Lớp thanh niên không mấy mặn mà học lên đại học và đi làm công nhân ở trong nước. Họ vay mượn tiền để đi sang nước ngoài lao động. Nhiều người chấp nhận xa nhà đi 5,10 hay 15 năm kiếm ít vốn.
Trong đó có những người đã xây được nhà lại còn có ít vốn về quê kinh doanh. Có thể nói, về kinh tế, họ hơn nhiều người học đại học nhưng ra trường làm công ăn lương.
Tôi tính đi tính lại học đại học mất khối tiền mà lương bèo, thất nghiệp, thời gian ăn học 5 năm + làm 30 năm là mất từ 35 đến 40 năm chắc mới bằng người đi làm nước ngoài.
Mấy ai đi làm công ăn lương, làm mướn mà có thể nuôi ổn gia đình. Tất nhiên cũng có những người có tài làm ăn nhưng mặt bằng chung không nhiều.
Tôi không khuyến khích đi xuất khẩu lao động. Thanh niên nếu không ai chịu học lên thì xã hội không có thầy giáo, bác sĩ, các nhà nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật...
Nhưng cuộc sống càng ngày càng khó khăn, tốn nhiều chi phí nên con người buộc phải lựa chọn. Ngày xưa, vật giá như bó rau cân thịt chỉ một đồng nhưng lương đi kèm là 10 đồng, bây giờ vật giá 3 đồng với lương 20 đồng.
Vì thế, tôi thấy thực tế việc nhiều người trẻ đi xuất khẩu lao động ở quê tôi cũng cho thấy mặt bằng thu nhập hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống. Tăng lương tối thiểu, tăng thu nhập cho người lao động là điều cần thiết.
Son PC
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.