"Tại sao tôi lại không nhận ra cuộc sống của phụ nữ độc thân cuối tuổi 30 thực sự vui vẻ cơ chứ?", Gwar, nhà biên kịch sống trong căn hộ ở Seoul tự hỏi. Căn hộ dành cho người độc thân của cô có một cây cột múa để luyện tập, một tủ lạnh rượu để đồ uống giữ được độ tươi ngon và một chiếc gối cho con chó của cô, tên Jinga.
Gwar làm podcast nói về niềm vui và áp lực của cuộc sống không gò bó trong xã hội vẫn coi trọng hôn nhân như Hàn Quốc. Các cuộc trò chuyện của cô xoay quanh chủ đề bihon, một thuật ngữ tiếng Hàn mới có nghĩa là "tự nguyện chưa kết hôn".
Ở Hàn Quốc hiện nay, hộ gia đình một người chiếm tới 40%, tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy có khoảng 193.000 đơn đăng ký kết hôn năm 2021, giảm gần 10% so với năm trước và ít nhất kể từ khi kỷ lục thiết lập bắt đầu vào năm 1970. Số ca sinh cũng giảm xuống còn 5/1.000 người, đưa Hàn Quốc xuống cuối bảng xếp hạng các quốc gia phát triển, được theo dõi bởi tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Gwak Min-ji xác định là "bihon", một thuật ngữ mới của Hàn Quốc có nghĩa là "tự nguyện chưa kết hôn." Cô sống với con chó nuôi của mình ở trung tâm Seoul. Ảnh: Min Joo Kim/The Washington Post
Xu hướng nhân khẩu học này cũng đang xảy ra ở các nước láng giềng như Nhật Bản và Trung Quốc, làm dấy lên lo lắng về tình trạng giảm dân số, lực lượng lao động và nền kinh tế bị thu hẹp. Các quan chức và chuyên gia cho rằng sự suy giảm này là do những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, ưu tiên tự do cá nhân và sự nghiệp hơn lối sống gia đình truyền thống.
Chính phủ đã tổ chức các bữa tiệc hẹn hò trên khắp đất nước, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Chính quyền trung ương ở Seoul chỉ định 89 quận là "khu vực giảm dân số" và phân bổ 1.000 tỷ won (700 triệu USD) hàng năm để hỗ trợ các nỗ lực mai mối, thúc đẩy kết hôn và sinh con.
Nhân khẩu học định hình và chi phối kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân phục vụ cho những người trưởng thành trong độ tuổi 30 và 40. Các công ty kinh doanh nhà cho thuê phòng riêng lẻ trong các căn hộ. Các nhà hàng có bếp nướng nhỏ phục vụ thịt nướng dành cho một người. Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ đang phát triển các ứng dụng an toàn cá nhân cho những người sống một mình. Phụ nữ là mục tiêu hàng đầu của họ.
Tuy nhiên, những phụ nữ trẻ có học vấn và trình độ vẫn phải chịu phân biệt đối xử tại nơi làm việc, khi vượt ngưỡng tuổi kết hôn và sinh con truyền thống. Họ nhận mức lương không công bằng, bị quấy rối và thiếu khả năng thăng tiến.
Theo quan niệm, phụ nữ vẫn là người phải chịu trách nhiệm lo toan cho gia đình, hy sinh sự nghiệp vì chồng con. Trước những khó khăn trong lựa chọn, một số người từ bỏ hoàn toàn hôn nhân.
Gwak muốn "định nghĩa cuộc sống của tôi là gì và sẽ như thế nào theo cách của riêng tôi". Cô bị chỉ trích là "ích kỷ" và sẽ "chết trong cô đơn".

Hộ gia đình độc thân nở rộ ở Hàn Quốc. Ảnh: KoreaTimes
Nhiều người đàn ông cũng đang suy nghĩ kỹ về hôn nhân. Một số vì thích độc thân, một số khác vì áp lực trở thành người chủ của gia đình. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ với hơn 10.000 người Hàn Quốc vào năm ngoái, áp lực trụ cột trong gia đình vẫn là nguyên nhân hàng đầu khiến một thế hệ quay lưng lại với hôn nhân.
Park Jong-young, ở Gyeongsang Nam gần đây tham gia một bữa tiệc mai mối do quận tổ chức. Người lính cứu hỏa 35 tuổi đã gặp một vài phụ nữ qua bạn bè của anh, nhưng họ chê anh "xa cách và kén chọn".
"Bố mẹ và người thân của tôi đang nài nỉ tôi tìm vợ, nhưng nó rất khó và tôi cũng không chắc liệu mình có thực sự muốn kết hôn không nữa", anh nói.
Dù đại dịch khiến tương tác ảo phổ biến hơn, các ứng dụng hẹn hò vẫn chưa được sử dụng phổ biến ở Hàn Quốc. Một phần nguyên nhân do văn hóa thích kết nối trực tiếp của người dân nước này. Park cho biết, anh dự tiệc hẹn hò vì thấy an toàn và bớt khó xử hơn.
Những người tham gia điền vào mẫu đơn ghi tuổi, địa chỉ, nơi làm việc và chức vụ. Các quan chức quận Hamyang kiểm tra câu trả lời, sau đó liệt kê tên và chức danh 18 nam, 16 nữ dự tiệc.
Kang Suk-soon, quan chức phụ trách chính sách dân số của quận cho biết, các bữa tiệc hẹn hò đáng tin cậy hơn trực tuyến. Mọi người thoải mái hòa nhập hơn trong không gian một đối một.
Địa điểm tổ chức là khu nghỉ mát trên núi tuyệt đẹp. Ở đó, nam nữ ăn tối, chơi trò chơi và xoay vòng giữa các bàn để trò chuyện tốc độ. Tất cả do chính quyền sắp xếp và chi trả kinh phí. "Không vội vàng, không phải lo lắng. Chúng tôi sẽ trao cơ hội để tất cả các bạn được gặp nhau", người dẫn chương trình tuyên bố.
Hamyang và hàng chục quận nông thôn khác đang đưa ra ưu đãi tiền mặt trị giá hàng triệu won để khuyến khích người độc thân địa phương kết hôn, với giải thưởng tiền mặt bổ sung nếu họ có con. Bất chấp những biện pháp như vậy, số trẻ sinh ra ở Hamyang giảm xuống dưới 100 vào năm ngoái.
Các chuyên gia khoa học xã hội cho rằng các sự kiện và khuyến khích chỉ diễn ra một lần không đủ thuyết phục giới trẻ muốn kết hôn, khi chế độ phụ hệ vẫn tồn tại và áp đảo trong hôn nhân.
"Chính phủ vẫn lấy hôn nhân làm cơ sở để ban phát lợi ích xã hội cho công dân. Điều này là sự thiếu tôn trọng và phân biệt đối xử với thế hệ trẻ Hàn Quốc, những người coi hôn nhân là thể chế lỗi thời. Không dễ để thuyết phục họ kết hôn nữa", Lee You-na, nhà nghiên cứu tại một viện có trụ sở tại Seoul, tập trung vào thành phần gia đình, bình đẳng và quyền, nhận định.
Một số quan chức đang kêu gọi cải cách, khi phần lớn người Hàn Quốc độc thân đang bị gạt ra ngoài lề các dịch vụ xã hội, vốn tập trung cho hộ gia đình truyền thống.
Cha Hae-young, 35 tuổi, ủy viên hội đồng quận Mapo của Seoul và là quan chức thuộc cộng đồng LGBT công khai đầu tiên ở nước này, đang thúc đẩy kế hoạch "tập thể độc thân" nhằm đáp ứng nhu cầu phúc lợi cho những cá nhân sống một mình.
Cha là người đi đầu trong việc xây dựng cộng đồng ở quận có gần 1/2 hộ gia đình chỉ có một thành viên. Một trong những hoạt động cô tổ chức là biến nhà bếp thành "nhà hàng" nhỏ, để những người độc thân có thể tụ tập, ăn uống và chụp ảnh cùng nhau.
"Chúng tôi hình thành một xã hội nơi các cá nhân không phải dựa vào mối quan hệ ruột thịt hay hôn nhân mới được chăm sóc. Dù kết hôn hay không, chúng tôi xứng đáng được quan tâm", Cha chia sẻ.
Nhật Minh (Theo washingtonpost)