Sáng 21/9, tập thể nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam họp với Hội Điện ảnh về tình hình hãng phim sau cổ phần hóa. Ngoài việc bày tỏ các bức xúc về chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm nghề, các nghệ sĩ còn nêu ra sự thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam - tuyên bố hội sẽ đấu tranh để yêu cầu tạm dừng cổ phần hóa, lập đoàn thanh tra độc lập để rà soát quy trình. Bà cho biết Hội Điện ảnh sẽ trao đổi vấn đề này với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ sau khi tham khảo một nhóm luật sư, tập thể nghệ sĩ có cơ sở để khẳng định quá trình cổ phần hóa có nhiều sai phạm. Đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn thậm chí cho rằng phải truy cứu trách nhiệm những người có liên quan. Các nghệ sĩ yêu cầu quá trình này phải minh bạch và tìm được công ty chủ quản có khả năng.
Ông Thanh Vân kể hồi năm 2015, Giám đốc hãng phim Vương Tuấn Đức thành lập tổ giúp việc cho ban cổ phần hóa và gạt bỏ ông Lý Thái Dũng (Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật), Nguyễn Thanh Vân (Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật). Thay vào đó, ông Đức đưa bà Hồ Lan - nhân viên phòng tổ chức - và một phó phòng tài vụ vào. Tổ giúp việc này - do ông Vương Tuấn Đức làm tổ trưởng - xác định giá trị thương hiệu và đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất của hãng phim bằng không.
"Ban cổ phần hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không hiểu sao đồng ý với kết quả này. Điều này dẫn đến việc Tổng công ty vận tải thủy Vivaso với chỉ 32,5 tỷ đồng đã chiếm được 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính", ông Thanh Vân nói.
Đạo diễn Thanh Vân ước tính giá trị đất đai của hãng vào khoảng 2.000 tỷ, chưa kể giá trị thương hiệu qua 400 bộ phim truyện qua gần 60 năm lịch sử.
Cùng quan điểm, diễn viên Quốc Tuấn cho rằng cần đánh giá lại giá trị Hãng phim truyện Việt Nam. Anh nói: "Mảnh đất có giá 5.000 m2, thêm 7.000 m2 ở Cổ Loa (Hà Nội) mà định giá 19 tỷ là điều khó hiểu, còn không bằng một căn nhà của Vinhomes". Diễn viên khẳng định động cơ chính của công ty Vivaso là chiếm đất, khiến các nghệ sĩ nản lòng bỏ hãng phim rồi sử dụng đất. Theo tìm hiểu riêng của Quốc Tuấn, một số đơn vị khác được Vivaso mua lại cũng có tình trạng hoang vắng như hãng phim.
* Quốc Tuấn bức xúc vì người lãnh đạo bảo không biết gì về phim
Các nghệ sĩ cũng cho rằng sự thiếu minh bạch còn thể hiện ở chỗ công ty không công bố rộng rãi việc tìm nhà đầu tư.
Đạo diễn Thanh Vân đưa ra bằng chứng chỉ có ba bài báo với khổ chữ nhỏ đăng tải về thông tin này. Ông Thanh Vân nghi ngờ đây là động thái khiến nhiều nhà đầu tư không biết tin, giúp Vivaso dễ dàng mua đất mà không gặp nhiều đối thủ cạnh tranh.
Đến ngày 23/6, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam được thành lập nhưng ban cổ phần hóa hãng phim vẫn chưa đưa ra giá trị thương hiệu của hãng phim như chỉ đạo của Thủ tướng trước đó vào tháng 12/2016.
Cuối buổi họp, Chủ tịch Hội Điện ảnh Đặng Xuân Hải tóm tắt các điểm chính. Ông nói: "Ứng xử của nhà đầu tư với anh em nghệ sĩ là không thể chấp nhận. Nhận thức, vai trò của những người có trọng trách trong vụ việc còn chưa đầy đủ". Chủ tịch khẳng định hội sẽ theo sát và bảo vệ tập thể nghệ sĩ.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười... Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2014, phim chiến tranh Sống cùng lịch sử có kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. |
Ân Nguyễn