Trong vòng một năm qua, tại bệnh viện này, tình trạng kết quả xét nghiệm của một người được sử dụng cho nhiều người rất thường gặp. Có trường hợp 4, 5 kết quả xét nghiệm trùng nhau không kể là đàn ông, đàn bà, ông già, trẻ nhỏ. Đơn cử, 4 bệnh nhân tên tuổi, địa chỉ, bệnh khác nhau, cùng khám vào ngày 19/2 đều chung một kết quả xét nghiệm là bà Nguyễn Thị Nguyên (70 tuổi), anh Nguyễn Trung Nghĩa (27 tuổi), bà Lý Thị Vân (61 tuổi) và bé Lương Kiều Trang (12 tuổi).
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Phú Dương, 53 tuổi bị đau bụng và bệnh nhân Đỗ Thị Phương Anh (18 tuổi) bị viêm phổi cũng có kết quả xét nghiệm máu giống hệt nhau...
Đây chỉ là số ít trong vô số bệnh nhân bị trả chung một kết quả xét nghiệm. Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt - người tố cáo vụ việc trên với cơ quan chức năng, đã thu thập được 20 quyển sổ ghi chép bệnh nhân từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013. Qua thống kê, có trên 1.000 cặp bệnh nhân (cặp 2, cặp 3, cặp 4, cặp 5) trùng kết quả. Tuy nhiên, theo bác sĩ, trên thực tế số bệnh nhân bị trùng kết quả còn lớn hơn rất nhiều.
"Những giấy tờ đều bị cắt đi ngày, giờ, tháng nên nếu họ dùng kết quả ngày này cho ngày sau hay có những ngày hơn chục trang ghi danh sách bệnh nhân, hoặc những lúc làm ngoài giờ, thì tôi cũng không thống kê hết được số cặp bệnh nhân bị trùng lặp kết quả", bác sĩ Nguyệt cho VnExpress.net biết.
Theo bác sĩ Nguyệt, mỗi ngày khoa Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa Hoài Đức làm xét nghiệm từ 200 đến 300 bệnh nhân. Trong số này chỉ một số ít người được làm xét nghiệm có kết quả thật.
"Quy trình xét nghiệm là bác sĩ viết giấy, kỹ thuật viên lấy máu rồi chuyển qua phòng máy. Thế nhưng tại phòng máy, những người làm ở đây in sẵn kết quả xòe ra như tú lơ khơ, cứ có bệnh nhân nào là đem gắn kết quả vào. Những hình ảnh lam kính khô máu hầu như ngày nào cũng thấy", bác sĩ Nguyệt xót xa.
Bác sĩ Nguyệt cho biết đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân phản ánh nghi ngờ kết quả xét nghiệm, nhất là những bệnh nhân tiểu đường vì tháng nào họ cũng phải đi làm xét nghiệm.
"Tình trạng lấy kết quả người này nhân bản ra cho vài người khác dẫn đến người bệnh bị chẩn đoán sai, phải đi nhiều phòng khám, bệnh viện khác làm xét nghiệm. Rất nhiều bệnh nhân tỏ ra nghi ngờ về kết quả xét nghiệm nhưng đều bị lấp liếm cho qua chuyện", bác sĩ nói.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, các quyển sổ lưu của bệnh viện mà chị Nguyệt thu thập được đa số chỉ ghi tên, tuổi, địa chỉ bệnh nhân đến khám mà không ghi kết quả xét nghiệm.
Về tình trạng "nhân bản" phiếu kết quả xét nghiệm, bà Nguyễn Thị Nhiên - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức cho biết chỉ khi thanh tra Sở Y tế Hà Nội vào cuộc thì lãnh đạo bệnh viện mới biết có sự việc này.
"Trước đó trong các cuộc họp giao ban chúng tôi không biết tình trạng này", bà nói. Bà cũng không bình luận về vụ việc vì cho rằng "phải chờ kết luận của cơ quan điều tra".
Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, tố cáo đến cơ quan chức năng. Theo chị, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Trong khi bộ phận cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm, thì bộ phận ngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân lại làm không hết việc. Vì quá đông bệnh nhân, bộ phận này chỉ xét nghiệm vài mẫu máu, rồi lấy kết quả in sẵn trả cho nhiều người khác.
Phan Dương