Tina (tên đã thay đổi) đến từ một quốc gia Đông Nam Á, đã sống nhiều năm tại New Zealand. Cô là một người phụ nữ thành đạt, có bằng thạc sĩ.
Xa xứ nhiều năm, Tina luôn coi cộng đồng những người Đông Nam Á ở New Zealand là gia đình thứ hai. Thân thiết, nhưng cô không tránh được cảm giác khó chịu khi liên tục bị hỏi về kế hoạch kết hôn, sinh con.
Ngày nay, ở nhiều cộng đồng người châu Á, câu hỏi về tình trạng hôn nhân và con cái được chấp nhận như một nét văn hóa. Việc bị bạn bè, đồng nghiệp hoặc người xa lạ đề cập đến vấn đề này được coi là bình thường.
Nhưng với Tina, người phải đối mặt với vấn đề sức khỏe sinh sản trong nhiều năm, những câu hỏi trên khiến cô không thoải mái. "Chúng giống như lời nhắc nhở, ám chỉ những phụ nữ như tôi chưa hoàn hảo. Tôi biết họ đều là những người tốt bụng, tử tế, không có ác ý gì khi hỏi, nhưng liên tục bị nhắc nhở trong thời gian dài khiến tôi khó chịu", người phụ nữ ngoài 40 tuổi bày tỏ.
Bên cạnh đó, Tina cho rằng những lời chào hỏi xã giao được coi là bình thường trong cộng đồng châu Á giống sự kỳ thị đối với những phụ nữ độc thân, chưa có con.
Suy nghĩ và cảm xúc của Tina không phải trường hợp cá biệt. Nghiên cứu đang được The Coversation thực hiện chỉ ra những thắc mắc về chuyện con cái có thể mang lại cảm giác kỳ thị cho người bị hỏi. Thậm chí, những câu hỏi về hôn nhân, sinh đẻ có tác động đến lòng tự trọng, giảm sự kết nối của phụ nữ với gia đình và cộng đồng.
Hướng đến nhóm đối tượng là phụ nữ và các cặp vợ chồng Đông Nam Á, Nam Á, nghiên cứu đã phỏng vấn 23 người đang định cư ở New Zealand. Nhóm tham gia khảo sát đều phải trả lời những câu hỏi về vấn đề sinh sản, không đủ điều kiện để có con (thiếu nguồn lực kinh tế; không muốn làm cha/mẹ đơn thân; phải theo đuổi việc học; trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già...).
Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy những câu hỏi đề cập đến chuyện lấy chồng, sinh con được hiểu theo cách khác nhau, tùy vào góc độ của người hỏi và người trả lời.
Trên quan điểm của người hỏi, đây đơn thuần là những lời chào xã giao, văn hóa thông thường và có thể thay thế cho câu "bạn có khỏe không" của phương Tây. Tuy nhiên, câu hỏi này đang được đặt ra từ một giả định rằng mọi phụ nữ trưởng thành ở quốc gia châu Á đều là người dị tính, đã kết hôn và có lẽ là một người mẹ.
Những người tham gia phỏng vấn đều hiểu rằng câu hỏi không mang ác ý, nên được hiểu là những quy ước xã hội hoặc đơn thuần là một lời chào hàng ngày. Nhưng với những phụ nữ thường xuyên được hỏi câu này, họ có cảm giác bị kỳ thị, soi mói, thậm chí như bị trừng phạt.
Còn với nữ giới độc thân và chưa sinh con, câu hỏi nhấn mạnh hơn vào những gì họ không có, đồng thời hạ thấp vai trò một phụ nữ, một người bình thường.
Khi tiếp cận vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã xem xét định nghĩa của nhà xã hội học người Mỹ gốc Canada Erving Goffman về kỳ thị: là một thuộc tính gây mất uy tín sâu sắc, trong đó một cá nhân được coi là ngoại lệ, không bình thường trong cộng đồng của họ.
Trên thực tế, những câu hỏi về hôn nhân và con cái dường như vô hại, nhưng những phụ nữ tham gia khảo sát đang nhận thấy điều ngược lại. Họ cho rằng bản thân bị giảm giá trị con người, định vị họ như một cá thể lệch lạc chỉ vì không sinh con.
Khảo sát cũng nhận thấy nữ giới thường là người bị soi mói và trách móc nhiều hơn về chuyện không có con so với chồng của mình. Họ bị kỳ thị bởi các thành viên trong gia đình lớn như chú, dì, cháu trai và cả người quen.
Đó là lý do khiến nhiều người né tránh các cuộc hội họp đồng hương ở nước ngoài; ít gọi điện thoại về nhà chỉ để tránh những câu hỏi khó chịu.
Có thể thấy, những câu hỏi về gia đình, con cái không chỉ khiến nữ giới độc thân tự ti, cảm thấy bị mất giá trị, loại trừ họ khỏi các nhóm xã hội mà còn mang hàm ý ám chỉ "bản thân kém hoàn hảo". Do đó, việc rút lui và né tránh các cuộc tụ tập, gặp gỡ người thân, bạn bè là cơ chế phòng vệ của nhóm người này để thoát khỏi sự soi mói, phán xét không cần thiết.
Minh Phương (Theo The Coversation)