Đó là những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên trong khoảng 110 triệu liều dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Những câu hỏi tôi hay nhận được là: khi nào tiêm, ai cần tiêm trước, làm sao để được tiêm, tất cả mấy mũi và chi trả thế nào...
Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của các cơ quan, đặc biệt là sứ quán Việt Nam tại các quốc gia sản xuất vaccine Covid-19, vẫn đang nỗ lực tối đa để có đủ vaccine cho toàn dân trong thời gian sớm nhất. Theo Luật truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế.
Bên cạnh nhóm ưu tiên trên, khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng Covid-19 để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vaccine Covid-19. Đây là phương án Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt.
Với nguồn cung ban đầu hạn chế, trong các cuộc họp về vấn đề phân phối vaccine, mặc dù có không ít tranh luận, nhưng cuối cùng chúng tôi đều đi đến đồng thuận: tiêm phòng trước nhất cho cho nhân viên y tế tuyến đầu, những người có nguy cơ phơi nhiễm và mắc Covid cao nhất, để bảo vệ và bảo toàn lực lượng tuyến đầu chống dịch. Kế đến là người dân ở vùng dịch, và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, miễn dịch suy giảm. Họ dễ mắc Covid-19 khi dịch bùng phát và khi mắc có nguy cơ tử vong cao.
Khi nguồn cung dồi dào, chủ trương của ngành Y tế là chủng ngừa Covid-19 trên diện rộng, càng nhanh và càng nhiều càng tốt. Theo lý thuyết về dịch tễ học, tối thiểu cần trên 80% dân số được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng. Cơ chế này sẽ làm tác nhân gây bệnh không thể tìm thấy đủ số lượng cá thể để trú ẩn, nhân lên và lây nhiễm, qua đó có thể sớm đẩy lùi đại dịch.
Để có được tỷ lệ bao phủ vaccine kỳ vọng trên là thách thức vô cùng lớn của các quốc gia không riêng gì nước ta. Một trong các giải pháp quan trọng là đa dạng hoá nhiều nguồn cung ứng vaccine - bao gồm vaccine của Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, phát huy tối đa các nguồn lực xã hội tham gia chương trình tiêm chủng Covid-19.
Sau khi nhân loại có vaccine, vấn đề bất bình đẳng vaccine nổi lên được tranh luận rất nhiều trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Theo số liệu của Oxfarm, nhóm các nước giàu, chiếm 13% dân số toàn cầu, đã đặt mua hơn 50% lượng vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng của thế giới. Có quốc gia còn mua đủ để tiêm ba lần cho người dân nước họ, trong khi tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên.
Nếu coi vaccine là một loại hàng hoá và quyền được tiêm nó phụ thuộc vào quốc gia, địa phương và mức thu nhập theo cơ chế thị trường, sẽ có hàng tỷ người trên thế giới không được chủng ngừa trong những năm tới.
Nhưng dịch bệnh là vấn đề của toàn nhân loại, không riêng một quốc gia hay địa phương nào có thể một mình giải quyết. Cháy nhà hàng xóm mà bình chân như vại, không cùng chung tay dập lửa, sớm muộn lửa cũng lan sang nhà mình. Phong toả các khu vực hay kiểm soát chặt chẽ biên giới quốc gia chỉ là các giải pháp trong ngắn hạn, không bền vững và gây nhiều tổn thất.
Việc các nước giàu, các địa phương giàu, thậm chí người giàu tìm cách sở hữu vaccine nhiều hơn cũng không giúp họ thể trở thành những "ốc đảo an toàn" trước Covid nếu các nước nghèo, các địa phương nghèo, người nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Hay nói cách khác "chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa địa phương" vị kỷ về vaccine không giúp đánh bại virus.
Mặc dù vaccine là niềm hy vọng lớn nhất để đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng còn quá sớm để khẳng định vaccine sẽ kết thúc đại dịch. Do vậy, tất cả chúng ta vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện 5K.
Tôi cho rằng, việc phân phối vaccine một cách công bằng và hợp lý giữa các khu vực, địa phương và các nhóm quần thể là điều tối quan trọng. Sự cấp bách của việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại vaccine không thể không đi kèm với sự cấp bách trong việc phân phối, đảm bảo quyền được tiêm vaccine công bằng cho tất cả mọi người. Đó là chìa khóa giúp chúng ta an toàn trước đại dịch.
Trần Văn Thuấn