Mọi năm, bắt đầu từ những ngày này, đường Hải Thượng Lãn Ông rất đông khách đến đặt mua sỉ hàng hóa để chuẩn bị kinh doanh Tết. Nhưng bây giờ, tôi chỉ thấy nhà nhà, người người bán combo phòng, chống dịch Covid-19 như: khẩu trang y tế, nước xịt khuẩn, kính chắn, kể cả bao tay, đồ bảo hộ. Những ông chủ mặt buồn rầu, chán nản, không khí nơi đây càng vắng lặng hơn trở về đêm, không như những năm trước.
Anh Tùng, một công nhân quê ở miền Trung, đang làm việc ở Sài Gòn. Cả gia đình ở quê trông chờ vào đồng lương hàng tháng của anh. Nhưng kể từ ngày giãn cách đến nay, anh chỉ sống bằng nguồn cứu trợ từ các mạnh thường quân, và chính quyền địa phương. Cái ăn đỡ lo nhưng còn tiền thuê trọ, tiền sinh hoạt. Tiền gửi về quê cho bố mẹ trong mấy tháng nay gần như là số không.
Anh có lúc nghĩ đến việc vay mượn để gửi về quê. Nhưng lại thấy giờ mà vay thì lấy đâu mà trả. Công ty đang áp dụng cắt giảm nhân sự, cho nghỉ không lương, may mắn lắm tiếp tục làm nhưng bị giảm thu nhập. Tôi hỏi chưa hết câu: "Thế thì Tết năm nay của anh..." thì bị anh ngắt lời ngang và nói rằng: "Tết gì mà Tết nữa. Bây giờ lo cái ăn đã khó chứ tâm trí đâu mà lo Tết".
>> 'Tiêu tết nhẹ nhàng khi không có phán xét'
Chị Hằng làm ở phòng nhân sự của một công ty tại Đồng Nai, hoàn cảnh gia đình không khác gì anh Tùng. May mắn hơn, đợt dịch chị làm việc ở nhà, vẫn có thu nhập hỗ trợ.
Chị là một người bạn thân của em tôi, hay đến nhà tôi chơi vào dịp cuối tuần. Ngày 01/10, khi thành phố bắt đầu cho đi làm lại, chị vẫn qua nhà tôi chơi. Khi tôi hỏi sao chị chưa đi làm, chị nói công ty cắt giảm nhân sự, chị bị cho nghỉ việc vì vị trí không cần thiết. Chị nói mà mặt buồn, giọng nghẹn lại như xấu hổ khi thất nghiệp.
Khi tôi nhắc đến thời gian gần đến Tết Nguyên đán sắp tới, chị kể mọi năm giờ này là chị bắt đầu tính toán chi phí mua sắm Tết cho gia đình. Nhưng năm nay chắc chỉ có mỗi món quà tinh thần là lời chúc, tình hình dịch bệnh còn phức tạp lắm, thất nghiệp còn dài.
>> Nỗi sợ về quê ăn Tết, cả chung cư cách ly
Cô Tuyết, chủ một khu nhà trọ ở Bình Chánh, TP HCM, kể cứ chiều tan tầm khoảng 5h thì cô luôn nghe tiếng ríu rít của người thuê trọ. Nhưng mấy tháng nay không còn cảnh đó. Khu nhà trọ có vài ca bị nhiễm nên phải đưa đi cách ly tập trung. Một vài người sau khi cách ly thì bỏ về quê, số khác ở nhà bạn bè cho đỡ tiền, số còn lại lang thang không biết về đâu.
Tiền nhà trọ của cô mấy tháng nay bị thất thu hoàn toàn. Tuy có chút buồn, xót tiền thu nhà trọ hàng tháng nhưng điều khiến cô buồn hơn là không còn được nghe "tụi nhỏ" gọi hai tiếng "mẹ Tư" thân thương nữa.
Lúc dịch chưa bùng phát, cô tính mua tặng cho mỗi phòng trọ một thùng nước ngọt và 10 kg gạo như mọi năm để làm quà Tết. Nhưng năm nay thì quá eo hẹp tài chính rồi.
Tết tới với nhiều người chắc không còn cơ hội diện đồ mới dạo quanh phố phường, gặp gỡ bạn bè, anh em, đồng nghiệp. Nhiều người không còn được bàn tán sôi nổi tiền lương, tiền thưởng như mọi năm. Còn khi nói đến chụp hình lưu lại kỷ niệm thì ai cũng như ai, lên hình cũng phải đeo khẩu trang, tuân thủ 5K khi đến những nơi đông người.
Tết tới có lẽ chỉ cần không bị "hai vạch" là hạnh phúc nhất rồi.
Hoàng Nhân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.