Hàng loạt chính phủ châu Âu đang tăng trợ cấp để bảo vệ các hộ gia đình khỏi cuộc khủng hoảng giá năng lượng do tác động từ cuộc chiến kinh tế với Nga. Tuy nhiên, biện pháp này lại được thực hiện trong bối cảnh chi phí đi vay tăng và nhà đầu tư đang bất an về tình trạng gia tăng nợ công ở nhiều quốc gia.
Đến nay, 5 nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp với tổng trị giá khoảng 201 tỷ USD.
Các biện pháp hỗ trợ có thể giúp hàng triệu người không bị rơi vào cảnh nghèo đói và hàng nghìn doanh nghiệp không bị phá sản khi hóa đơn năng lượng tăng cao, qua đó làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế.
Chính phủ nhiều nước châu Âu hy vọng chính sách này sẽ duy trì ủng hộ trong công chúng đối với nỗ lực viện trợ Ukraine đối đầu Nga. Một số biện pháp, như áp giá trần giá điện và khí đốt tự nhiên, còn có thể giúp các ngân hàng trung ương chống lại lạm phát.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, chúng cũng đi kèm với những rủi ro nhất định. Tăng trợ cấp bằng tiền mặt dễ khiến người dân châu Âu trở nên không mặn mà với việc tiết kiệm năng lượng, có khả năng dẫn tới tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng hơn vào cuối mùa đông sắp tới.
Dù quy mô những biện pháp hỗ trợ năng lượng hiện nay chưa cao bằng gói cứu trợ Covid-19 hai năm qua, chúng vẫn làm tăng thêm nợ công ở vào thời điểm mà các nhà đầu tư đang đòi hỏi chính phủ tăng lãi suất nhằm bù đắp cho thâm hụt ngân sách vốn đã phình ra do chi tiêu trong thời đại dịch.
Một số biện pháp được đưa ra dưới hình thức áp trần giá năng lượng hay cắt giảm thuế năng lượng. Song các nhà kinh tế cho rằng chúng có thể khuyến khích người dân tiêu thụ năng lượng và khí đốt nhiều hơn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khiến các chính phủ buộc phải tính đến phương án cắt điện luân phiên hay phân bổ khí đốt theo định mức, hoặc tồi tệ hơn là mất điện cục bộ.
"Đó chính xác là một bước đi sai lầm", Benjamin Moll, giáo sư tại Trường Kinh tế London nhận xét. Dù giúp đỡ các gia đình khó khăn là cần thiết, chúng phải được thực hiện theo những cách "không liên quan trực tiếp đến tiêu thụ khí đốt", ông lưu ý.
Trong một bài phân tích đăng ngày 6/9, viện nghiên cứu Bruegel, trụ sở ở Brussels, Bỉ, cho biết trong khi giá bán buôn năng lượng 6 tháng đầu năm nay cao gấp khoảng 10 lần mức trung bình của EU, tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình chỉ giảm 7%.
Chính phủ Đức hôm 4/9 công bố gói biện pháp thứ ba nhằm giúp các hộ gia đình đối phó với tình trạng chi phí năng lượng tăng cao, nâng tổng số tiền hỗ trợ đến nay lên gần 95 tỷ USD. Các biện pháp họ đưa ra gồm áp trần giá điện, cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với khí đốt tự nhiên, hoãn tăng giá khí thải carbon trong một năm, thanh toán tiền một lần cho người hưu trí và sinh viên cùng vài biện pháp khác nhỏ hơn.
Với xấp xỉ 65 tỷ USD, quy mô gói hỗ trợ mới nhất lớn hơn nhiều so với hai gói trước đây, phản ánh tác động ngày càng lớn của tình trạng tăng giá năng lượng.
Mặc dù đã thông báo suốt nhiều tuần, Berlin chỉ thông qua gói hỗ trợ này một ngày sau khi Nga đình chỉ gần như tất cả các tuyến vận chuyển khí đốt tới Đức nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moskva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư UBS ước tính tổng giá trị các gói hỗ trợ của Đức chiếm khoảng 2,7% sản lượng kinh tế hàng năm.
Theo tính toán từ ngân hàng đầu tư UBS, biện pháp giới áp giá trần năng lượng và trợ cấp của Pháp cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương lên tới khoảng 1,8% GDP. Tại Italy, chi phí của các biện pháp tương tự ước tính chiếm khoảng 2,4% sản lượng hàng năm và chiếm 1,25% GDP ở Tây Ban Nha.
Hỗ trợ đại dịch khiến chính phủ Pháp thiệt hại 9,6% GDP, chính phủ Italy là 10,9% và chính phủ Tây Ban Nha là 8,4%, bên cạnh các khoản vay và bảo lãnh lớn hơn rất nhiều.
Theo Gaurav Saroliya, quản lý danh mục đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Allianz Global Investors, những gói hỗ trợ ngăn khủng hoảng năng lượng mới nhất khó ảnh hưởng tới tính bền vững cốt lõi của các quốc gia châu Âu sau thời gian dài họ đã có thặng dư tài chính.
Song với tư cách là một nhà đầu tư, ông ngày càng lo ngại về chi phí đi vay của Anh, vốn tăng lên trên 3% vào hôm 6/9, lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Chính phủ tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã ra tín hiệu rằng họ sẽ sớm công bố mức trần giá năng lượng của chính mình với chi phí ước tính khoảng 115 tỷ USD. Con số đó sẽ lớn hơn số tiền hơn 80,5 tỷ USD Anh chi cho chương trình hỗ trợ người lao động nghỉ việc trong thời kỳ đại dịch, nhưng chỉ gần bằng 1/4 tổng giá trị các gói hỗ trợ Covid-19.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc phân bổ nhiên liệu theo định mức hay cắt điện luân phiên sẽ khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa trên quy mô lớn, gây ra sụt giảm kinh tế nghiêm trọng trong những tháng mùa đông.
Một khía cạnh tích cực của biện pháp áp giá trần năng lượng là chúng có thể giúp giảm lạm phát. Phát biểu trước các nhà lập pháp hôm 7/9, Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh, cho biết việc áp giá trần có khả năng "giảm lạm phát toàn phần về gần bằng mức chúng tôi dự báo".
Đối với Anh, các nhà kinh tế tại ngân hàng Barclays ước tính tỷ lệ lạm phát hàng năm có thể đã đạt đỉnh 10,1% vào tháng 7, nếu giá năng lượng cho các hộ gia đình được duy trì ở mức như hồi tháng 4. Điều đó sẽ làm giảm nhu cầu gia tăng đáng kể lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Trung ương Anh.
"Bằng cách áp giá trần năng lượng, chính phủ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Ngân hàng Trung ương trong nỗ lực kiểm soát đà lạm phát", chuyên gia kinh tế tại Barclays viết trong thư gửi khách hàng.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)