Than đá từng đóng vai trò quan trọng cho sự trỗi dậy của Tây Âu. Nếu không có quá trình công nghiệp hóa sử dụng than đá, Anh sẽ không bao giờ trở thành cường quốc kinh tế trong thế kỷ 19.
Nhưng khi dầu mỏ bắt đầu phổ biến vào nửa sau thế kỷ 19, Tây Âu phải đối mặt với tương lai địa chính trị tương đối khác. Các nước châu Âu lúc đó không có nhiều dầu, ngoại trừ Romania và Galicia ở Áo - Hung, giờ là một phần của Ukraine.
Ngược lại, Nga và Mỹ đều có nguồn dầu mỏ dồi dào. Không muốn chịu tác động địa chính trị tiêu cực từ thiếu dầu, các nước châu Âu đã hướng về Trung Đông. Vào những năm 1890, Đức dưới thời Kaiser Wilhelm thành lập liên minh với người Ottoman để giành quyền thăm dò dầu ở khu vực Mesopotamia, thuộc Iraq ngày nay.
Trung Đông trở thành trung tâm cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc châu Âu trong Thế chiến I. Nhưng trong và sau khi cuộc chiến kết thúc, sự hiện diện của Anh và Pháp ở Trung Đông không giúp khắc phục tình trạng thiếu năng lượng trong trung và dài hạn của châu Âu.
Không có thời điểm nào trong suốt cuộc chiến, Anh và Pháp đảm bảo đủ nguồn cung từ Trung Đông để thoát phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu từ Tây bán cầu, cũng như từ Liên Xô từ cuối những năm 1920 tới giữa những năm 1930.
Khi Thế chiến II nổ ra, Anh và Pháp một lần nữa phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu dầu từ Mỹ. Cơn khát dầu cũng được coi là một trong những lý do khiến Đức mở chiến dịch xâm lược Liên Xô trong thời kỳ này.

Mỏ khí đốt Bovanenkovo do tập đoàn Gazprom sở hữu ở bán đảo Yamal, Nga hồi tháng 5/2019. Ảnh: Reuters.
Tình hình địa chính trị dầu mỏ hậu Thế chiến II càng trở nên khó khăn hơn đối với các nước Tây Âu. Lo ngại về nguồn cung nội địa dài hạn, các tổng thống Mỹ thời kỳ đó không muốn bán dầu cho Tây Âu, khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Trung Đông.
Để đáp trả, các nước Tây Âu quay sang hợp tác dầu mỏ với Liên Xô, đồng thời chuyển hướng sang năng lượng hạt nhân. Dầu mỏ từ Liên Xô mang tới cơ hội đa dạng hóa nguồn cung cho châu Âu, đồng thời khí đốt dần trở thành nguồn năng lượng hóa thạch quan trọng với họ.
Trong thời kỳ đó, ba quốc gia Bắc Âu gồm Hà Lan, Na Uy và Anh có triển vọng về nguồn cung khí đốt nội địa đáng kể, nhưng Tây Đức thì không. Để bù đắp, thủ tướng Tây Đức Willy Brandt cuối những năm 1960 cam kết sẽ mua khí đốt Liên Xô bằng hệ thống đường ống do Đức chế tạo. Mối quan hệ khí đốt Tây Đức - Liên Xô ra đời.
Mối quan hệ này vẫn tiếp tục sau khi Liên Xô tan rã. Các công ty năng lượng châu Âu vẫn hợp tác chặt chẽ với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trở nên hấp dẫn hơn phụ thuộc vào Trung Đông.
Tuy nhiên, vì các đường ống khí đốt của Nga chạy qua các quốc gia độc lập ở biên giới phía tây, chủ yếu là Ukraine, an ninh năng lượng của châu Âu xuất hiện những lỗ hổng mới.
Nga sau đó quyết định xây dựng thêm đường ống qua Biển Baltic để tránh phụ thuộc vào tuyến ống qua Ukraine. Đức ủng hộ xây dựng đường ống Nord Stream đầu tiên dưới Biển Baltic, từ Vyborg của Nga tới một cảng công nghiệp gần Greifswald, Đức.
Sau khi đi vào hoạt động từ năm 2011, Nord Stream 1 đã làm giảm doanh thu từ trung chuyển khí đốt của Ukraine, đồng thời khiến nhiều nước châu Âu không còn nhiều động lực hỗ trợ Kiev trong các cuộc tranh chấp năng lượng với Nga.

Vị trí đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Đồ họa: Al Jazeera.
Tuy nhiên, tình hình năng lượng của châu Âu lại xấu đi trong những năm 2010. Trong khi Mỹ tăng cường thử nghiệm khai thác dầu đá phiến, các nước Tây Âu không có động lực để làm vậy. Dầu khí đá phiến đã giúp Mỹ ngày càng giảm phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài, trong khi sự phụ thuộc của châu Âu ngày một tăng.
Trong 16 năm cầm quyền, thủ tướng Đức Angela Merkel không thấy lý do phải từ bỏ nguồn khí đốt giá rẻ dồi dào của Nga. Thị trường năng lượng châu Âu trở thành nơi cạnh tranh gay gắt giữa tập đoàn Gazprom của Nga và các công ty khí đốt Mỹ.
Nhưng chiến dịch quân sự mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ở Ukraine đã khiến Đức và nhiều nước châu Âu "tỉnh mộng" về nguồn cung khí đốt Nga, khi Moskva bị cáo buộc biến năng lượng thành vũ khí để đối phó với sức ép trừng phạt của phương Tây. Những quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt mà Moskva đưa ra càng cho thấy rõ lỗ hổng lớn trong hệ thống an ninh năng lượng của châu Âu.
Cách duy nhất để các nước châu Âu thoát phụ thuộc khí đốt Nga là xem xét lại các vấn đề mà họ từng đối mặt trong suốt nửa đầu thế kỷ 21, theo Helen Thompson, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Cambridge, Anh.
Họ có thể tìm kiếm nguồn cung dầu khí từ Mỹ và Qatar, hoặc Iran nếu có thể thuyết phục Washington từ bỏ các lệnh trừng phạt với quốc gia này. Ngoài ra, châu Âu có thể đàm phán với Ankara để khai thác khí đốt dưới các vùng biển ngoài khơi Cyprus và Hy Lạp, nơi Thổ Nhĩ Kỳ coi là khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, nguồn cung từ Mỹ khó có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của châu Âu, trong khi chi phí vận chuyển đội lên rất nhiều. Các nguồn xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt khác cũng đều đã hoạt động hết công suất, khó có thể bù đắp cho lượng thiếu hụt từ Nga.

Tàu chở khí hóa lỏng Nikolay Urvantsev tại cảng Boilbao, Tây Ban Nha hôm 10/3. Ảnh: Reuters.
Khi nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu bị cắt giảm và nhu cầu năng lượng của châu Á gia tăng, châu Âu đối mặt lựa chọn trung hạn cho an ninh năng lượng là xây mới các lò phản ứng hạt nhân, hoặc tiếp tục đốt than, loại nhiên liệu gây ô nhiễm hàng đầu. Nhưng những lựa chọn này đều không mang đến giải pháp hoàn hảo cho vấn đề năng lượng của châu Âu.
Trước xung đột, 50% lượng than nhập khẩu của Đức đến từ Nga. Trong khi đó, Pháp cũng gặp nhiều khó khăn với hệ thống năng lượng hạt nhân già cỗi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu năm nay hứa hẹn "tái sinh ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp". Tuy nhiên, tham vọng đã không thành hiện thực khi một nửa số lò phản ứng hạt nhân của Pháp đã phải tạm dừng hoạt động để bảo trì trong những tháng qua. Đợt nắng nóng nghiêm trọng hồi tháng 7 cũng gây khó khăn cho việc xả nước làm mát từ các lò phản ứng hạt nhân.
Việc phát triển các dự án hạt nhân cũng kéo theo sự phụ thuộc mới vào Washington, khi Pháp phải nhập khẩu công nghệ và nguồn uranium làm giàu từ Mỹ.
Theo giáo sư Thompson, thực tế này khiến châu Âu vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho bài toán năng lượng của mình, khi không thể từ bỏ mọi hoạt động nhập khẩu năng lượng Nga do nguồn cung từ các nơi khác rất hạn chế. "Châu Âu chỉ có những lựa chọn khó khăn ở phía trước. Niềm hy vọng dựa vào năng lượng hạt nhân hay tái tạo để thoát phụ thuộc vào bên ngoài và tạo ra tương lai địa chính trị mới cho châu lục đã tan vỡ", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)