Không thể nhớ được bao nhiêu lần tôi đón giao thừa trong bệnh viện.
Tính từ ngày tôi khoác chiếc áo blouse sinh viên Đại học Y Hà Nội, đã hơn 30 cái Tết, những đêm 30 không vào viện chỉ đếm được trên một bàn tay. Năm sinh viên thứ nhất tôi đã trực ở trường, nói nôm na là trông coi giảng đường, không để ai vào chọc phá.
Tôi vẫn nhớ cảnh chia tay bố mẹ khoác ba lô vào trường mà cứ như chiến sĩ ra trận. Chắc lúc ấy "ông bà bô" khi đóng cửa đã phì cười vì cậu cả mới lớn thích làm le. Trực trường y chẳng liên quan đến bệnh nhân nhưng chúng tôi cũng mặc áo blouse, rồi trải chiếu ngay ở hành lang... đánh bài suốt đêm. Chưa đến giao thừa, bánh chưng và mấy khúc giò mẹ chuẩn bị đã bị lũ bạn xơi tái.
Những năm học tiếp theo, vì là con trai, nhà lại ở Hà Nội nên hầu như năm nào tôi cũng xung phong trực thay các bạn đêm 30.
Tôi vẫn nhớ như in đêm giao thừa năm thứ ba ở Bệnh viện Saint Paul. Vừa ăn tối xong, bác sĩ trực nhi đến khoa ngoại chúng tôi thông báo có em bé cần truyền máu mà bệnh viện hết nhóm máu này. Trong số năm cô cậu sinh viên tình nguyện hôm ấy, may mắn có tôi cùng nhóm máu. Thật sự là kỷ niệm không bao giờ quên. Kể cũng lạ, chắc hồi đó da còn non quá nên chỗ chích lấy máu ở nếp gấp cánh tay phải tôi hôm nay vẫn còn vết sẹo.
Khi trở thành bác sĩ, tất nhiên giao thừa trong bệnh viện thật khác. Năm ấy, tôi được phân công "trực cọc một" - ý là bác sĩ cứng của khoa. Là giảng viên nên tôi luôn dạy điều nhân văn cho các học trò. Rằng nếu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đến sớm, cho dù không có tiền vẫn phải can thiệp mở mạch máu vì thời gian là vàng bạc, "nếu không có tiền các em cứ gọi tôi".
Thực ra số bệnh nhân thời đó không nhiều, người nghèo mắc bệnh lại thường không đến thẳng Bạch Mai nên tôi hầu như không bị gọi. Không may giao thừa năm ấy, không phải tua trực, bác sĩ nội trú gọi báo có ca bệnh đúng như trên. Bác xe ôm ngay cổng viện bị nhồi máu cơ tim nên đưa thẳng vào phòng cấp cứu.
Nhận tin, tôi lao vào viện. Ý định dùng những dụng cụ cũ tôi mang từ nước ngoài về để tiết kiệm chi phí đã phá sản hoàn toàn vì cái mạch vành ngoằn ngoèo quái ác. Mồ hôi toát ra như tắm. Dùng mọi cách với các dụng cụ thế hệ mới nhất, cuối cùng tôi cũng xử lý được. Bác xe ôm đã thoát chết. Ngước nhìn đồng hồ đã sang sáng mùng một từ lúc nào.
Cứ như vậy, rất nhiều giao thừa với những ca lâm sàng thăm khám, chẩn đoán, can thiệp tại bệnh viện đã qua đi trong cuộc đời tôi.
Nhưng năm nay là một năm đặc biệt. Giao thừa này, tôi ở cùng các bác sĩ điều dưỡng tại tầng 5 bệnh viện của chúng tôi, mở chai champaigne không độ cồn, cùng hy vọng một năm mới vượt qua đại dịch. Tôi sẽ đi thăm những bệnh nhân đang còn nằm viện, gửi tới họ thông điệp về tình yêu cuộc sống. Dù ta không bao giờ biết hết mọi điều phía trước, nhưng đừng vì thế mà ngừng sống can đảm.
Dịch bùng phát đúng vào lúc không ai mong muốn nhất. Và đây là giao thừa nhiều bác sỹ, nhân viên y tế nhất của ngành Y không về nhà. Trong lúc chúng ta đọc bài này, hàng nghìn bác sỹ, nhân viên y tế, các chiến sĩ công an, bộ đội đang căng mình chống dịch. Họ cũng có một cuộc sống và một mái ấm để đi về. Chẳng ai muốn vất vả thiệt thòi, nhưng họ đã chọn thái độ dấn thân vì an toàn cho đất nước.
Chúng tôi cũng là những con người bình thường, có lúc vui lúc buồn, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, nhưng khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, trách nhiệm bảo vệ sự sống luôn tối thượng trong mỗi trái tim, khối óc.
Cho dù không có giao thừa, chẳng bánh chẳng hoa, chỉ cần thấy bệnh nhân mở mắt, mỉm cười, chắc chắn không một nhân viên y tế nào không hạnh phúc. Và tất nhiên sẽ chẳng có lời than vãn nào về những đêm giao thừa vất vả, hay so bì không được ở bên người thân trong giờ phút bước vào năm mới.
Gia đình những người làm ngành y luôn xác định sẽ thiệt thòi, vì họ biết đó là nghiệp người thân mình đã chọn. Và chúng tôi sẽ ăn Tết muộn, lúc dịch lắng xuống. Khi Việt Nam công bố hết dịch sẽ là giao thừa đẹp nhất.
Chúc bạn đọc một năm mới can trường!
Nguyễn Lân Hiếu