Sau Cách mạng tháng Tám, cả nhà tôi lên đường tham gia kháng chiến. Ngày ấy, mọi người chỉ nghĩ tản cư là đi ít lâu thôi cho nên gia đình tôi đã để lại tất cả đồ đạc ở Hà Nội, chỉ mang theo đồ dùng tối thiểu.
Cha tôi khi đó làm Giám đốc giáo dục Liên khu X nhưng làm gì có lương, mỗi tháng chỉ có 53 kg gạo. Ông dành 20 kg buộc sau gác baga, đi kinh lý khắp liên khu trên một chiếc xe đạp. Còn lại, mẹ tôi xoay xở với 33 kg gạo để gánh vác cả đàn con 6 đứa đang tuổi ăn học.
Có thời kỳ ở Yên Bái, cả nhà phải hấp sắn lưu niên - loại sắn già, to như bắp chân người dân bỏ lại trên rừng - nạo ra rồi ăn với muối ớt qua ngày. Còn thời ở Phú Thọ, mẹ mua thóc cùng với chị tôi xay giã, dần sàng để lấy lãi từ chỗ cám. Đến khi ở Thái Nguyên, mẹ và chị tìm mua quần áo rét của những người tản cư từ Hà Nội, mang vào các bản bìa rừng đổi lấy gạo của người dân tộc Trại.
Hòa bình lập lại, cả nhà về Hà Nội và ở nhờ nhà người bạn của cha tôi tại phố Yết Kiêu. Mẹ nhận bán đường cho mậu dịch. Cả nhà xúm vào dán bao và cân đong từng cân đường để bán theo tem phiếu cho dân chúng. Sau này, cha tôi được phân một căn hộ 21 mét vuông ở khu tập thể Kim Liên. Từ căn phòng nhỏ bé ấy, tám anh chị em tôi trưởng thành.
Nhớ lại những ngày ăn hôm nay phải lo bữa mai, tôi rất hiểu những lao động. Khi trong nhà không có tích lũy, họ thường không nghĩ được gì hơn là phải thoát ra khỏi nỗi lo đứt bữa trước đã.
Trong những đoàn xe máy rời khỏi Sài Gòn hôm kia, tôi đoán có lẽ nhiều người đang phải lo như thế. Tôi cũng có nỗi lo của mình vì con trai tôi đang tham gia chống dịch tại phía Nam.
Tôi gọi điện cho con, động viên và nhắc bảo trọng khi ở trong "vùng đỏ" tâm dịch. Bác sĩ Lân Hiếu đi lần này là lần thứ bao nhiêu tôi không nhớ hết. Cháu cùng các bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu và nhiều điều dưỡng viên từng tham gia chống dịch nhiều đợt suốt từ năm ngoái ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam nước ta. Dù cháu và các đồng nghiệp đã tiêm đủ hai mũi vaccine và thường xuyên được lấy mẫu để kiểm tra virus, nhưng tiếp xúc ngày đêm với F0 cũng thật nguy hiểm.
Chính vì thế, vợ chồng tôi rất sợ những đám đông dân chúng hồi hương sẽ tiếp tục gây bùng phát Covid, khiến TP HCM đang chật vật chống dịch càng thêm khó khăn.
Virus hết sức bé nhỏ, nhỏ hơn vi khuẩn hàng trăm lần nên chỉ thấy được dưới kính hiển vi điện tử. Chúng lơ lửng trong không trung rất lâu sau khi phát tán từ người bệnh. Đó là dạng sol với các giọt nước và hạt bụi siêu mịn. Sáng ngủ dậy, trong phòng tối um, nhưng có một vệt nắng lọt qua khe cửa. Ta nhìn thấy trên vệt nắng này hàng tỷ các sol bụi và nước bay bổng, nhào lộn một cách mạnh mẽ. Chính vì vậy, Covid chủng mới đâu chỉ lây nhiễm khi trò chuyện cách nhau hai mét, chúng có thể lây lan khi con người đứng gần nhau mà không cần phải nói chuyện với nhau.
"Biến chủng Delta khiến diễn biến của người bệnh có nhiều thứ không thể ngờ", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói. Theo Bộ Y tế, đến chiều 16/8, tổng số ca tử vong tại Việt Nam là 6.141 ca, tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc. Lượng bệnh mới quá lớn, bệnh viện đều đang quá tải.
Vậy mà, trào lưu hồi hương lại tái phát. Việc người từ vùng dịch đi khắp đất nước quá nguy hiểm. Nếu vô tình dồn dân vào các đám đông, số ca nhiễm sẽ còn tăng thêm nữa. Chưa kể, nông thôn đang yên lành bỗng nhiên tiếp nhận hàng vạn người từ "vùng đỏ" về, khác gì đem mồi lửa phát tán về các thôn xóm đang yên lành để nhen lên đám cháy mới. Chúng ta làm sao đủ bác sĩ để chi viện nếu tỉnh nào cũng như TP HCM, Bình Dương?
Từng gặp những lao động ngắn hạn, tôi biết nỗi lo thường trực trong đầu họ chỉ là bữa cơm hàng ngày và tiền trả cho chủ nhà trọ, đấy là chưa tính đến tiền gửi về quê nuôi vợ con, cha mẹ. Nhưng vài tháng nay không có thu nhập, nhu cầu tối thiểu ngày hai bữa ăn của họ cũng còn khó. Ngồi một chỗ, không có việc làm, chủ nhà trọ đòi tiền, lòng như lửa đốt, không tìm cách về quê thì còn đường nào nữa? Chúng ta đâu thể trách họ được. Muốn họ ở yên, chỉ còn cách giúp họ có đủ nguồn sống ít nhất trong 30 ngày thành phố giãn cách trước mắt.
Từ đầu tháng 7, TP HCM triển khai hai gói cứu trợ từ ngân sách thành phố: gói 886 tỷ đồng cơ bản đã được giải ngân xong, gói 900 tỷ đồng vừa được triển khai một phần. Mỗi hộ khó khăn được nhận 1,5 triệu đồng. Nguyên tắc là, người đã nhận cứu trợ của thành phố rồi thì thôi gói 26.000 tỷ đồng của chính phủ, nếu chênh lệch sẽ được thành phố bù.
Song, lượng cứu trợ dường như muối bỏ bể. Bởi số người cần hỗ trợ được thành phố duyệt thường thấp hơn nhu cầu thực tế mà các quận huyện đề xuất. Còn nhiều người đang chờ các gói hỗ trợ sau.
Mặt khác, suất cứu trợ 1,5 triệu đồng với nhiều gia đình như gió vào nhà trống. Tôi đề nghị chính quyền có thể xem xét các suất cứu trợ mạnh tay hơn, ví dụ phát tiền trực tiếp 3-5 triệu đồng cho một hộ khó khăn. Các gói cứu tế hàng hóa như tuyên bố cũng là một động tác bổ trợ nếu được cung cấp kịp thời, đồng thời thuyết phục nhà cung cấp miễn tiền điện, nước càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh này, TP HCM rất cần sự hỗ trợ và giải ngân nhanh chóng từ ngân sách trung ương.
Gói cứu trợ toàn dân như đề xuất của chuyên gia cũng là một giải pháp cho Việt Nam cân nhắc. Ngay lập tức phát phiếu mua hàng hoặc tiền mặt cho dân liệu có khó không? Tôi nghĩ là không nếu ta không đòi hỏi giấy tờ thủ tục xem ai đủ tiêu chuẩn nữa. Chúng ta đã tuyên bố, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhưng đến lúc người dân phải đi dù biết sẽ bị chặn lại trên đường tức là họ không chờ đợi thêm được nữa.
Bạn tôi ở Sài Gòn kể qua điện thoại, cả gia đình bạn đang cứu trợ lao động nghèo. Anh nói, mọi người đã cố gắng hết sức để quyên góp tiền bạc, tìm kiếm nguồn thực phẩm, lo nấu nướng và chia thành từng suất ăn để chuyển đến các con hẻm nơi lao động ngoại tỉnh thuê trọ. Nhìn người nhận đưa cả hai tay nâng niu những hộp cơm còn nóng thật cảm động, nhưng anh ấy lại nghĩ, hết bữa cơm này rồi sao đây, ngày mai có ai mang gì đến cho họ, lại còn những ngày dài tiếp theo nữa chứ.
Dù tôi đã gửi một tháng lương hưu để chung tay với gia đình anh chị, nhưng thấm vào đâu khi dịch còn kéo dài. Bất giác, lòng tôi thật xót xa.
Thành thị phải tìm mọi cách để giữ dân ở yên và đảm bảo an sinh xã hội. "Vùng đỏ", "vùng vàng" đã đủ rồi, chúng ta không cần thêm những vùng xám - nơi người dân bị hoang mang. Vùng nào người dân được an tâm, đó là vùng cần mở rộng.
Nguyễn Lân Dũng