Mẹ cô, người chưa kịp nguôi nỗi đau đột ngột mất chồng, giờ đây bị cấm tham dự đám cưới, lễ tắm trẻ sơ sinh và nhiều dịp tốt lành khác. Bà phải ẩn mình khỏi sự dòm ngó của xã hội, bởi niềm tin lâu đời của người Hindu rằng một góa phụ là nỗi xấu hổ cho gia đình và thậm chí bóng của bà đổ xuống đâu, điềm gở ở chỗ đó.
"Khi mẹ tôi 44 tuổi, bà đã yêu một người đàn ông ở cộng đồng khác, kém bà 13 tuổi. Đó là lúc mà ngay cả bạn bè của mẹ tôi cũng kỳ thị với bà ấy, tự hỏi làm sao bà ấy dám tìm kiếm tình yêu ở tuổi này, sau khi đã mất chồng", Kundu nói.
Vượt qua tất cả chỉ trích, mẹ cô đã tái hôn.

Phụ nữ độc thân ở Ấn Độ chịu nhiều định kiến và phân biệt đối xử, song họ đang tập hợp lại để hỗ trợ nhau. Ảnh: Vice
Theo dữ liệu điều tra dân số, hơn 71 triệu phụ nữ ở Ấn Độ tính đến năm 2011 là độc thân, tăng 39% so với năm 2001. Con số này bao gồm góa phụ, phụ nữ đã ly hôn và phụ nữ chưa kết hôn, ly thân, bị chồng bỏ. Phụ nữ độc thân chiếm 12% tổng dân số ở Ấn Độ. Cuộc sống với họ là một trận chiến khó khăn.
Ví dụ, ở bang Jharkhand phụ nữ thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thừa kế tài sản. Trong một số trường hợp, họ bị buộc tội là "phù thủy", bị loại trừ khỏi xã hội, tệ hơn bị dân làng hành hình. Năm 2020, chính quyền bang này thậm chí còn hủy bỏ một đề án của chính quyền trước đó nhằm khuyến khích phụ nữ đăng ký tài sản dưới tên của họ chỉ bằng một khoản tiền ít ỏi, với lý do thất thu ngân sách.
Về mặt giấy tờ, nhiều phụ nữ góa bụa cần mang tên chồng để được hưởng các phúc lợi an sinh xã hội. Năm 2016, Hội Phụ nữ và phát triển trẻ em, một cơ quan trực thuộc chính phủ Ấn Độ, đã đưa ra "kế hoạch cơ chế bảo trợ xã hội toàn diện" để giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên, rất ít điều đã xảy ra kể từ đó và nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kinh tế kém, phải dựa vào hộ khẩu của cha mẹ, để họ có thể mở tài khoản ngân hàng hoặc vay tiền.

Một nhóm phụ nữ độc thân trong tổ chức Status Single. Ảnh: Vice
Kundu hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của việc là một phụ nữ độc thân trong một lần cô phải vào phòng cấp cứu, khi cô chuẩn bị thuyết trình tại một học viện CNTT và truyền thông hàng đầu trong thành phố.
"Tôi cảm thấy xấu hổ khi ở trong bệnh viện sang trọng ở Bengaluru, nơi họ liên tục hỏi tôi đi cùng ai và tại sao tôi lại ở một mình", cô nói. "Một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nói rằng tôi sẽ không có ai ở bên nếu sống độc thân và tôi nên kết hôn vì sẽ được thừa kế rất nhiều tài sản".
Khi điền vào đơn nhập viện, cô đã viết "độc thân", ở phần ghi tình trạng hôn nhân. Chính khoảnh khắc đó đã truyền cho cô cảm hứng viết cuốn sách "Status Single" (Tình trạng độc thân).
Đó còn là tên của một nhóm Facebook có hơn 3.000 thành viên, có 9 chi nhánh ở 9 thành phố lớn. Hiện họ đặt mục tiêu mở rộng Status Single thành một quỹ có ba nhánh cốt lõi: pháp lý, y tế và tài chính.
Amrreeta Swarup, 48 tuổi, làm trong tòa án tối cao, cho biết đây chủ yếu là một nhóm hỗ trợ, nhưng cũng là một không gian để trút bầu tâm sự. "Chúng tôi có các luật sư, bác sĩ và thậm chí đầu bếp trong nhóm giúp đỡ những phụ nữ độc thân khác", cô nói.
Đối với Swarup, hôn nhân luôn nằm ngoài kế hoạch vì cô tin một khi kết hôn cuộc sống sẽ chỉ xoay quanh chồng và gia đình anh ta. "Tôi không có bất cứ điều gì chống lại đàn ông. Tôi đã có những người đàn ông tốt trong đời, chỉ là chưa bao giờ cảm thấy cần phải kết hôn. Bố mẹ đồng ý với quyết định của tôi, miễn là tôi được đảm bảo về tài chính và độc lập", cô chia sẻ.
Swarup đã đi du lịch một mình trong 20 năm qua, từ chinh phục Himalaya đến những con kênh thơ mộng của Venice. "Tôi tự thưởng cho mình một trải nghiệm du lịch tuyệt vời mỗi năm. Tại sao phải đợi ai đó đi cùng tôi?".
Nữ nhà văn Kundu muốn Status Single không chỉ là một cộng đồng trực tuyến. Đó là khi cô ấy bắt đầu tổ chức các buổi gặp mặt ngoại tuyến lần đầu tiên vào năm 2021, nơi các thành viên có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau, thậm chí có thể cùng nhau uống một vài ly và gắn kết với nhau một cách có ý nghĩa. Nhiều người chia sẻ câu chuyện họ bị kỳ thị vì còn chưa lấy chồng, thậm chí bị ép phải kết hôn.
Vrinda Vats, một giáo viên 26 tuổi ở bang Haryana đã thề sẽ sống độc thân đến hết đời. Cô cho biết điều này không liên quan gì đến đàn ông. Khi làm luận văn thạc sĩ về phụ nữ độc thân ở Ấn Độ, cô nhận toàn cảnh phụ nữ độc thân bị gạt ra ngoài lề xã hội.
"Theo cách cấu trúc xã hội của chúng ta, hôn nhân dường như là khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của một người. Tôi không đồng ý với điều này. Tôi không phù hợp với định chế hôn nhân. Tôi có một cách nhìn khác về cuộc sống mà tôi có thể cống hiến cuộc đời mình cho xã hội, thay vì đầu tư cho gia đình", cô chia sẻ.
Vats nhận thấy nhiều phụ nữ ở Status Single cũng đang sáng tạo và độc lập về tài chính, sống cuộc đời trao đi cho những người yếu thế và điều này giúp cô thấy rằng cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn là chỉ kết hôn ở tuổi 25.
Đối với những người khác trong cộng đồng, việc độc thân không nhất thiết phải liên quan đến tình trạng hôn nhân của họ trên giấy tờ, như trường hợp của Maitra, ở Kolkata, một giáo viên. "Ngay cả khi tôi đã kết hôn, tôi vẫn tự xoay xở mọi thứ, bao gồm cả việc chăm sóc con, bố mẹ chồng và nhà cửa", cô nói.
Kundu nhắc lại rằng cộng đồng Status Single không bao giờ ngăn cản phụ nữ yêu hay kết hôn và cũng không ủng hộ sự căm ghét đàn ông. Thay vào đó, trọng tâm là để phụ nữ nhận ra sức mạnhh của chính họ. Nhóm có các chủ đề hàng tháng, ví dụ cách có thể bắt đầu kinh doanh, quyền giám hộ, cách hẹn hò sau ly hôn...
Chính cách hoạt động rất cởi mở làm nhóm không chỉ thu hút trong cộng đồng phụ nữ theo đạo Hindu, mà cả Cơ đốc, Hồi giáo... "Trưởng nhóm ở Bengaluru của chúng tôi là một phụ nữ theo đạo Cơ đốc và là nữ mục sư đầu tiên của bang Karnataka. Cô ấy bước ra khỏi một cuộc hôn nhân bạo hành. Hay trưởng nhóm ở thành phố Lucknow là một phụ nữ Hồi giáo lớn tuổi đã mất chồng. Cô ấy từng bị kỳ thị vì dám tự kinh doanh, thay vì phải đọc đọc Kinh Koran", Hundu nói.
Bảo Nhiên (Theo Vice)