Trong suy nghĩ của bố mẹ Hân, con gái 24 tuổi phải kết hôn, trước 30 tuổi sinh ít nhất một đứa con mới ổn định nên cô con gái 30 tuổi chưa có bạn trai, sống một mình ở Hà Nội là trường hợp đáng báo động. Mỗi tối, bà Lan (mẹ Hân) đều gọi điện thoại khuyên nhủ, thuyết phục, sau quay ra trách mắng, thậm chí mang bệnh tật của mình ra để gây sức ép, hy vọng con gái sớm yên bề gia thất.
"Không chỉ bố mẹ, họ hàng bạn bè, đồng nghiệp còn khuyên tôi nên lấy bừa một người, hạ thấp các tiêu chuẩn kén chọn nếu không muốn cô độc suốt đời. Không ai quan tâm đến công việc tôi đang làm, áp lực phải trải qua. Họ chỉ nghĩ điều thành công nhất của phụ nữ là kết hôn. Bị giục quá nhiều khiến tôi chán ghét, không muốn tìm người yêu", Hân nói.
Minh Thùy, 28 tuổi, ở Cao Bằng, kết hôn được ba năm, chưa sinh con vì muốn tập trung cho sự nghiệp. Đây cũng là nguồn cơn khiến cô liên tục bị bố mẹ hai bên chì chiết, họ hàng giục sớm có con nếu không muốn "hết trứng, con cái sinh ra bị bệnh tật".
Ngoài gia đình, hàng xóm hoặc đồng nghiệp cũng giục đẻ mỗi khi gặp Thùy. "Họ được lợi gì nếu tôi sinh con mà sao liên tục giục giã, sự quan tâm đó khiến tôi thấy sợ và không muốn giao tiếp với bất kỳ ai", cô chia sẻ.

Gia Hân, 30 tuổi, trong một lần đi chơi ở ngoại thành Hà Nội năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngoài áp lực từ họ hàng, gia đình về chuyện lập gia đình, Đông Hùng, 29 tuổi, ở TP HCM còn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng kéo dài khi liên tục nhận tin nhắn giục hoàn thành công việc của sếp từ sáng đến nửa đêm. "Tôi cảm giác sếp đang nghĩ nhân viên rất rảnh rỗi buộc giao thêm việc hoặc thúc ép mới kịp tiến độ. Điều này khiến tôi luôn tất bật, không còn thời gian nghỉ ngơi", Hùng than thở và cho biết sự quan tâm quá mức của sếp khiến anh ức chế và muốn chống đối.
Số người trẻ chán ghét bị thúc giục từ công việc đến đời sống cá nhân như Hân, Thùy hay Hùng không ít. Khảo sát 158 người trong độ tuổi 18 đến 35 của phóng viên VnExpress hôm 28/10, 79% nói rằng thường xuyên bị thúc giục làm một điều gì đó. Trong đó, 52% bị giục kết hôn sớm, 22% bị giục sinh con, gần 14% giục sớm thành công...
Hiện tượng bị thúc giục sớm kết hôn, lập gia đình không phải chuyện mới, thậm chí ở các giai đoạn trước còn khắc nghiệt hơn, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
"Nhưng do người trẻ thời nay ngày càng chủ động, độc lập, được hội nhập văn hóa khiến việc thúc giục của phụ huynh và những người xung quanh bị cho là cổ hủ, lạc hậu và hình thành tư tưởng chống đối", bà Minh nói.
Theo chuyên gia, liên tục lặp lại cùng một vấn đề trong thời gian dài có thể nảy sinh tâm lý chán ghét, khó chịu, một số người bị căng thẳng, mệt mỏi hoặc phản kháng. Khảo sát của VnExpress cũng chỉ ra, gần 50% người bị thúc giục có tâm lý "bỏ ngoài tai", 27% thể hiện sự khó chịu và 23% tìm cách chống đối.
Như Gia Hân, nếu không liên tục bị thúc ép kết hôn sớm, cô có thể lập gia đình cách đây vài năm. "Nhưng bởi người lớn liên tục đề cập, tôn sùng việc kết hôn như một thành công ngoài mong đợi của phụ nữ. Chưa kể số cặp vợ chồng cưới nhau vài tháng đã ly hôn hoặc ngoại tình gia tăng, khiến tôi chán ghét kết hôn và thích sống một mình", cô gái 30 tuổi nói.
Số người có ý định sống một mình như Hân đang gia tăng. Nghiên cứu của tổ chức quốc tế Euromonitor (London, Anh), hiện có hơn 300 triệu người sống một mình trên toàn cầu, tăng khoảng 80% so với 15 năm trước. Tại Việt Nam, tỷ lệ người sống độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 tăng lên 10,1% vào năm 2019, theo Tổng cục thống kê.
Việc thúc giục đang tạo những áp lực, căng thẳng đối với chính những người bị hỏi. Như Minh Thùy, áp lực sinh con cùng công việc kinh doanh không thuận lợi do hai năm dịch khiến cô mệt mỏi. "Câu đầu tiên họ nhìn thấy tôi là hỏi kế hoạch sinh nở. Họ hỏi nhiều đến nỗi đến tôi luôn có cảm giác nghe tiếng ai đó giục đẻ sớm bên tai mỗi khi ngủ", Thùy nói. Tình trạng này kéo dài kết hợp với rối loạn giấc ngủ buộc cô phải tìm đến bác sĩ nhờ hỗ trợ.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, tỷ lệ người đến khám các bệnh liên quan đến tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm gia tăng ít nhất 20% so với ba năm trước, độ tuổi bệnh nhân đến khám có xu hướng trẻ hóa.
Đa số những người đến khám thường gặp các áp lực học tập, công việc, đặt mục tiêu cuộc sống cao hoặc bị thúc ép kết hôn, lập gia đình sớm. "Nhất là trong thời đại 4.0, thông tin chia sẻ nhanh khiến người trẻ dễ gặp áp lực hơn. Nhưng may mắn nhiều người bắt đầu quan tâm nhiều đến sức khỏe tâm thần, khi có các triệu chứng sớm được can thiệp, tránh những hậu quá không đáng có", bác sĩ Hương nói.
Đông Hùng thừa nhận việc đốc thúc của sếp là tốt, nhằm đảm bảo hiệu suất công việc nhưng điều này gây thêm áp lực cho nhân viên, khiến anh có cảm giác bản thân vô dụng. "Tôi quá chán cảnh bị thúc giục nên đã quyết định nghỉ việc", chàng trai 28 tuổi chia sẻ.

Không chịu được áp lực khi liên tục bị thúc giục, Đông Hùng quyết định tìm công việc mới. Ảnh: Nhât vật cung cấp
Nhưng theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, người trẻ không nên có cái nhìn tiêu cực khi bị nhắc các vấn đề trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. "Những người có ý định thúc giục đều từng trải, họ nhận thấy bất cập trong việc lập gia đình, sinh con muộn hay trì hoãn trong công việc, nên không muốn thế hệ sau mắc sai lầm. Thay vì bài xích, người trẻ hãy cởi mở và có cái nhìn toàn diện hơn", bà Minh nhận định.
Chuyên gia lấy ví dụ, tỷ lệ sống hộ độc thân gia tăng khiến mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Tình trạng giảm sinh sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ. Một đứa trẻ ra đời sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại.
Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi sang dân số già phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, nhưng Việt Nam chỉ khoảng 17-20 năm. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành "nước siêu già" với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 18%.
Anh Nguyễn Sơn, Hà Nội, lấy vợ năm 40 tuổi, nói hối hận vì không lập gia đình sớm. Ở tuổi 55, trong khi bạn bè bắt đầu có cháu bế bồng, anh Sơn hiện cùng vợ chăm sóc cho con trai lớn 12 tuổi và con gái 5 tuổi. Năm ngoái anh về hưu nhưng lương bảo hiểm chi trả 4 triệu đồng không đủ nuôi con, buộc phải đi làm thêm để cải thiện thu nhập.
"Giá như tôi nghe lời bố mẹ thì nay không phải chịu cảnh cha già con cọc, để vợ làm trụ cột gia đình. Tôi sợ không có cơ hội nhìn hai con kết hôn, được bế cháu nội, ngoại vì tuổi ngày càng cao", anh thở dài.
Vẫn giữ tư tưởng không kết hôn nếu bị thúc ép, mỗi năm Gia Hân chỉ về thăm nhà một năm một lần vào dịp hè, nhưng không quá ba ngày. Các kỳ nghỉ lễ, tết hoặc hiếu, hỉ cô đều lấy lý do công việc để né tránh.
"Tôi như cái gai trong mắt của gia đình, là đứa con bất hiếu vì chưa chịu lấy chồng, nên tốt nhất là vắng mặt để tránh phiền phức", cô gái 30 tuổi bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn