Phản ứng sau tiêm ở đây là gồm tất cả các mức độ: nhẹ thì sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc, nặng hơn thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, có thể trụy mạch, sốt cao, thậm chí sốc- rất hiếm.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo sử dụng văcxin chất lượng, an toàn và hiệu quả diễn ra tại Hà Nội ngày 24/7. Theo phó giáo sư Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, về chất lượng, văcxin lưu hành ở nước ta đều đạt tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế, đạt tiêu chuẩn dành cho văcxin an toàn. Tuy nhiên, một số văcxin đang sử dụng thuộc thế hệ cũ, vì thế tỷ lệ phản ứng và một số chuyện rắc rối thường gặp hơn. Ngày nay văcxin thế hệ mới an toàn hơn rất nhiều.
“Lấy ví dụ với văcxin ho gà toàn tế bào chứa 3.000 kháng nguyên. Cơ thể trẻ sau khi tiêm ngừa phải phản ứng với 3.000 kháng nguyên, những phản ứng của cơ thể như sốt, đau, phản ứng nặng sẽ phải rất cao. Nếu ta sử dụng loại vô bào chỉ có từ 3-5 kháng nguyên thì phản ứng ở trẻ giảm và an toàn hơn rất nhiều”, phó giáo sư Hiển nói.
Văcxin viêm não Nhật Bản trước đây sản xuất từ não chuột (WHO đã khuyến cáo không sử dụng) thì nay được sản xuất từ nuôi cấy trên tế bào vero hoặc sử dụng công nghệ sinh học tái tổ hợp văcxin. Do đó tính an toàn cao hơn rất nhiều so thế hệ cũ.
Dù đã thanh toán bại liệt 10 năm qua nhưng Việt Nam vẫn đang dùng văcxin đường uống. Trong khi đó, thế giới khuyến cáo không thể dùng mãi loại uống mà phải chuyển sang tiêm. Lý do là loại uống thải virus sống giảm độc lực của văcxin ra ngoài môi trường, trong điều kiện nhất định độc lực quay trở lại có thể gây bệnh. Nếu dùng văcxin bại liệt đường tiêm thì sau vài năm thì có thể dừng văcxin bại liệt vì môi trường sạch rồi.
“Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công văcxin viêm não Nhật Bản, bại liệt thuộc thế hệ mới, nhưng đang thiếu kinh phí để tiến hành thử nghiệm trên thực địa, từ đó làm cơ sở tiêm cho trẻ”, phó giáo sư Hiển nói. Vì vậy, chúng ta vẫn đang sử dụng loại cũ.
Phó giáo sư Hiển lưu ý văcxin cũng như các loại thuốc điều trị khác, khi sử dụng đều có phản ứng nhất định không thể tránh khỏi dù thế hệ cũ hay mới. Lý do vì cơ địa mỗi người có phản ứng khác nhau. Tỷ lệ phản ứng là không tránh khỏi, tuy nhiên tần suất để xảy ra phản ứng nặng thì phải xem xét. Sự việc xảy ra với văcxin Quinvaxem vừa rồi (chứa thành phần ho gà toàn tế bào) là một ví dụ. Bộ Y tế đã quyết định tạm ngừng sử dụng văcxin này vì có nhiều trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Các chuyên gia đều khẳng định, văcxin hiện tại nước ta đang sử dụng cơ bản là an toàn. Chẳng hạn, tỷ lệ phản ứng nặng sau viêm gan B là 0,56 trên một triệu; bạch hầu, ho gà, uốn ván là 0,9 trên một triệu. So với tiêu chuẩn của thế giới thì đây là tỷ lệ chấp nhận được. Tất cả các loại văcxin trước khi đưa ra để tiêm chủng cho trẻ đều đã được thử nghiệm, kiểm nghiệm rất chặt chẽ và đảm bảo chất lượng, độ an toàn, đáp ứng đúng yêu cầu của ngành y tế.
Theo nhiều chuyên gia tại hội thảo, cần có sự đầu tư để trẻ được sử dụng văcxin thế hệ mới, nhằm tăng cường tính an toàn của công tác tiêm chủng. Ngoài ra, vai trò của gia đình trong đảm bảo tiêm chủng an toàn là hết sức quan trọng. Nhiều gia đình sau mũi tiêm hoàn toàn không để ý tới tình trạng sức khỏe của trẻ nên các phản ứng được phát hiện quá muộn. Có thể xây dựng sổ tiêm chủng mới trong đó có phần nhật ký theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trong vòng 24 giờ sau tiêm với các chỉ số đơn giản như nhiệt độ, mức độ ăn, bú, mức độ quấy khóc… Và bố mẹ phải điền và ký vào sổ tiêm chủng.
Bên cạnh đó cũng cần tăng cường truyền thông để cộng đồng hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng, nhận thức rõ những rủi ro có thể gặp khi sử dụng văcxin, phối hợp với cán bộ y tế đảm bảo an toàn trong việc sử dụng văcxin. Tại Mỹ, sau nhiều năm làm tốt tiêm chủng đại trà, tổng số ngườ mắc 7 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, hib, rubella, quai bị trong năm 1999 chỉ là 744 ca. Trong khi đó, tổng số các trường hợp phản ứng sau tiêm (tất cả các mức độ nhưng không có tử vong) lên tới hơn 11.800 trường hợp.
Giáo sư Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, làm tốt công tác tiêm chủng, mỗi năm hàng trăm nghìn trẻ Việt Nam không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hàng nghìn trẻ không bị chết hay tàn phế do bệnh tật. Tuy nhiên, gần đây một số trường hợp tai biến nghiêm trọng sau tiêm và một số sai sót trong tiêm chủng khiến người dân bức xúc.
Kết quả kiểm tra đánh giá gần 100 điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2013 cho thấy một số sai sót. Trong đó chủ yếu là bố trí các điểm tiêm chưa hợp lý (gần 28%), kỹ năng thực hiện mũi tiêm chuẩn chưa đạt (hơn 37%), tư vấn sau tiêm chủng chưa đầy đủ (gần 29%), dây chuyền lạnh bảo quản văcxin như thiếu phích văcxin, thiếu bình tích lạnh, nhiệt kế, tủ lạnh hỏng chưa sửa chữa kịp thời (gần 27%)… 5% điểm khám phân loại chưa đầy đủ, một trường hợp chỉ định tiêm sai.
Trong vòng 2 năm, gần 20 em bé qua đời sau khi tiêm văcxin. Gần đây nhất là 4 cháu bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm chủng văcxin ngừa viêm gan B.
|
Phương Trang