.
Dù vậy, nhà ngoại giao khác nói rằng đây chỉ là nỗ lực "tuyệt vọng" của Mỹ.
Khi các bộ trưởng dầu mỏ OPEC+ họp tại Vienna, vấn đề khiến họ đặc biệt quan tâm là việc châu Âu dự định áp giá trần với dầu Nga, như một cách để trừng phạt Moskva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Không chỉ Nga mà nhiều thành viên OPEC+ khác cũng bày tỏ không hài lòng trước kịch bản này, khi nó tạo ra tiền lệ rằng người tiêu dùng, chứ không phải thị trường, có khả năng quyết định giá dầu.
Khi quyết định cắt giảm sản lượng được OPEC+ công bố, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Nhà Trắng đã "giận dữ và hoảng loạn".
"Chúng tôi đã nêu rõ ràng rằng cung cấp năng lượng phải đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạ giá cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đối tác của mình về điều đó", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Adrienne Watson tuyên bố.
Đối với ông Biden, việc OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng dầu không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn. Chính quyền Mỹ suốt nhiều tháng qua đã nỗ lực điều hành chính sách đối nội và đối ngoại nhằm giảm giá năng lượng vốn đã leo thang do xung đột Nga - Ukraine. Nỗ lực đó dường như đã được đền đáp khi giá xăng ở Mỹ giảm trong gần 100 ngày liên tiếp.
Nhưng khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng, giá xăng Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại, gây ra rủi ro chính trị mà Nhà Trắng luôn muốn tránh. Trong lúc các quan chức Mỹ chuyển sang đánh giá những lựa chọn tiềm năng nhằm chặn đà tăng giá nhiên liệu, quyết định của OPEC+ tạo ra cho họ thách thức đặc biệt nghiêm trọng.
Nỗi giận dữ của Nhà Trắng được thể hiện rõ qua các phản ứng công khai với quyết định của OPEC+. "Tổng thống rất thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và cố vấn kinh tế hàng đầu Brian Deese cho biết trong tuyên bố ngày 5/10.
"OPEC+ đang ủng hộ Nga", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói. "Quyết định của khối là lời nhắc nhở rằng việc Mỹ giảm phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài là rất quan trọng".
Vũ Hoàng (Theo CNN)