![]() |
Một người đàn ông từ nông thôn vác hành lý trên vai tại nhà ga ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Tờ Deusche Welle của Đức có bài viết về vấn đề này như sau.
Các luật lệ xung quanh việc đăng ký hộ khẩu ở Trung Quốc đã được nới lỏng trong ba thập kỷ qua, nhưng vẫn gây cản trở cho hàng triệu người nhập cư khi tiếp cận với các dịch vụ công cộng và chế độ an sinh xã hội.
Mọi công dân Trung Quốc phải đăng ký hộ khẩu ở quê, có nghĩa là họ chỉ được phép tiếp cận với các chế độ an sinh, ví dụ dịch vụ y tế hay giáo dục miễn phí, tại địa phương đó. Hệ thống này không gây ra vấn đề gì cho những người chỉ ở nguyên một chỗ, nhưng lại ảnh hưởng đến hàng triệu lao động di cư của Trung Quốc, những người từ nông thôn ra thành thị kiếm việc làm.
Ở thành phố, lao động nhập cư có thể xin giấy phép cư trú tạm thời và phải gia hạn hàng năm. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng chính sách này làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Wang Feiling, một chuyên gia chính trị tại học viện ngoại giao Sam Nunn ở Atlanta, Mỹ, tán đồng với ý kiến đó. Ông cho rằng chính sách hộ khẩu đang đẩy Trung Quốc vào tình trạng một xã hội có hai tầng lớp.
"Vấn đề là có sự phân biệt đối xử rất lớn đối với những người dân sống ở vùng nông thôn và các khu vực hẻo lánh. Chính sách đó tạo ra những bất công về mặt kinh tế và xã hội", Wang nói.
Tuy vậy, cải cách chính sách hộ khẩu không hề dễ dàng. Hệ thống này vốn giúp giới chức Trung Quốc theo dõi được luồng di trú của lực lượng lao động. Một số người lo ngại rằng nếu hệ thống này bị xóa bỏ, hàng triệu người nông thôn sẽ đổ ra thành phố.
So sánh với một số quốc gia đang nổi lên khác như Ấn Độ hay Brazil, các thành phố của Trung Quốc có ít khu ổ chuột hơn. Thomas Scharping, chuyên gia về Trung Quốc học tại đại học Cologne, cho rằng có hai cách nhìn nhận vấn đề này. "Việc tự do lựa chọn nơi cư trú và làm việc là tốt cho nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng sẽ làm nảy sinh những vấn đề xã hội", ông nói.
Tại Trung Quốc, hộ khẩu cũng được coi là gây ra sự không công bằng. Trong bài đăng trên tờ Qiushi tháng trước, Zhou Yongkang, tổng thư ký ủy ban lập pháp và chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi tăng tốc cải cách hệ thống hộ khẩu. Ông cho rằng bất kỳ người nào sở hữu nhà tại thành phố cũng nên có quyền có hộ khẩu.
Wang Feiling không ủng hộ ý tưởng đó. Ông cho rằng xóa bỏ hộ khẩu sẽ gây ra nhiều vấn đề về xã hội. "Gợi ý đó chỉ mang lại lợi ích cho những người giàu mà thôi, số đó lại chiếm thiểu số trong xã hội Trung Quốc", Wang nói. "Nó cũng sẽ hút tiền và người từ các vùng nông thôn đổ vào các trung tâm thành thị lớn. Người ta sẽ đổ thêm tiền vào những chỗ vốn đã rất giàu rồi", ông nói thêm.Wang Feiling cho rằng các đô thị lớn không có lý do gì để thay đổi hệ thống này và người dân thành phố cũng không dễ dàng từ bỏ đặc quyền của họ.
"Cách lý tưởng nhất để thay đổi chế độ hộ khẩu không phải là xóa bỏ nó một sớm một chiều, mà giúp những người ở vùng hẻo lánh tự tổ chức, ví dụ tăng quyền sở hữu đất, để làm giàu. Và như vậy họ sẽ không mặn mà với chuyện ra thành phố lớn", Wang gợi ý.
Dù hệ thống hộ khẩu được thay đổi theo kiểu nào đi nữa, rõ ràng việc giải quyết những bất công bằng xã hội giữa thành thị và nông thôn sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính phủ Trung Quốc trong thập kỷ tới.
Ngọc Sơn