![]() | |
Mặc dù bố mẹ Yumeng làm việc tại Bắc Kinh mười năm qua, bé vẫn bị cấp hộ khẩu tại quê của bố, một làng nhỏ ở tỉnh An Huy. Ông Du Shujian, 31 tuổi, làm công nhân xây dựng với mức lương khoảng 250 USD/tháng và bị tước đi chế độ an sinh xã hội và y tế từ khi đặt chân đến thủ đô của Trung Quốc. Hơn thế, ông Du không được phép mua nhà vì không có hộ khẩu Bắc Kinh. “Tôi làm nội thất cho nhiều căn hộ của người dân Bắc Kinh, nhưng tôi không biết khi nào tôi mới có căn hộ của riêng mình” - ông Du than thở. Bằng chứng về sự thành công kinh tế của Trung Quốc là điều quá rõ với rừng cần cẩu xây dựng mọc lên ở cả các đô thị lớn. Song điều này càng làm trầm trọng thêm vấn đề đô thị hóa do việc thu hút nhiều cư dân nông thôn rời đồng ruộng lên thành phố tìm cuộc sống tốt hơn. Chính phủ Trung Quốc ước lượng khoảng 120 triệu lao động nhập cư tại các thành phố nhưng con số thật có thể cao hơn thế nhiều.
“Hộ khẩu từng đóng một vai trò quan trọng như một tài liệu cung cấp thông tin cơ bản và nhận diện đăng ký trong những giai đoạn lịch sử nào đó, nhưng nó đã trở nên không còn tính khoa học và bất hợp lý với xu hướng nhập cư không thể cưỡng lại hiện nay” - giáo sư Duan Chengrong, Đại học Nhân Dân, nhận xét. Ông tin rằng hộ khẩu là “cản trở cho nền kinh tế thị trường” của Trung Quốc. Mặc dù lao động nhập cư đóng góp không ít vào phát triển kinh tế tại đô thị nhưng tấm hộ khẩu ngăn cản sự hội nhập của họ vào xã hội cũng như khả năng tiếp cận những công việc tốt hơn. Với khoảng cách phát triển nới rộng hơn giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc, ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc cải cách hệ thống hộ khẩu đã lỗi thời. Trong một thăm dò ý kiến mới đây của trang web Sina.com và Thanh Niên Trung Quốc Nhật Báo, có đến 92% ý kiến cho rằng hệ thống hộ khẩu cần được thay đổi. Hơn một nửa ý kiến cho rằng những chính sách hạn chế gắn liền với hộ khẩu nên được xóa bỏ và có gần 40% ý kiến kêu gọi loại bỏ hoàn toàn hệ thống hộ khẩu. Hiện nay Bắc Kinh, Thượng Hải và vài thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông đã nới lỏng một số hạn chế về thay đổi hộ khẩu. Tỉnh Hắc Long Giang cũng đang thử nghiệm thay đổi hệ thống đăng ký hộ gia đình và đặt mục tiêu thực hiện đầy đủ hệ thống mới trong toàn tỉnh cuối năm nay. Giáo sư Duan nhìn nhận cải cách hộ khẩu sẽ cho phép Trung Quốc đưa nguồn lao động đến những nơi cần nhất, thay vì đến những nơi được người lao động ưa thích nhất. Bố của bé Yumeng khi hay tin về sự thay đổi việc cấp hộ khẩu tại Bắc Kinh, đã tỏ ra rất phấn khích: “Nó không dành cho tôi... nhưng nó sẽ rất có ý nghĩa cho con gái tôi. Tôi muốn cháu được đi học đàng hoàng như những đứa trẻ Bắc Kinh khác”. Nhưng ông thật sự không biết khi nào điều này sẽ trở thành hiện thực. (Tuổi Trẻ/China Daily) |