Chung một dòng sông (1959)
Tác phẩm là dự án đầu tiên của Hãng Phim truyện Việt Nam. Khởi quay từ tháng 2/1959, Chung một dòng sông được thực hiện bởi hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam), quay phim Nguyễn Đắc, họa sĩ thiết kế Đào Đức. Hầu hết nghệ sĩ tham gia đều từ chiến khu Việt Bắc trở về, từng làm phim tài liệu - thời sự trước đó.
Câu chuyện xoay quanh mối tình của hai nhân vật Hoài và Vận. Hai người yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Anh Vận là du kích còn chị Hoài thường chở du kích qua sông. Theo hiệp định Geneva 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến phân chia hai bờ Nam - Bắc của Việt Nam. Vận sống ở bờ Bắc còn Hoài lại ở bờ Nam, mối tình của họ bị chia cắt.
Gia đình Hoài bị chính quyền miền Nam khi đó truy bức. Với sự giúp đỡ của dân làng, Hoài vượt tuyến sang bờ Bắc gặp người yêu nhưng chị không ở lại mà trở về bờ Nam, cùng mẹ già và dân làng tiếp tục đấu tranh. Hạnh phúc của Hoài và Vận gắn liền với vận mệnh của dân tộc.
Tác phẩm được khen ngợi khi ra mắt, đánh dấu sự ra đời và phát triển của nền phim truyện điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Với vai trò và giá trị đặc biệt của mình, phim đã được trao tặng giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai năm 1973. Đây cũng chính là tác phẩm đưa cố NSND Trịnh Thịnh bước vào con đường nghệ thuật. Cũng giống như các diễn viên khác khi tham gia, Trịnh Thịnh khi ấy không được đào tạo bài bản và chỉ có chút kinh nghiệm từ việc lồng tiếng trước đó. Tuy nhiên, ông vẫn hoàn thành tốt vai diễn của mình và góp phần khai mở cho dòng chảy điện ảnh dân tộc.
Chị Tư Hậu (1962)
Tác phẩm do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962, chuyển thể từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Anh Đức (Bùi Đức Ái). Phim kể về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm phản ánh ý chí quật cường của người phụ nữ - theo chân nhiều đội chiếu phim lưu động đến các xã, ấp để cổ vũ tinh thần cách mạng.
Đạo diễn Phạm Kỳ Nam chọn nghệ sĩ Trà Giang - khi đó mới 20 tuổi - vào vai chính. Chị Tư Hậu trở thành vai diễn kinh điển của Trà Giang, đem đến cho bà huy chương bạc ở Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1963. Năm 1973, phim giành giải Bông Sen Vàng ở Liên hoan phim Việt Nam.
Nổi gió (1966)
Tác phẩm do Huy Thành đạo diễn được trao Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu (1970). Phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, xoay quanh những gia đình có con cái tham gia cả hai phe trong kháng chiến chống Mỹ. Vân (Thụy Vân) là một chiến sĩ cách mạng nhưng em cô - Phương (Thế Anh) - lại là trung úy quân miền Nam. Vân dần dùng lý lẽ để thuyết phục Phương đi theo cách mạng.
Thụy Vân gây ấn tượng với nhan sắc và thể hiện sự kiên cường của nhân vật, còn Thế Anh diễn tả tốt biến chuyển tâm lý của người em. Nổi gió chắp cánh cho sự nghiệp của hai nghệ sĩ gạo cội trong nhiều thập niên tiếp theo.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)
Đúng như tên gọi, bộ phim của đạo diễn Hải Ninh xoay quanh cuộc sống ở hai bên đường biên giới chia cắt Việt Nam thời chống Mỹ. Nhân vật trung tâm là Dịu - một người phụ nữ ở lại bờ Nam khi chồng tập kết ra Bắc. Chị trở thành bí thư chi bộ và nhiều lần bị chính quyền miền Nam bỏ tù.
Theo biên kịch Hoàng Tích Chỉ chia sẻ trên báo Công an Nhân dân, kịch bản được ông lên ý tưởng sau khi gặp một nữ bí thư chi bộ ở miền Nam sang bờ Bắc công tác.
Tác phẩm đánh dấu vai diễn đỉnh cao của nghệ sĩ Trà Giang. Ở Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1973 (Nga), bà giành giải "Nữ diễn viên xuất sắc" còn tác phẩm đạt giải của Hội đồng hòa bình Thế giới. Theo đạo diễn Hải Ninh, minh tinh Mỹ Jane Fonda khi xem cảnh chị Dịu đẻ trong tù đã thốt lên: "Tôi nghĩ các bà mẹ Mỹ cũng cần xem hình ảnh này". Nam diễn viên Lâm Tới cũng gây ấn tượng trong vai tên phản diện có học thức.
Em bé Hà Nội (1974)
Tác phẩm do Hải Ninh đạo diễn, kể về Ngọc Hà - một em bé Hà Nội đi tìm bố mẹ và em gái bị mất tích sau trận ném bom năm 1972 của Mỹ. Cuối cùng, nhờ những người tốt giúp đỡ, Hà tìm được em nhưng mẹ đã mãi mãi ra đi.
Phim khởi quay hè 1973 - nửa năm sau cuộc oanh tạc. Câu chuyện mang đậm chất nhân văn, thể hiện hình ảnh người dân thủ đô kiên cường và giàu lòng nhân ái.
Trong vai chính, nghệ sĩ Lan Hương - khi đó mới 11 tuổi - chiếm thiện cảm khi thể hiện sự can đảm, quyết tâm của nhân vật. Sau tác phẩm này, cô được nhiều người gọi bằng biệt danh "Em bé Hà Nội". Phim còn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ gạo cội như Thế Anh, Trà Giang. Tác phẩm đoạt giải Bông Sen Vàng cho "Phim xuất sắc" ở Liên hoan phim Việt Nam 1975 và giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1975 (Nga).
Mối tình đầu (1977)
Tác phẩm là phim tâm lý tình cảm do Hải Ninh đạo diễn, Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản. Nghệ sĩ Thế Anh thủ vai Ba Duy - chàng sinh viên Sài Gòn đem lòng cô gái Diễm Hương (Như Quỳnh). Mặc dù vậy, cô lại kết hôn với cố vấn người Mỹ. Trong cơn đau buồn, Ba Duy bỏ học và nghiện ngập trước khi được chị Hai Lan (Trà Giang) - một cán bộ tình báo cách mạng - khuyên răn.
Giới điện ảnh xôn xao khi Hải Ninh - đạo diễn của dòng phim cách mạng - đề cập đến chủ đề tình yêu khá nhạy cảm sau ngày giải phóng. Tác phẩm được nhiều nhà phê bình yêu thích và gây sốt phòng vé khi ra mắt. Thế Anh đoạt giải Bông Sen Bạc cho "Nam diễn viên chính xuất sắc" ở Liên hoan phim Việt Nam 1980.
Chị Dậu (1980)
Đạo diễn Phạm Văn Khoa ấp ủ dự định chuyển thể tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố trong năm năm nhưng không tìm được diễn viên phù hợp. Chỉ đến khi gặp Lê Vân, ông mới hài lòng và trao vai chính chị Dậu cho bà. Câu chuyện theo chân một người phụ nữ nghèo ở nông thôn thời Pháp thuộc, phải vất vả kiếm tiền làm ma chay cho người trong gia đình. Nhân vật trải qua đủ gian truân, bị bọn nha dịch hạch sách và tên quan cụ sàm sỡ.
* Cảnh chị Dậu bán con
Tác phẩm được khen ngợi bởi xúc động và phản ánh chân thực đời sống làng quê trước năm 1945. Diễn xuất của Lê Vân và Anh Thái (vai chồng chị Dậu) được đánh giá cao. Ngoài ra, hai nhà văn Kim Lân và Nguyễn Tuân gây thú vị cho khán giả khi hóa thân các vai phụ. Phim được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Nantes (Pháp) năm 1981.
* Xem tiếp
Trong việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, ngoài chuyện lương thấp và thiếu định hướng, các nghệ sĩ còn bất bình với ban lãnh đạo mới vì coi thường các tác phẩm và kịch bản của hãng - vốn là di sản có giá trị văn hóa. Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 21/9, đại diện Hội Điện ảnh cho rằng một trong những vấn đề bức xúc nhất của các nghệ sĩ là việc xác định giá trị thương hiệu bằng 0. "Chúng tôi cảm thấy xót xa bởi định giá như vậy là phủ nhận toàn bộ những giá trị nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam trong cách mạng. Giá trị thương hiệu bằng 0 cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị của hơn 400 bộ phim và những người làm ra tác phẩm đó”, đại diện Hiệp hội phát biểu. |
Ân Nguyễn