Những giao kèo đầu tiên xuất hiện vào đầu năm 2020, được giới chức Afghanistan mô tả là thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền địa phương vùng nông thôn với Taliban.
Tuy nhiên, bản chất của các thỏa thuận này là những vụ "đổi chác", khi Taliban đề nghị lực lượng an ninh địa phương giao nộp vũ khí để nhận tiền, theo tiết lộ từ quan chức Mỹ và sĩ quan Afghanistan.
Từ những thỏa thuận dưới gầm bàn như vậy, Taliban đã nhanh chóng kiểm soát toàn bộ vùng nông thôn rộng lớn của Afghanistan. Trong một năm rưỡi tiếp theo, các cuộc đổi chác vươn tới cấp quận, rồi nhanh chóng lên tới cấp tỉnh lỵ, với kết quả là hàng loạt lực lượng an ninh Afghanistan nhanh chóng đầu hàng Taliban.
Hậu quả là quân đội chính phủ Afghanistan, lực lượng hơn 300.000 người được Mỹ dày công huấn luyện và trang bị các loại khí tài hiện đại trị giá nhiều tỷ USD, gần như bị mục ruỗng từ bên trong, mất hết nhuệ khí chiến đấu và nhanh chóng sụp đổ ở hàng loạt tỉnh thành, tạo điều kiện để Taliban tiến công như vũ bão đến thủ đô trong chỉ hơn một tuần.
Mức độ phản kháng tại nhiều địa phương không đáng kể. Có nơi quân chính phủ tháo chạy đến biên giới ngay khi Taliban vừa tiến vào. Lực lượng an ninh tại các quận xung quanh Kabul và lẫn trong thành phố không kháng cự. Vào đêm, cảnh sát bỏ chốt kiểm soát, để cho các tay súng Taliban thoải mái đi lại trên đường phố.
Theo giới quan sát, Taliban đã tận dụng thành công bầu không khí mơ hồ chính trị sau thỏa thuận với Mỹ tại Doha, Qatar vào tháng 2/2020. Theo thỏa thuận này, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý mở lộ trình rút quân toàn diện khỏi Afghanistan.
Trước viễn cảnh Mỹ rút quân và mất đi yểm trợ hỏa lực từ trên không cũng như sự hỗ trợ chiến trường từ lính Mỹ, một số lực lượng tại Afghanistan dần chấp nhận đề nghị đầu hàng của Taliban.
Theo một sĩ quan đặc nhiệm Afghanistan, những quan chức cấp thấp đầu tiên tới gặp đại diện Taliban "chỉ muốn tiền" của nhóm này. Tuy nhiên, cũng có không ít người nhận định cam kết rút quân của Mỹ là dấu hiệu cho thấy Taliban sẽ trở lại nắm quyền. Nhóm quan chức này muốn đảm bảo có chỗ đứng ở bên thắng cuộc.
Thỏa thuận Doha khiến nhiều lực lượng an ninh Afghanistan mất tinh thần chiến đấu, làm trầm trọng hơn tình trạng tham nhũng và thiếu trung thành của các quan chức cấp thấp với chính quyền trung ương.
"Họ xem thỏa thuận Doha như dấu chấm hết. Ngày thỏa thuận được ký kết, chúng tôi lập thức nhận thấy sự thay đổi. Thân ai người đấy lo, như thể Mỹ đã bỏ mặc chúng tôi thất bại", sĩ quan đặc nhiệm Afghanistan mô tả.
Các giao kèo đầu hàng tăng tốc dần trong những tháng đầu tiên sau khi Mỹ ký thỏa thuận Doha với Taliban. Đến khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố kế hoạch rút quân vô điều kiện hồi tháng 4, với hạn chót được ấn định vào cuối tháng 8, lực lượng Taliban lập tức tăng tốc xúc tiến các cuộc đàm phán ngầm.
Nhóm càng mở rộng phạm vi kiểm soát, số quận phe chính phủ đầu hàng không tiếng súng càng tăng nhanh. Kunduz, thành phố then chốt đầu tiên rơi vào tay Taliban, hoàn tất đàm phán đầu hàng chỉ trong vài ngày. Các thủ lĩnh bộ lạc địa phương đóng vai trò trung gian, thuyết phục quan chức từ bỏ căn cứ quân sự cho Taliban.
Không lâu sau, Taliban giành được thắng lợi đáng giá đầu tiên từ chiến dịch "đổi chác dưới gầm bàn" này. Chỉ trong một đêm, họ thuyết phục thành công thống đốc tỉnh Herat cùng một số quan chức Bộ Nội vụ, tình báo Afghanistan cùng hàng trăm lính chính phủ đầu hàng.
"Tôi cảm thấy rất hổ thẹn", một sĩ quan Bộ Nội vụ ở Kabul nói về việc Abdul Rahman Rahman, quan chức cấp cao của bộ, đầu hàng ở Herat. "Tôi chỉ là kẻ thấp cổ bé họng, không có quyền hành gì. Nếu ông ấy đầu hàng, tôi biết phải làm gì đây".
Trong tháng 7, tỉnh Helmand chứng kiến hàng loạt vụ đầu hàng tập thể. Tại tỉnh Ghazni, thống đốc được Taliban bảo vệ trên đường đào thoát, sau đó bị quân chính phủ bắt giữ trên đường đến Kabul.
Quân đội Afghanistan vẫn có một số lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến, không dễ dàng chấp nhận đầu hàng. Tuy nhiên, họ thường xuyên bị phân tán để hỗ trợ cho các đơn vị quân đội và cảnh sát thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống phòng thủ tại các tỉnh liên tục giương cờ trắng trước sức ép của Taliban.
Một biệt kích Afghanistan đồn trú tại Kandahar và được điều tới bảo vệ một cửa khẩu huyết mạch, cho biết anh nhận lệnh đầu hàng từ chính sĩ quan chỉ huy khi các tay súng Taliban tràn đến khu vực.
"Chúng tôi muốn đánh. Nếu chúng tôi đầu hàng, Taliban sẽ giết chúng tôi ", biệt kích này phản ứng với mệnh lệnh. Tuy nhiên, sĩ quan chỉ huy tiếp tục yêu cầu họ "không nổ một phát súng nào" về phía Taliban. Cảnh sát biên phòng buông súng ngay khi Taliban xuất hiện, bỏ mặc đơn vị biệt kích.
Không chấp nhận đầu hàng nhưng cũng không thể chiến đấu trong tình cảnh bị áp đảo về hỏa lực, biệt kích này cùng các đồng đội trong đơn vị bỏ vũ khí và quân phục, đổi sang thường phục và chạy khỏi chốt canh. "Tôi cảm thấy nhục nhã. Nếu không bỏ chạy, tôi có thể đã bị chính phủ của mình bán đứng cho Taliban", anh nói.
Nhiều cảnh sát Afghanistan dễ dàng buông súng trước Taliban vì không có động lực chiến đấu. Một số cảnh sát ở Kandahar xác nhận họ không được trả lương từ 6 đến 9 tháng qua. Số tiền họ nhận được từ Taliban để chấp nhận đầu hàng đơn giản là quá hấp dẫn. Ahmadullah Kandahari, một cảnh sát địa phương, cho rằng tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất khiến lực lượng an ninh Afghanistan sụp đổ.
Trước khi Kandahar rơi vào tay Taliban tuần qua, Bacha, một chỉ huy cảnh sát 34 tuổi, chia sẻ với truyền thông việc rút quân liên tục không khiến ông tuyệt vọng bằng tình cảnh chiến đấu không lương. Taliban trước đó còn chào mời 150 USD cho bất kỳ ai thuộc chính phủ đầu hàng và đổi phe.
"Không còn người Mỹ, chẳng ai sợ bị bắt quả tang tham nhũng. Những kẻ phản bội trong hàng ngũ quân đội thản nhiên lộ mặt", một cảnh sát Afghanistan chia sẻ.
Thanh Danh (Theo Washington Post)