Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, đánh dấu sự ra đời của nền điện ảnh Cách mạng nước nhà. Tuy nhiên, phải hơn 6 năm sau - năm 1959, bộ phim truyện đầu tiên mang tên Chung một dòng sông mới ra đời. Xoay quanh sự ra đời của bộ phim đặc biệt này còn những điều mà có thể nhiều người chưa biết đến.
Trước Chung một dòng sông, đã có một bộ phim truyện khác được triển khai vào năm 1958 là phim Biển động do nhà biên kịch sân khấu Ngọc Cung viết kịch bản, đạo diễn Mai Lộc phân cảnh, quay thử một số đoạn. Bộ phim lấy đề tài cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai ở Cà Mau năm 1940. Tuy nhiên, khi xem bản nháp, cả biên kịch và đạo diễn đều không thỏa mãn vì thấy truyện phim còn sơ lược, thiếu chi tiết sinh động, nhân vật giả tạo, ít sức thuyết phục, vấn đề nêu ra chưa rõ, chưa đủ cơ sở thành một bộ phim hoàn chỉnh. Vì vậy, phim này đã không được tiếp tục sản xuất.
Dù không đạt được kết quả, cuộc thử nghiệm làm phim truyện đầu tiên này đã mang lại nhiều bài học đáng quý, được coi như cuộc thực tập có quy mô lớn về mặt nghiệp vụ mà các nghệ sĩ điện ảnh nước ta chưa bao giờ trải nghiệm.
Gần như đồng thời với quá trình triển khai phim Biển động, một đề cương kịch bản mang tên Tình không giới tuyến của tác giả Cao Đình Báu được đưa vào kế hoạch. Tuy nhiên, đề cương ban đầu nói về mối tình bị chia cắt giữa hai nhân vật bên bờ sông Bến Hải còn hết sức sơ lược. Thời gian này có một đoàn nghệ sĩ điện ảnh Trung Quốc sang Việt Nam, vừa giảng dạy theo kiểu truyền nghề, vừa cố vấn giúp sửa chữa kịch bản. Hai nhà biên kịch Cao Đình Báu và Đào Xuân Tùng cùng hoàn thiện kịch bản, đổi tên thành Chung một dòng sông.
Mùa thu năm 1958, kịch bản phim được chấp nhận đưa vào sản xuất. Đến tháng 2/1959, bộ phim Chung một dòng sông chính thức khởi quay, thực hiện bởi hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam), quay phim Nguyễn Đắc, họa sĩ thiết kế Đào Đức. Các nghệ sĩ này đều từ chiến khu Việt Bắc trở về, đã tham gia làm phim tài liệu - thời sự, trừ Hiếu Dân tốt nghiệp Đại học Điện ảnh tại Pháp mới về nước năm 1956.
Mọi thành viên trong đoàn phim đều lần đầu làm quen với loại hình phim truyện điện ảnh. Các diễn viên tham gia đóng phim cũng lần đầu xuất hiện trên màn ảnh. Trong đó có Song Kim và Mạnh Linh là những diễn viên kịch nói quen thuộc, còn Phi Nga, Huy Công còn chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Nhưng sau bộ phim Chung một dòng sông, họ đều trở thành những diễn viên điện ảnh nổi tiếng của nước nhà.
Cốt truyện phim xoay quanh mối tình của hai nhân vật Hoài và Vận. Hai người yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Anh Vận là du kích còn chị Hoài thường chở du kích qua sông. Khi hòa bình lập lại, Vận sống ở bờ Bắc còn Hoài lại ở bờ Nam. Theo hiệp định Geneva 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai bờ Nam - Bắc nước ta.
Mối tình của Hoài và Vận bị chia cắt, ngăn cản. Trong khi nhân dân bờ Bắc phấn khởi trong cảnh hòa bình thì ở bờ Nam, bọn địch bắt đầu đàn áp quần chúng. Gia đình Hoài bị truy bức. Với sự giúp đỡ của dân làng, Hoài vượt tuyến sang bờ Bắc gặp người yêu nhưng chị không ở lại mà trở về bờ Nam, cùng mẹ già và dân làng tiếp tục đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Hạnh phúc của Hoài và Vận gắn liền với vận mệnh của dân tộc.
Có thể dễ dàng nhận thấy môtip trong phim mang ý nghĩa tượng trưng: mối tình bị ngăn trở của đôi trai gái yêu nhau cũng là hình ảnh của hai miền Nam - Bắc nước ta bị chia cắt bởi chiến tranh. Chung một dòng sông đã đạt được yêu cầu về mặt nội dung tư tưởng, đề cập đến vấn đề nóng hổi của dân tộc lúc đó là tinh thần đấu tranh thống nhất nước nhà, đáp ứng được sự mong chờ của người xem.
Ngay khi sắp ra đời, bộ phim đã được công chúng hồi hộp đón chờ từng ngày. Khi phim công chiếu ngày 20/7/1959 (đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày đấu tranh thống nhất đất nước), đông đảo quần chúng đã nô nức kéo đi xem liên tục, tạo thành dư luận sôi nổi trên báo chí cũng như trong đời sống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “tính tư tưởng của bộ phim khá phong phú nhưng tính nghệ thuật chưa đủ”.
Sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại, ngày nay khán giả và các nhà phê bình có thể dễ dàng chỉ ra những điểm “chưa đủ” ấy. Bộ phim là “đứa con đầu lòng” của nền điện ảnh sơ khai nên không tránh khỏi những hạn chế như cốt truyện còn lỏng lẻo, không rõ tính cách, tâm lý nhân vật, tuyến nhân vật còn một chiều, các hình ảnh, sự kiện chưa gắn kết với nhau một cách hợp lý... nhưng cần nhìn nhận bộ phim trên quan điểm lịch sử để thấy được những giá trị về nội dung tư tưởng cũng như những vấn đề đặt ra về mặt nghề nghiệp.
Cố nhà thơ Thép Mới từng phát biểu sau khi xem phim: “Những người làm phim coi Chung một dòng sông là bài tập thử sức của mình”. Chính từ “bài tập” ấy, các nhà làm phim Việt Nam đã rút ra nhiều bài học đáng quý, ngày một hoàn thiện tay nghề và bản lĩnh để xây dựng một nền phim truyện nhiều thành tựu trong những năm tiếp theo.
Bộ phim Chung một dòng sông đánh dấu sự ra đời và phát triển của nền phim truyện điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bộ phim đặt nền móng cho phim truyện Cách mạng đi đúng hướng trong suốt chặng đường dài phát triển về sau. Với vai trò và giá trị đặc biệt của mình, phim đã được trao tặng giải thưởng Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II năm 1973. Đây cũng chính là tác phẩm đưa cố NSND Trịnh Thịnh bước vào con đường nghệ thuật. Cũng giống như các diễn viên khác khi tham gia, Trịnh Thịnh khi ấy không được đào tạo bài bản và chỉ có chút kinh nghiệm từ việc lồng tiếng trước đó. Tuy nhiên, ông vẫn hoàn thành tốt vai diễn của mình và góp phần khai mở cho dòng chảy điện ảnh dân tộc.
Xem phim "Chung một dòng sông" |
Dạ Vũ