"Nhân bản" kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) là bê bối có quá trình kéo dài thời gian nhất, đến nay mới bị phát hiện và khiến dư luận hoang mang về đạo đức ngành y nhiều nhất. Suốt 10 tháng ròng (7/2012-5/2013), Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức đã trả kết quả xét nghiệm huyết học giả cho bệnh nhân, bằng cách in kết quả xét nghiệm của một bệnh nhân trước thành nhiều bản rồi trả cho nhiều bệnh nhân sau. Cũng lấy mẫu máu của bệnh nhân, nhưng nhân viên y tế không đưa vào làm xét nghiệm mà dùng kết quả in sẵn. Có khoảng 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” như vậy tại đây, trả cho ít nhất 2.000 bệnh nhân. Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người. Nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi, nhưng đều có chung một kết quả xét nghiệm.
Giám đốc bệnh viện chiều 8/8 đã bị đình chỉ công tác, trước đó trưởng khoa xét nghiệm bệnh viện này cũng bị dừng công việc để phục vụ điều tra. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức.
Chỉ nửa tháng trước, tai biến 3 bé sơ sinh đã cùng tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến người dân cả nước hoang mang về quy trình và chất lượng tiêm chủng cho trẻ. Sáng 20/7, chỉ 10 phút sau khi y tá tiêm xong rời khỏi phòng, các bé bắt đầu khó thở, tím tái rồi lịm dần. Số văcxin viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh tiêm cho các bé nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, được sản xuất năm 2012 và hạn dùng năm 2015, do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cấp cho bệnh viện.
Bộ Y tế xác định Bệnh viện Hướng Hóa đã mắc một số sai sót trong việc thực hiện tiêm chủng như văcxin để lẫn sinh phẩm, thuốc khác; không ghi chép quản lý văcxin hằng ngày; không lưu vỏ lọ theo quy định; không triển khai tiêm văcxin tại phòng tiêm… Tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân tử vong của 3 cháu bé, Bộ Y tế tạm kết luận các cháu bị "sốc phản vệ không rõ nguyên nhân".
Những khảo sát sau đó của Bộ Y tế cho thấy không chỉ Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa mà rất nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã bảo quản văcxin sai quy trình như tủ lạnh bảo quản văcxin hay nhiệt kế theo dõi hỏng, nhân viên chưa nắm vững cấp cứu khi có sốc phản vệ...
Các chuyên gia y tế đánh giá văcxin Việt Nam đang sử dụng thuộc thế hệ cũ, vì thế tỷ lệ phản ứng và tai biến thường gặp hơn. Ngày nay văcxin thế hệ mới an toàn hơn rất nhiều. Sự cố 3 em bé Quảng Trị khiến nhiều người nhắc trở lại vấn đề chất lượng văcxin, đặc biệt là loại văcxin 5 trong 1 Quinvaxem liên quan đến hàng chục em bé qua đời sau tiêm dù đã xảy ra cả năm trời. Bộ Y tế chỉ đạo tạm dừng tiêm văcxin này, cho đến tuần trước Thủ tướng cho phép chích ngừa trở lại.
Trong vòng chưa đầy một tháng, còn có rất nhiều cái chết của bệnh nhân có liên quan đến lỗi bất cẩn của nhân viên y tế.
Ngày 4/8, hai mẹ con sản phụ cùng tử vong sau ca sinh non tại Cần Thơ. Sản phụ mang thai 29 tuần, bị xuất huyết âm đạo chiều 2/8 nên gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Nhận định thai nhi chết lưu, bác sĩ cho chị đặt thuốc để sinh thường bé gái nặng 1,7kg. Sản phụ yếu dần, vài giờ sau cũng tử vong. Kết quả hội chẩn và chẩn đoán liên khoa của đơn vị nhận định sản phụ tử vong sau sinh do gặp cơn bão giáp, băng huyết sau sinh và rối loạn đông máu. Qua kiểm tra, bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân có tiền sử bệnh bướu cổ, cường giáp. Công an TP Cần Thơ đã giải phẫu tử thi, tìm nguyên nhân sản phụ thiệt mạng.
Một thai phụ khác ở Thanh Hóa tử vong sau mũi tiêm ngày 16/7. Thai phụ 34 tuổi có dấu hiệu trở dạ nên được gia đình đưa đến trạm y tế xã Thạch Sơn chờ sinh. Tại đây, chị được hai y sĩ trực thăm khám rồi thông báo sắp sinh, sau đó được tiêm một mũi không rõ thuốc gì. Khoảng 1 giờ sau khi tiêm thì sản phụ hôn mê. Người nhà cho rằng có thể y sĩ tiêm nhầm thuốc hoặc xử lý tai biến quá chậm.
Bệnh viện đa khoa Quảng Nam mới đây đã trả một bé sơ sinh vẫn còn sống về gia đình để lo hậu sự. Khi tắm rửa cho bé để mang đi chôn cất, gia đình phát hiện cháu ngọ nguậy, vội đưa vào viện cấp cứu. Hiện tại, bé sức khỏe rất yếu và được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Bé bị nhiễm trùng nên không thể chăm sóc bằng lồng kính còn mẹ thì vẫn nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam. Lãnh đạo bệnh viện đã thừa nhận sai sót và "lỗi chủ quan" của êkip y bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Văn Sách, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành, là trưởng kíp trực đỡ đẻ, rất bất ngờ khi biết bé vẫn còn sống, cũng đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận kíp trực đã sai.
Sự việc một nữ điều dưỡng Bệnh viện phụ sản Hà Nội trong lúc đẩy xe chở các bé sơ sinh đi tắm đã trượt chân khiến chiếc xe bị lật, 5 bé sơ sinh rơi xuống đất từ độ cao 1m sáng 14/7, đã khiến rất nhiều bệnh viện phụ sản phải rà soát lại quy trình tắm cho bé. Sau sự cố này, Bệnh viện phụ sản Hà Nội cũng đã dùng những xe rộng đủ chỗ nằm 10-15 bé, thành cao hơn, trọng lượng xe nặng hơn, và cần đến hai điều dưỡng vận chuyển (một người đẩy, một người kéo) để đưa bé đi tắm. Trước đây, bệnh viện dùng những xe đẩy nhỏ chứa được 4-5 bé, cao 1m, bánh xe nhỏ, gặp ổ gà lớn có thể xoay bánh khiến xe bị lật và chỉ một người đẩy. Nhân viên đẩy xe cũng phải đi dép quai hậu để tránh trượt chân.
Một điều dưỡng lấy nhầm dung dịch khí dung (Ventolin) vốn được phun qua đường họng để tiêm cho bệnh nhi 7 tháng tuổi tại Bệnh viện Phương Châu (Cần Thơ) ngày 31/7. Rất may, vụ nhầm lẫn được người nhà bệnh nhi phát hiện kịp thời nên đưa đi cấp cứu.
Kim Kim