Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vào tháng 4/2019 thông báo kế hoạch nói lỏng các quy định về hộ khẩu ở các thành phố cỡ nhỏ và cỡ vừa nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tạo thuận lợi cho người dân. Kế hoạch này đặt mục tiêu cấp hộ khẩu thành phố cho 100 triệu lao động nhập cư từ nông thôn đến hết năm 2020.
Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc trong nỗ lực cải cách hộ khẩu, hệ thống quản lý dân cư đã tồn tại ở nước này hơn 60 năm qua. Hộ khẩu có vai trò như cuốn "hộ chiếu nội địa", được chính quyền sử dụng để điều chỉnh sự phân bố dân số trong nước.
Hộ khẩu chứa toàn bộ thông tin về tình trạng hôn nhân, ngày tháng năm sinh cũng như ngày mất của mọi thành viên trong một hộ gia đình ở nông thôn cũng như thành phố tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đặt ra hệ thống hộ khẩu từ năm 1958, khi thời kỳ Đại nhảy vọt bắt đầu, nhằm kiểm soát dòng chảy dân số để hỗ trợ các chính sách tập thể hóa nông nghiệp và thúc đẩy công nghiệp hóa.
Hộ khẩu được coi là công cụ hành chính quan trọng để chính phủ Trung Quốc kiểm soát dòng người di cư trong nước. Các chế độ an sinh xã hội và dịch vụ công cộng như y tế, lương hưu và giáo dục miễn phí cũng gắn liền với nơi đăng ký hộ khẩu. Không có hộ khẩu phù hợp, người dân cũng không thể mua nhà hoặc mua xe.
Tuy nhiên, sau hơn 6 thập kỷ thực thi, hộ khẩu bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề. Nó hạn chế tính lưu động của nguồn lực, gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế đang ở mốc tăng trưởng chậm nhất sau nhiều thập kỷ. Nhiều người nhập cư là lao động có thu nhập thấp, sống bấp bênh ở những thành phố các xa gia đình và quê hương họ. Hệ thống này cũng làm tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
"Hộ khẩu hạn chế dòng chảy dân số, trở thành một trong những thách thức lớn nhất sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa năm 1978", tác giả Li Qingqing nhận định trên bài viết đăng trên Global Times hồi tháng 12/2019.
"Dòng chảy dân số cung cấp sức sống cho một nền kinh tế. Việc xóa bỏ và nới lỏng hạn chế hộ khẩu sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc. Con người là cốt lõi của đô thị hóa. Chỉ chính sách hộ khẩu hấp dẫn mới thu hút được nhân tài, khuyến khích tinh thần làm giàu và khiến các thành phố thịnh vượng hơn", Li viết.
Đây là động lực để chính phủ Trung Quốc tiến hành Kế hoạch Đô thị hóa 2019, cam kết xóa rào cản cấp hộ khẩu tại các thành phố có quy mô dân số dưới ba triệu người, nới lỏng điều kiện cấp hộ khẩu cho những thành phố 3-5 triệu dân. Với những thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, hệ thống cấp hộ khẩu sẽ được đơn giản hóa, nhưng chính phủ Trung Quốc chưa tiết lộ phương án cụ thể.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2019 đã nêu tầm quan trọng của việc phát triển "cụm thành phố", nghĩa là thúc đẩy công nghiệp và dân số tại các thành phố có mặt bằng kinh tế, xã hội tương đương trong cùng khu vực, với mục tiêu cấp hộ khẩu thành phố cho hơn 100 triệu người dân nông thôn vào cuối năm 2020.
Nghiên cứu về chiến lược Đô thị hóa 2.0 của Trung Quốc do công ty tư vấn Morgan Stanley đưa ra cho thấy thay đổi chính sách hộ khẩu sẽ nâng cao cơ sở hạ tầng và tính kết nối khu vực, thúc đẩy tăng trưởng, cho phép Trung Quốc tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2030.
Thay đổi hộ khẩu cũng có thể thúc đẩy kinh tế nhờ phân bổ lại nguồn lực, từ đó tăng cường năng suất lao động, trong bối cảnh số người trong độ tuổi lao động 15-59 ở Trung Quốc bắt đầu suy giảm từ năm 2015. Động thái này dự kiến cũng thúc đẩy doanh số bán nhà ở Trung Quốc, khi cổ phiếu của nhiều nhà phát triển bất động sản tăng 2,9% vào ngày chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính sách hộ khẩu mới.
Tiến trình thay đổi cụ thể sẽ do chính quyền địa phương đặt ra. Quan chức Bắc Kinh và Thượng Hải e ngại việc cho phép hàng triệu người sinh sống trong các thành phố lớn mà không cần hộ khẩu sẽ khiến công tác quản lý rất tốn kém và mở ra làn sóng di cư mới đến thành phố.
Năm 2017, Bắc Kinh đã lập một hệ thống tính điểm, xác định điều kiện để được cấp hộ khẩu bao gồm tuổi tác, trình độ, số năm đóng thuế cho thành phố. Năm 2019, chỉ 6.007 người trong số 100.000 người nộp đơn được cấp hộ khẩu thủ đô.
Từ tháng 9/2019, khoảng 30 thành phố đã xóa bớt điều kiện nhập hộ khẩu. Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang trù phú và Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, cấp sổ thường trú cho lao động nhập cư có bằng đại học. Trong khi đó, thành phố Nghi Xương của tỉnh Hồ Bắc, nơi có 4 triệu dân và đang đối mặt suy giảm dân số, tuyên bố bất kỳ ai thuê nhà tại đây đều đủ điều kiện xin cấp hộ khẩu.
Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, dỡ bỏ mọi rào cản với người dân nông thôn xin cư trú ở thành thị, tuyên bố họ có thể xin hộ khẩu thành phố mà vẫn giữ nguyên quyền lợi với đất đai nông nghiệp tại quê nhà.
Hồi tháng 4/2019, quốc vụ viện Trung Quốc ban hành hướng dẫn bỏ các hạn chế về đăng ký hộ khẩu tại các thành phố dưới ba triệu người. Hướng dẫn này cũng đề xuất nới hạn chế hộ khẩu tại các thành phố 3-5 triệu người, tạo điều kiện được người dân nhập cư quyền tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, mua xe, phúc lợi xã hội.
Với những khu vực đô thị như đồng bằng sông Dương Tử, đồng bằng Châu Giang, chính quyền sẽ xem xét công nhận "số năm tích lũy", tức thời gian làm việc và sinh sống của một người ở những thành phố có mặt bằng kinh tế, xã hội tương đương thuộc cùng khu vực, để cấp hộ khẩu.
Trước đây, để được cấp hộ khẩu ở Thượng Hải, người lao động nhập cư phải có "giấy phép cư trú Thượng Hải" ít nhất 7 năm. Tuy nhiên, khi việc công nhận "số năm tích lũy" được thực hiện, thời gian họ sống tại các thành phố gần Thượng Hải cũng được tính vào yêu cầu 7 năm. Nói cách khác, họ không cần phải cư trú tại Thượng Hải suốt 7 năm để đáp ứng yêu cầu xin hộ khẩu.
Gao Ziping, giáo sư Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, chuyên gia về nguồn nhân lực, đánh giá việc nới lỏng quy định về hộ khẩu sẽ đáp ứng nhu cầu của dòng chảy lao động trong các cụm thành phố cũng như nhu cầu điều tiết phát triển công nghiệp.
"Mục đích của quyết định này là cho phép người lao động cảm thấy những đóng góp mà họ thực hiện với sự phát triển của khu vực sẽ đem lại cho họ quyền bình đẳng", Gao nói. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp tháo dỡ rào cản giữa lao động nhập cư và người dân địa phương.
"Những thay đổi mới sẽ giúp lao động nhập cư được hưởng các lợi ích như bảo hiểm y tế và giáo dục giống người dân địa phương", Guan Xinping, chuyên gia về chính sách xã hội, Đại học Nam Khai, Thiên Tân, nhận định.
Hồng Hạnh (Theo Bloomberg/Global Times)