Ba năm nay, giới chức Trung Quốc cố gắng đảo ngược sự mất cân bằng do chính sách một con gây ra, động viên các cặp vợ chồng đẻ thêm con bằng cách tuyên truyền đẻ hai con là nghĩa vụ của công dân yêu nước.
Chính quyền đề ra nhiều biện pháp tăng dân số cho các cặp vợ chồng đẻ con thứ hai như giảm thuế, hỗ trợ mua nhà, hỗ trợ học phí, cho phép cha mẹ nghỉ thai sản lâu hơn, khiến việc phá thai hoặc ly dị khó khăn hơn.
Nhưng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn thấp, tình trạng nam thừa nữ thiếu vẫn phổ biến, tạo ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đe dọa tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập niên tới.
Yew-Kwang Ng, giáo sư kinh tế học người Malaysia đang giảng dạy ở đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đã đề xuất một giải pháp khác gây tranh cãi: cho phép phụ nữ lấy nhiều chồng để sinh nhiều con.
"Tôi sẽ không đề xuất chế độ đa phu nếu tỷ lệ giới tính không mất cân bằng nghiêm trọng như bây giờ", Ng viết trong bài báo đăng trên một trang web kinh doanh của Trung Quốc trong tháng này có tiêu đề "Đa phu có thực là ý tưởng kỳ quặc?"
"Tôi không ủng hộ chế độ đa phu, tôi chỉ đề xuất rằng chúng ta nên xem xét lựa chọn này khi đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính", ông viết tiếp.
Suốt 36 năm, chính quyền Trung Quốc quy định các cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con trừ trường hợp đặc biệt, như họ sống ở vùng nông thôn hoặc con đầu lòng bị khuyết tật. Đây là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng sống của Trung Quốc.
Chính sách tỏ ra hữu hiệu. Dân số Trung Quốc hiện ở mức 1,4 tỷ người, trong đó 100 triệu người dưới 40 tuổi là con một. Nhưng quan niệm trọng nam khinh nữ và hành vi phá thai nếu phát hiện thai nhi là bé gái, khiến số lượng đàn ông ở Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ 34 triệu người.
Đây là một vấn đề lớn. Ngoài ra, xu hướng phụ nữ trì hoãn kết hôn và chỉ sinh một con, thậm chí không sinh con, đã tạo ra một quả bom hẹn giờ về dân số. Dân số Trung Quốc dự báo đạt đỉnh 1,45 tỷ người vào năm 2027, sau đó bắt đầu suy giảm. Khoảng một phần ba dân số sẽ trên 65 tuổi vào năm 2050.
Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu bỏ chính sách một con nhưng nó gần như không có tác động đáng kể. Phụ nữ muốn tạo dựng sự nghiệp riêng, nhiều người thà sinh một con để đứa trẻ được đầy đủ còn hơn chia đôi nguồn lực cho hai đứa.
Gợi ý của giáo sư Ng nhằm giải quyết tình trạng nam thừa nữ thiếu bằng cách cho phép những người độc thân bất đắc dĩ chia sẻ tài nguyên phụ nữ khan hiếm.
"Nếu hai người đàn ông sẵn lòng lấy chung vợ và người phụ nữ đồng ý, thì lý do nào khiến xã hội ngăn cản họ cùng chia sẻ một người vợ?" Ng hỏi, dẫn chứng chế độ đa thê rất phổ biến thời cổ đại và hiện một số quốc gia Hồi giáo vẫn duy trì.
"Tôi không phủ nhận ưu thế của chế độ một vợ một chồng, nó mang lại lợi ích cho sự phát triển và giáo dục trẻ em", Ng viết. "Tuy nhiên, tại Trung Quốc, khi mà tỷ lệ giới tính mất cân bằng nghiêm trọng, cần phải xem xét hợp pháp hóa chế độ đa phu".
Thêm vào đó, nó có thể tạo ra hiệu quả tốt, bởi phụ nữ không gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thể xác của nhiều người chồng, theo Ng.
"Gái mại dâm có thể tiếp hơn 10 khách một ngày", Ng viết, tiếp tục đẩy vấn đề lên cao trào. "Nấu cơm cho ba ông chồng không tốn nhiều thời gian hơn nấu cơm cho hai ông chồng".
Bài viết của Ng được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều phụ nữ tỏ bức xúc trước ý tưởng này.
"Tôi thấy thật ghê tởm", một phụ nữ tự xưng là Keely viết, hỏi tại sao Ng không đặt mình vào vị trí người phụ nữ để suy nghĩ.
"Những gì ông ấy nói làm tôi bị sốc. Đây là năm 2020 ư?" một người có tên Fuduoduo nói.
"Hãy để tôi dịch lại những gì ông ta nói: ông ta muốn hợp pháp hóa nô lệ tình dục", một người khác bày tỏ.
Ng vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Ông tuyên bố bài viết tiếp theo sẽ nói về biện pháp khắc phục mất cân bằng giới tính bằng cách hợp pháp hóa mại dâm.
Bởi sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc đã gây ra cạnh tranh khốc liệt trong công cuộc tìm vợ, ông nói, "một người đàn ông có quyền được thỏa mãn tình dục đang bị vi phạm nghiêm trọng nếu không cho phép mại dâm được hợp pháp hóa".
"Hợp pháp hóa mại dâm và xây dựng thêm nhiều nhà chứa sẽ cho phép đàn ông giải quyết 'nhu cầu cấp bách'", Ng viết.
Hồng Hạnh (Theo Washington Post)