Sau 3 ngày xảy ra sự việc, đến hôm nay, các gia đình đều đã xin cho con xuất viện và được bệnh viện đồng ý. Theo biên bản làm việc giữa gia đình các bé và bệnh viện, khoảng 9h sáng ngày 14/7, một nữ điều dưỡng làm nhiệm vụ đón các bé từ phòng hậu sản đi tắm. Khi đón các cháu ở hai phòng 30, 32, do sơ suất trong lúc đẩy xe qua đoạn dốc trước cửa phòng 32, điều dưỡng trượt chân làm nghiêng đổ xe. Hậu quả là 5 bé nằm trên xe bị ngã. Chiếc xe đẩy cao khoảng 1m.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã cử bác sĩ xuống khám cho các cháu. Đồng thời chuyển các bé sang Bệnh viện Nhi Trung ương chụp cắt lớp, X-Quang, chụp CT xem có bé nào bị sang chấn về cơ xương khớp, cũng như có chấn động não, chảy máu não gì không; khám xét nghiệm tất cả các phủ tạng... Qua thăm khám 4 cháu vẫn bình thường, có một bé nghi ngờ bị chấn động não do đập đầu xuống. Bé này ở lại theo dõi qua một đêm không có vấn đề gì nên cũng được chuyển lại về khoa sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản theo dõi.
"Về phía bệnh viện, với tư cách là lãnh đạo tôi nhận trách nhiệm hoàn toàn nếu các cháu có làm sao. Chúng tôi cũng miễn toàn bộ viện phí cho các cháu và mẹ. Đồng thời cam kết với gia đình, trong 6 tháng tới sẽ thăm khám cho các cháu bất kể lúc nào gia đình muốn", tiến sĩ Ánh nói.
Ngày 16/7, bệnh viện đã có buổi làm việc với gia đình và cử bác sĩ sơ sinh đến tư vấn đầy đủ cách chăm sóc các cháu: có những khó khăn gì xảy ra, thời điểm nào hay có chuyện gì... Bên cạnh đó, bệnh viện cũng khuyến cáo gia đình nên đưa con đi khám vào các thời điểm hết 1 tháng, 3 tháng, và có gì bất thường đến khám ngay. Cha mẹ có thể gọi điện đến số đường dây nóng hoặc đến thẳng khoa sơ sinh có bác sĩ trực 24/24.
"Tôi đã viết cho mỗi gia đình một tờ giấy thông hành, cầm giấy này cha mẹ có thể thể đưa con đến thẳng khoa Sơ sinh bệnh viện khám mà không cần qua phòng khám. Còn nhân viên gây ra sự cố dứt khoát phải phạt nặng, dù là sơ ý hay không thì đều không cho phép", tiến sĩ Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, nhân viên gây ra sự việc tạm thời đã được chuyển ra làm hành chính. Bệnh viện sẽ họp hội đồng kỷ luật, xem xét trường hợp này nghiêm trọng đến mức nào, xuất phát từ cái gì mà dẫn đến sự cố, căn cứ vào đó đưa ra hình thức xử lý.
"Rút kinh nghiệm từ việc này, bệnh viện sẽ quy định yêu cầu nhân viên không dùng xe đẩy nhỏ nữa mà dùng xe rộng, thành cao hơn, trọng lượng nặng hơn. Xe đẩy nhỏ cao 1m, bánh xe nhỏ, gặp ổ gà lớn có thể xoay bánh khiến xe bị lật. Thứ 2 là yêu cầu dứt khoát không cho một người đẩy xe mà hai người, một đẩy, một kéo, như thế không bao giờ lật được", tiến sĩ Ánh cho biết.
Theo một bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trẻ sơ sinh bị rơi từ độ cao 1m xuống đất là cực kỳ nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào tư thế và điểm rơi của trẻ. Nếu điểm rơi là vật mềm (chăn, đệm) thì mức độ nguy hiểm không lớn như rơi xuống nền đất, gạch… Ngoài ra, bộ phận nào tiếp đất trước thì phần đó sẽ nặng nhất. Nếu trẻ bị đập đầu xuống nền gạch cứng thì nguy cơ ảnh hưởng đến não, đập chân xuống đất thì xương chân có thể bị gãy rạn…
Vị bác sĩ này cũng cho rằng với lương tâm người thầy thuốc, nữ điều dưỡng chắc không cố ý làm việc này. Cha mẹ các bé cũng cần phải theo dõi rất kỹ nếu trẻ có bất cứ dấu hiệu nào khác thường như bỏ bú, ngủ li bì, quấy khóc, sốt thì phải báo ngay cho bác sĩ.
Phương Trang