Là giáo viên, khi đọc bài Lời thú nhận của một 'con nhà người ta' tôi thấy đâu đó hình bóng của những học trò của mình. Bao gồm cả học trò quậy - cá biệt và học trò ngoan - học giỏi.
Nói thật, lúc đi dạy tôi không thích mấy cậu học trò cá biệt cho lắm. Nhưng giờ đây, sau thời gian dài, tôi thấy những người làm nên chuyện và đột phá là những học trò mang danh cá biệt.
>> 'Tôi vào đại học lúc một vợ, hai con'
Tôi nhớ một lớp dạy một khoá cách đây hơn mười năm. Có một cậu học trò rất quậy, lười học, không làm bài tập, hay gây gổ đánh nhau. Ngày mai kiểm tra thì chiều nay còn đi đá bóng, nhưng lạ là hiếm khi nào điểm dưới trung bình. Tôi không biết cậu ta có quay cóp trong giờ kiểm tra hay không, nhưng khách quan mà nói, cậu học trò này cũng sáng dạ chứ không đến nỗi tối tăm. Tuy vậy, giáo viên nào cũng than rồi lắc đầu ngao ngán, bảo chắc nó chẳng làm nên trò trống gì đâu.
Hết lớp 12, cậu ấy bỏ lên Sài Gòn học nghề, lăn lộn đủ thứ. Tôi cũng quên bẵng đi. Đùng một cái, cậu ta về quê làm ăn. Giờ đây, lại là cái người thành đạt nhất lớp nhờ nuôi lươn bỏ mối cho nhà hàng, quán nhậu, làm nhà yến, tháng nào cũng thu hoạch trên 10kg yến sào... Thu nhập mỗi tháng không dưới một trăm triệu đồng.
Trong khi đó, số những học trò học giỏi, chăm ngoan, từng là niềm tự hào của gia đình và thầy cô, lại có cuộc sống rất đỗi bình thường, làm công ăn lương.
Tôi nghĩ và thấy rằng người lớn chúng ta cần có một cái nhìn, đánh giá khách quan hơn. Đừng kỳ vọng nhiều rằng học giỏi đi đôi thành đạt.
Mấy em học giỏi, thường đi vào con đường học thuật, nghiên cứu. Nhưng ai cũng thừa biết là làm việc ở những cơ quan này lương thấp và hầu như vì đam mê chứ không sống nổi với nghề. Những nghề này vốn an toàn, như cái cách mà các em từng đi học.
Trong khi những em này quanh quẩn trong các văn phòng, công ty thì các bạn ngày xưa quậy nay lăn lộn ngoài đời, tiếp xúc với nhiều cơ hội hơn, biết cách làm ăn hơn lại trở nên giàu có. Những người dám liều tạo ra nhiều đột phá hơn.
>> Hành trình học trái ngành của tôi
Nhìn lại, một số thầy cô, giáo viên có tâm lý bồi dưỡng các em giỏi, mà vô tình đẩy các em quậy ra khỏi sự quan tâm của mình. Trong khi môi trường giáo dục phải san sẻ tình thương đồng đều, chứ đâu phải vì em này giỏi mà được ưu tiên hơn các em cá biệt?
Phụ huynh cũng vậy, gò con cái vào cái vòng an toàn là tốt. Nhưng đi kèm đó là tạo ra những đứa trẻ sống và làm việc theo lối mòn. Chúng lớn lên, đi làm, kết hôn và lặp đi lặp lại, chẳng khác gì con robot được lặp trình sẵn.
Hai đứa con một học giỏi, một học dở thì cha mẹ tất nhiên ưu tiên đứa học giỏi hơn đứa học dở. Điều này tạo ra sự không công bằng ngay từ gia đình.
Khi cái chuẩn đo lường thành đạt của xã hội ta bây giờ là dựa vào số tiền kiếm được, ai kiếm tiền nhiều hơn sẽ được coi là thành công hơn, thì những người ngày xưa học giỏi nay kiếm được ít tiền hơn sẽ hoang mang, mông lung và tệ hơn là thoái chí.
Đặng Khánh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.