Lo lắng lớn nhất là dịch đang bùng phát ở Hà Nội mà lại gửi quân đi các nơi nhiều quá, nhỡ hậu phương vỡ trận thì sao. Nhìn ánh mắt của vị trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, tôi có thể hiểu rõ lăn tăn này. Nhưng nhìn lại, thành công của các đoàn công tác đã được nhiều địa phương như Huế, Hà Tĩnh, Phú Yên... ghi nhận khiến chúng tôi có niềm tin vào sự xoay chuyển tình thế ở phía Nam. Kết luận cuối cùng của buổi họp: "Chúng ta sẽ lại lên đường".Đó là hơn một tuần trước, đoàn công tác số một gồm các bác sĩ hồi sức, cấp cứu, gây mê, tim mạch cùng đội ngũ điều dưỡng từ Hà Nội đã đến Bình Dương.
Chiến lược chống dịch ở TP HCM, Bình Dương đã thay đổi. Ngoài việc giảm thiếu tốc độ lây lan cộng đồng, mục tiêu quan trọng nhất đang là giảm tỷ lệ tử vong, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện để đủ sức trường kỳ chống dịch.
Đi từ bệnh viện tỉnh đến các bệnh viện huyện, tôi mới hiểu năng lực điều trị của chúng ta rất báo động. Có ba vấn đề cần củng cố không chỉ ở những tỉnh đang bùng phát dịch mà ở mọi địa phương, đó là nhanh chóng khảo sát để triển khai quyết liệt: Oxy, thuốc và con người. Tôi coi đó là ba chiếc chìa khóa chống dịch.
Thứ nhất, oxy là yếu tố sống còn để vượt qua đại dịch.
Có hai loại oxy. Loại thứ nhất là các bình oxy dùng cho tầng một, nơi người nhiễm có triệu chứng nhẹ. Loại này đã được người dân săn lùng nên bắt đầu khan hiếm ở phía Nam. Một lần nữa, tôi khẩn thiết đề nghị người dân không tích trữ loại này ở nhà. Vì để bình oxy ở nhà có thể gây nguy hiểm và với thể tích nhỏ ấy, chúng cũng không giúp được gì nhiều cho bệnh nhân nếu đã đến lúc cần thở oxy liên tục. Hãy để chúng ở các trung tâm y tế, nơi có sẵn hệ thống bơm nạp, kết nối những bình nhỏ với nhau tạo nên hệ thống oxy đồng bộ đủ áp lực để thở qua gọng kính hoặc mặt nạ. Việc này giúp nhân viên y tế có thể giúp cho nhiều người bệnh hơn, gồm cả gia đình bạn.
Loại thứ hai là oxy hoá lỏng. Các bồn oxy này cùng với hệ thống khí nén và hút áp lực là bộ ba bắt buộc cần có để bệnh viện trở thành tầng hai và tầng ba - nơi điều trị bệnh nhân Covid trung bình, nặng và nguy kịch. Không có oxy loại này, các máy HFNC, CPAP hoạt động không hiệu quả, còn máy thở chức năng cao lại càng không dùng được.
Việc quan trọng đầu tiên trong thi công cơ sở hồi sức là chỗ lắp bồn oxy và hệ thống đường dẫn. Vì thế, các địa phương nên rà soát triển khai càng sớm càng tốt vì thời gian lắp đặt hệ thống oxy lỏng không thể nhanh hơn một tuần trong điều kiện cách ly phong tỏa.
Thứ hai, thuốc điều trị Covid.
Việc điều trị ở tầng một và hai chỉ cần tuân thủ đúng phác đồ của bộ Y tế sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn ở tầng ba. Vì khi đã phải lên tầng ba, đặt ống nội khí quản, tỷ lệ rút được ống và hồi phục là dưới 50% ngay cả ở các trung tâm lớn trên thế giới. Tuần trước, chúng tôi đã thống nhất sử dụng sớm thuốc chống đông và kháng viêm Steroid cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng. Nếu chưa được nhập viện mà chỉ ở khu cách ly, không có điều kiện tiêm, một giải pháp có thể áp dụng là qua đường uống. Rất nhiều trường hợp đã vượt qua nguy kịch được nhờ giải pháp này.
Bác sĩ và người dân tại TP HCM, nơi số ca nhiễm lớn nhất và đang đúng giai đoạn bệnh chuyển nặng nhiều, xin đọc thật kỹ về các thuốc điều trị Covid đã được Bộ Y tế cập nhật trong hướng dẫn và phác đồ điều trị. Người chưa mắc bệnh không nên mua dự phòng vì các thuốc này sẵn có trên thị trường với nhiều tên gọi khác nhau; mọi điều trị cụ thể cần liên hệ với các bác sĩ để được chỉ dẫn với liều lượng theo cân nặng và loại trừ các chống chỉ định của thuốc.
Thứ ba và quan trọng nhất, vấn đề khó nhất nhưng lại quyết định chiến thắng trong cuộc chiến này, đó là nhân lực.
Tôi không thể mô tả được cảm xúc khi nhìn thấy giàn máy thở hiện đại bậc nhất V600 đã về đến Bệnh viện Hồi sức bệnh nhân Covid-19 Bình Dương. Trang thiết bị sẽ đủ với sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các ban ngành, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Tôi nhìn thấy sự đóng góp của mọi tầng lớp xã hội chung một mong muốn là đẩy lui dịch bệnh với tổn thất tối thiểu về người. Từ cô điều dưỡng bé nhỏ thức trắng đêm trong bộ đồ PPE nhưng vẫn không về để giúp các đồng nghiệp mới từ Bắc vào chưa thạo nhập số liệu, các bác sĩ với "vũ khí"rất thô sơ mà một tuần nay lăn lộn để không ca bệnh chuyển nặng nào tử vong ở Phú Giáo; hay bác tài không lương tình nguyện chở tôi đi khắp tâm dịch mà nói mãi mới nhận khẩu trang N95 vì muốn "dành cho người cần hơn" cho đến những người bạn từ rất xa liên tục âm thầm làm những điều tốt nhất cho Sài Gòn, Bình Dương.
Có khi được ít phút nghỉ ngơi nhưng tôi không chợp mắt nổi vì những hình ảnh đã gặp. Cơn bão tàn khốc đại dịch quét tràn qua những miền trù phú của đất nước, để lại cảnh xác xơ, lạnh lẽo. Những phố phường không bóng người ngoài tiếng còi hú của cứu thương, cảnh sát. Những cánh đồng bỏ hoang cho dù cái đói có thể ập đến bất cứ lúc nào. Những khuôn mặt người dân từ anh công an, trật tự đến cô thanh niên tình nguyện đều toát lên sự căng thẳng.
Covid là thứ virus ghê sợ nhất. Nó không màu, không mùi, không vị nên đã len lỏi gần như mọi nơi trên địa cầu cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó có thể đánh gẫy chân ghế các vị lãnh đạo quyền uy và quan liêu, phá tan hoang những nền kinh tế con rồng con hổ và đơn giản hơn, hại biết bao mảnh đời khốn khó.
Những ai coi thường Covid chắc cũng đã thấy, chỉ một chút chủ quan, bao gia đình đã trả cái giá quá đắt. Cũng không thể trách họ vì đã có ai chứng kiến lịch sử này bao giờ mà tiên lượng với dự báo.
Lo ngại những ngày qua dường như đã trút bỏ được một phần, đó là chắc chắn cơ sở vật chất chống dịch sẽ được củng cố, phương tiện, thuốc men và vaccine sẽ đầy đủ hơn.
Chỉ còn nỗi lo về con người, ta cần thêm rất nhiều chuyên gia hồi sức cấp cứu từ bác sĩ đến điều dưỡng. Những chiến hữu của tôi đã thấm mệt. Chứng kiến những sự sống mà mình cố kéo lại bất thành khiến cậu học trò đã chinh chiến khắp nơi của tôi cũng không giấu nổi buồn lo.
Âu lo là vậy nhưng cuối giờ trưa hôm trước, sau khi nói chuyện với các bệnh viện dã chiến tầng một và hai trong tháp chống dịch ba tầng của Bình Dương, tôi vẫn có niềm hy vọng rằng ta sẽ vượt qua trận chiến này. Hy vọng đó không phải ở máy móc, trang thiết bị, thuốc men hay phát kiến khoa học mà đơn giản trong những ánh mắt. Từ vị giám đốc trung tâm y tế huyện quyết tâm xây dựng bệnh viện tầng ba hồi sức bệnh nhân nặng và nguy kịch đến cậu học trò đã hơn một tháng vật lộn trong tâm dịch vẫn khẳng định "Em ổn thầy ạ!".
Lạc quan và nỗ lực, nhưng ta vẫn phải thực tế và nhìn thẳng vào sự thật thì mới có thể lật ngược thế cờ: Tuyến đầu đang rất cần tiếp sức.
Thực sự, chúng tôi cần những cánh tay chìa ra và đặc biệt những trái tim nhiệt huyết đập chung một nhịp. Các bác sĩ, điều dưỡng, y công hay nhân viên hành chính trong bệnh viện ở mọi miền đất nước xin hãy đến với chúng tôi. Các bạn sẽ là chiếc chìa khoá thứ ba để chúng ta đẩy lui được đợt dịch ghê gớm này.
Nguyễn Lân Hiếu