Thị xã trong tầm tay (1983)
Khác với nhiều phim cách mạng kể về kháng chiến chống Pháp hay Mỹ, Thị xã trong tầm tay lấy bối cảnh chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979. Một nhà báo tên Vũ lên Lạng Sơn làm phóng sự sau khi quân Trung Quốc rút về. Anh bắt đầu nhớ đến mối tình với cô bạn gái cũ cùng những ký ức về Lạng Sơn.
Phim có sự tham gia của Tất Bình (vai Vũ), Quế Hằng (vai Thanh) và Đặng Nhật Minh (vai một nhà báo Nhật). Tác phẩm giành giải Bông Sen Vàng và "Kịch bản xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam 1983. Trong cuốn Hồi ký điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại, khi ông ghi hình, thị xã Lạng Sơn vẫn còn ngổn ngang đổ nát, hệt như một trường quay khổng lồ không cần phải tốn công dàn dựng. "Người dân chưa được phép trở về nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường", ông nói.
Bao giờ cho đến tháng Mười (1984)
Câu chuyện xoay quanh Duyên - một người phụ nữ trẻ vừa hay tin chồng mất trên chiến trường. Cô cố giấu chuyện này với bố chồng bằng cách nhờ thầy giáo Khang thay chồng viết hộ những bức thư thăm hỏi gia đình. Tuy nhiên, bắt đầu có nhiều lời đồn về tư tình giữa Duyên và Khang. Theo đạo diễn kiêm biên kịch Đặng Nhật Minh, ông viết kịch bản từ chính nỗi đau của gia đình mình.
Tác phẩm phần nào thoát khỏi tính tuyên truyền mà mang tính phản biện xã hội, báo hiệu thời đổi mới của điện ảnh Việt. Phim không rao giảng đạo đức mà tập trung khắc họa tâm lý của người phụ nữ. Trong sách Hồi ký Điện ảnh, Đặng Nhật Minh kể lại: "Phim trải qua 13 lần kiểm duyệt. Tôi cảm thấy mình như tội phạm bị xét xử. Cuối cùng, Tổng Bí thư Trường Chinh xem và cho chiếu rộng rãi".
* Trích đoạn chèo trong phim
Tác phẩm có hai cảnh thể hiện rõ nhất chất nghệ thuật của đạo diễn. Đầu tiên là trích đoạn "chuyện trong chuyện" khi Duyên diễn hoạt cảnh người vợ xa chồng trong một vở chèo. Cảm xúc của nhân vật cô đang diễn chính là tâm trạng thật của Duyên. Trong khi đó, cảnh quay người vợ gặp vong hồn chồng ở chợ Âm Phủ gây xúc động cho nhiều khán giả.
Bao giờ cho đến tháng Mười đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1985, giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 1989 và trở thành một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh CNN bầu chọn năm 2008.
Biệt động Sài Gòn (1982 - 1986)
Loạt phim được Thiếu tướng Hải Phụng (nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, lúc ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP HCM) đặt hàng, chia làm bốn tập Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em. Phim tái hiện những chiến công của đội biệt động trong kháng chiến chống Mỹ.
Tác phẩm gây ấn tượng với những cảnh chiến đấu nhiều khói lửa ngoài chiến trường lẫn các tình huống đấu trí căng thẳng. Bên cạnh đó, các chuyện tình trong phim - vốn do biên kịch hư cấu chứ không có ngoài đời - khiến câu chuyện gần gũi hơn.
Dàn diễn viên Quang Thái, Thương Tín, Hà Xuyên và Thanh Loan vụt sáng nhờ tác phẩm. Chủ nhiệm Vũ Văn Nha của phim cho biết tác phẩm có hơn 10 triệu lượt khán giả đến rạp. Sau hơn 30 năm, Biệt động Sài Gòn vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Trên một kênh Youtube đăng tải tác phẩm này từ năm 2016, mỗi tập phim có khoảng 400.000 lượt xem.
Cô gái trên sông (1987)
Phim xoay quanh Nguyệt (Minh Châu) - một cô gái bán hoa trên sông Hương che chở cho một người lính cách mạng. Sau chiến tranh, cô đi tìm anh nhưng bị hắt hủi. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đảm nhận phần nhạc phim bởi ông nặng lòng với xứ Huế - bối cảnh của tác phẩm.
Bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh gây bàn tán khi có cảnh nóng của nghệ sĩ Minh Châu. Ngoài ra, tác phẩm bị một số người chỉ trích bởi tình tiết người cán bộ cách mạng bội bạc, còn người lính miền Nam lại chung thủy. Tuy nhiên, phần đông khán giả khen ngợi phim bởi tư tưởng mới mẻ. Ở Liên hoan phim Việt Nam 1987, Cô gái trên sông được giải Bông Sen Bạc, "Nữ diễn viên xuất sắc" (Minh Châu) và "Quay phim xuất sắc". Theo Tạp chí Sông Hương, dư luận quốc tế đón nhận tác phẩm tích cực, đánh dấu sự đổi mới của dòng phim cách mạng Việt Nam.
Hà Nội mùa Đông năm 46 (1997)
Tác phẩm do Đặng Nhật Minh đạo diễn, Hoàng Nhuận Cầm biên kịch, chuyển thể từ tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng. Câu chuyện xoay quanh 60 ngày đêm trong dịp Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946. Ở Liên hoan phim Việt Nam 1999, tác phẩm giành giải "Đạo diễn xuất sắc", "Quay phim xuất sắc", "Họa sĩ xuất sắc", "Nhạc sĩ xuất sắc" và Bông Sen Bạc cho "Phim xuất sắc".
Trong Hồi ký điện ảnh, Đặng Nhật Minh nói muốn làm phim này để xóa bỏ quan niệm của một bộ phận dư luận quốc tế cho rằng người Việt Nam rất hiếu chiến. Ông mô tả một giai đoạn mà người Việt muốn giành độc lập từ Pháp bằng con đường thương lượng. Đạo diễn chia sẻ phải đọc rất nhiều hồi ký, bức thư, tư liệu lịch sử để khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim.
Cũng theo Đặng Nhật Minh, sự kiện trong phim có ý nghĩa lớn với sự nghiệp của ông. "Nếu ngày đó, cha tôi - bác sĩ Đặng Văn Ngữ - không tình cờ đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học ở Nhật, về nước tham gia kháng chiến thì cuộc đời tôi đã đi theo một hướng khác", nhà làm phim nói.
Đời cát (1999)
Đời cát là phim thứ tư và được nhớ đến nhất của đạo diễn Thanh Vân. Ở Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 2000 được tổ chức ở Hà Nội, tác phẩm thắng các giải "Phim xuất sắc", "Nữ diễn viên chính xuất sắc" (Mai Hoa) và "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" (Hồng Ánh). Câu chuyện xoay quanh Cảnh (Đơn Dương), người lính bỏ lại người vợ Thoa (Mai Hoa) để đi chiến đấu xa nhà. Anh phải lòng một cô gái trẻ tên Tâm (Hồng Ánh) và có con với cô. Mai Hoa có lối diễn máu lửa, nhập tâm, còn Hồng Ánh gây ngạc nhiên khi thể hiện thành công vai nặng ký, dù lúc đó mới vào nghề.
Kịch bản Đời cát trải qua nhiều gian truân trước khi được dựng thành phim. Khoảng năm 1995, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng biên kịch Nguyễn Quang Lập bắt đầu chuyển thể truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương. Sau bốn năm, họ hoàn thành và nộp lên Hãng Phim truyện Việt Nam thì bị từ chối vì khắc họa vết thương chiến tranh quá bi thảm. Tuy nhiên, giám đốc mới - Nguyễn Thị Hồng Ngát - nhìn thấy tiềm năng và ủng hộ sản xuất phim.
Thung lũng hoang vắng (2001)
Thung lũng hoang vắng do Nhuệ Giang đạo diễn, giành Bông Sen Bạc trong Liên hoan phim Việt Nam 2001, sau đó được cử đi dự Liên hoan phim Berlin 2002. Tác phẩm cũng đoạt giải Fipresci (giải dành cho gương mặt đạo diễn mới của châu Á) trong Liên hoan phim quốc tế Melbourne (Australia) năm 2002.
Phim lấy bối cảnh một ngôi trường vùng cao, nơi chỉ có ba giáo viên làm việc gồm thầy hiệu trưởng Tành (Nguyễn Hậu), cô Giao (Hồng Ánh) và cô Minh (Tuyết Hạnh).
Nhiều khán giả xúc động với cuộc sống gian khổ cũng như tấm lòng của những người tận tụy đem con chữ lên miền sơn cước cho trẻ em nghèo. Ngoài ra, phim còn khắc họa tinh tế sự khao khát tình yêu của những con người ở nơi vắng vẻ. Cảnh nóng của cô Giao cùng bạn trai dưới suối gây bàn tán bởi độ bạo liệt so với các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đương thời.
Trong việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, ngoài chuyện lương thấp và thiếu định hướng, các nghệ sĩ còn bất bình với ban lãnh đạo mới vì coi thường các tác phẩm và kịch bản của hãng - vốn là di sản có giá trị văn hóa. Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 21/9, đại diện Hội Điện ảnh cho rằng một trong những vấn đề bức xúc nhất của các nghệ sĩ là việc xác định giá trị thương hiệu bằng 0. "Chúng tôi cảm thấy xót xa bởi định giá như vậy là phủ nhận toàn bộ những giá trị nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam trong cách mạng. Giá trị thương hiệu bằng 0 cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị của hơn 400 bộ phim và những người làm ra tác phẩm đó”, đại diện Hiệp hội phát biểu. |
Ân Nguyễn