Thế giới dường như đã tìm ra vaccine để chống lại đại dịch, nhưng đó là ở những cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Là bác sĩ phải tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, tôi mong Việt Nam có vaccine thật nhanh. Chỉ khi toàn dân được tiêm chủng, tôi và đồng nghiệp mới có thể an toàn. Nhưng, tiếp cận vaccine chất lượng tốt không dễ, loại "giá cả phải chăng" cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả mọi người.
Chủ tịch Tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc vừa công bố, hãng này có thể cung cấp 200 triệu liều vaccine trong năm nay. Hiệu quả phòng bệnh hơn 97% với mũi tiêm đầu và lên tới 100% nếu tiêm hai mũi. Con số từ trước đến nay chưa vaccine nào đạt được. Dự kiến vaccine Sinopharm sẽ có giá vài trăm Nhân dân tệ cho mũi tiêm đầu và ít hơn 1.000 Nhân dân tệ (145 USD) cho hai mũi tiêm.
Con số 147 USD làm tôi băn khoăn. Tôi thử làm phép tính với giả thiết dịch bệnh có hệ số lây nhiễm R0 là 5. Để phòng bệnh, tỷ lệ người cần tiêm trong cộng đồng được tính theo công thức (1-1:5), nghĩa là ít nhất 80% dân số được tiêm vaccine mới tạo ra miễn dịch cộng đồng. Số tiền vaccine sẽ lên tới 11 tỷ USD.
Tại Mỹ, vaccine của hãng Pfizer và BioNTech theo công nghệ mARN nên tốc độ sản xuất sẽ rất nhanh. Hãng cam kết sẽ cung cấp cho chính phủ Mỹ 100 triệu liều với giá 39 USD cho hai mũi tiêm. Vaccine này phải bảo quản ở nhiệt độ -80⁰C. Chỉ vài cơ sở tại Việt Nam có hệ thống bảo quản này như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hay Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nên sẽ rất khó để nhập khẩu số lượng lớn. Hãng Moderna cũng thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho chính phủ Mỹ với giá dự tính khoảng 74 USD cho hai mũi tiêm. Vaccine này cũng sản xuất theo công nghệ mRNA nhưng dễ bảo quản hơn. Với giá 74 USD, để tiêm cho 80% dân số nước ta sẽ phải chi tới 6 tỷ USD. Đó là con số không tưởng.
Mỹ và Trung Quốc không tham gia chương trình Giải pháp tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (Covax Facility) nên không có trách nhiệm chia sẻ vaccine với các quốc gia khác. Vào tháng 9, Thượng nghị sĩ Thom Tillis đề xuất một đạo luật về vaccine. Nếu nó được thông qua, Mỹ sẽ cấm xuất khẩu tất cả các loại vaccine Covid-19 được chính phủ tài trợ cho đến khi dân Mỹ được tiêm chủng xong.
Chủ nghĩa dân tộc về vaccine không xa lạ. Trong đợt bùng phát dịch cúm H1N1 năm 2009, các quốc gia sản xuất được vaccine đã từ chối xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đối mặt với đại dịch Covid-19 hôm nay, các quốc gia đang quay lại những giải pháp cũ hàng thập kỷ. Tháng 10, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh đã thương thảo với các hãng để mua 3,8 đến 5 tỷ liều vaccine. Theo báo cáo của Oxfam, các quốc gia giàu có chỉ chiếm khoảng 13% dân số thế giới, nhưng đã đặt hàng 51% liều vaccine Covid-19. Tôi lo ngại rằng, vaccine chất lượng cao như của hãng Pfizer, Modema và Sinopharm khi bán qua kênh thương mại đến các quốc gia như Việt Nam sẽ trở nên vô cùng đắt đỏ.
Với tâm lý lo sợ bệnh tật, tôi tin sẽ có nhiều người chấp nhận tiêm các vaccine trên với giá rất cao. Bởi nếu không tiêm, việc mỗi ngày vẫn phải bỏ tiền mua các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, thuốc khử trùng và nước rửa tay; nếu tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 bắt buộc phải cách ly ít nhất hai tuần hay chẳng may nhiễm bệnh còn tốn kém hơn nhiều.
Với nguồn vaccine giá rẻ hơn, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi Covax Amc) cũng chỉ cam kết hỗ trợ mua giúp mỗi quốc gia thành viên đủ liều cho khoảng 20% dân số, trong đó có Việt Nam. Liên minh chỉ hỗ trợ chi phí cho các quốc gia thu nhập thấp, các nước sẽ phải trả bốn USD cho mỗi mũi tiêm. Tuy nhiên, Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp nên có thể phải thanh toán đầy đủ chi phí. Cam kết thị trường mở tiên tiến Covax vận hành dựa trên Gavi, đó là sáng kiến tương tự năm 2005 khi thế giới phải đối phó với dịch Phế cầu và đã cứu sống hàng trăm ngàn trẻ em ở những quốc gia nghèo. Nhưng 15 năm sau, chưa có gì đảm bảo Covax sẽ giúp các quốc gia gồm Việt Nam tiếp cận được vaccine Covid-19.
Năng lực sản xuất vaccine của mỗi hãng chỉ có hạn. Ngay cả khi họ hoạt động hết công suất, đến năm 2022, thế giới cũng mới chỉ tiêm chủng được cho 61% dân số. Nguồn cung không thể đáp ứng được cùng lúc cho nhu cầu thị trường thời gian tới. Vaccine đội giá trong lúc nhiều người đang mất việc hoặc giảm thu nhập vì dịch bệnh, sẽ rất khó để tất cả có thể tiếp cận vaccine theo giá dịch vụ.
Trong đại dịch, mất cân bằng vaccine do cung ít - cầu quá nhiều cùng với giá vaccine quá đắt có nguy cơ dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo về sức khỏe. Làm thế nào để điều này không đến? Đây là câu hỏi rất khó. Tôi cho rằng chính phủ phải xây dựng kịch bản vaccine phù hợp ngay từ bây giờ để đảm bảo công bằng.
Virus không chọn địa điểm và con người, nhưng hàng ngàn nghiên cứu khoa học đã chỉ Covid-19 thường xảy ra ở các thành phố lớn đông dân cư hơn là nông thôn hay miền núi. Những người già mắc các bệnh mãn tính cũng rất dễ lây nhiễm. Nhóm lao động tiếp xúc nhiều như nhân viên lễ tân, thu ngân, dịch vụ hành chính, đặc biệt là nhân viên y tế, những người làm trong môi trường khép kín, đông lạnh, nơi tụ tập đông người.
Cuộc sống đôi khi cần sự ưu tiên, và chính ưu tiên mới là công bằng. Với nguồn vaccine "giá cả phải chăng", tôi cho rằng chính phủ phải quản lý theo cách đặc biệt, dùng ngân sách để triển khai tiêm miễn phí, người có tiền cũng không thể mua được vaccine. Chính sách tiêm chủng sẽ ưu tiên cho những đối tượng có nguy cơ mắc cao - tức vaccine Covid-19 phải được bác sĩ kê đơn theo chỉ định. Chỉ người có đơn kê mới được tiêm.
Với dịch Covid-19, không nhất thiết tất cả mọi người cần tiêm chủng mới phòng được bệnh. Vì thế mà theo tôi, những loại vaccine như của Sinopharm, Pfizer hay Modema cũng phải được chính phủ quản lý, không cho phép lưu hành trên thị trường tự do. Nếu giá thương mại quốc tế bị đẩy lên cao quá, chúng sẽ là vaccine tự nguyện phải trả tiền, dành cho những người nguy cơ thấp nhưng muốn tiêm.
Trên bình diện toàn cầu, cách tốt nhất để người nghèo tiếp cận được vaccine là khi Tổ chức Thương mại Thế giới xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các nhà nghiên cứu và sản xuất. Ấn Độ và Nam Phi đã đi đầu, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng, đề nghị WHO xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ với vaccine mà cả với các công cụ chẩn đoán và thuốc men khác. Việc xóa bỏ này duy trì đến khi nào phần lớn dân số thế giới đã miễn dịch với Covid-19.
Kê đơn miễn phí với vaccine "giá cả phải chăng" cho những người có nguy cơ cao; tiêm dịch vụ những người có nguy cơ thấp với vaccine nhập khẩu giá đắt đỏ; cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng đề nghị WHO xóa bỏ độc quyền vaccine, đó là những cách Việt Nam có thể thực hiện trong bối cảnh này.
Nếu chúng ta tự sản xuất được vaccine, tuy chậm hơn thế giới, sẽ tránh được việc trở thành miếng mồi béo bở cho các hãng. Chờ vaccine nội cũng là một lựa chọn không tồi.
Trần Văn Phúc