Lịch sử là môn tôi cảm thấy khô khan và chán ngắt khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng khi vừa chững chạc và tương đối thành công trong công việc thì tôi lại đọc nhiều hơn về lịch sử bao gồm quân sự, giao thương, tôn giáo... sự phát triển của loài người.
Những kiến thức này cực kỳ cần thiết và hữu ích để làm giàu tâm hồn cho một người thành công, là quá trình để chúng ta thấy được sự phát triển của xã hội, vì sao con người của chúng ta như thế này? Vì sao nước ta phải như thế này? Vì sao kinh tế, con người Việt Nam như thế này?...
Sẽ có rất nhiều góc nhìn khác nhau khi bạn đọc về lịch sử nước nhà, nước bạn và cả thế giới. Kiến thức lịch sử thực sự rất hấp dẫn chứ không khô khan và chán như chúng ta đã học. Vậy thì tại sao lại cảm thấy khô khan?
Bởi vì cách chúng ta đang giảng dạy môn lịch sử là một điều thực sự thảm họa theo góc nhìn của tôi. Tôi nhớ rằng tôi phải học từng con số, ngày nào, giờ nào cho trận đánh nào... một cách máy móc và không hiểu được cái hào hùng, cái bi tráng của dân tộc, của đất nước trong những giây phút ấy.
Tôi chỉ học về loài vượn người tên gì chứ không tưởng tượng được xã hội nguyên thủy như thế nào? Con người lúc ấy thông minh và khéo léo hơn con người hiện nay như thế nào?
Và nhiều thông tin hơn nữa... cái chính là cách truyền đạt kiến thức, cách biến môn lịch sử thành một bộ phim để học sinh cảm nhận được sự giáo dục của xã hội ở trong lịch sử. Vì sao lại có chiến tranh? Vì sao xã hội phát triển? Vì sao con người hiện đại chưa chắc đã hạnh phúc hơn con người nguyên thủy?... Hàng triệu câu hỏi vì sao của bọn trẻ, của học sinh sẽ được giải đáp qua lịch sử. Nên điều tôi mong muốn là thay đổi cách truyền đạt, cách dạy dỗ và cách cho học sinh tiếp cận với môn lịch sử là điều cực kỳ quan trọng để phát triển xã hội.
Hạnh Nguyễn
Tôi là một người trẻ, 25 tuổi. Thời bé, tôi không có nhiều thứ để giải trí ngoài việc đọc sách. May mắn thay sách tôi đọc đa phần là về lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược...
Nói thật, từ tiểu học đến cấp ba, tôi cũng không biết học lịch sử để làm gì. Nhưng càng lớn, tôi càng thấy tầm quan trọng của nó. Tôi từng đặt những câu hỏi như: Vì sao triều Ngô, Đinh, Tiền Lê tồn tại thời gian rất ngắn nhưng từ thời Lý các triều đại tồn tại dài và triều đại tồn tại lâu nhất là triều Lê 400 năm hay Nếu Việt Nam mở cửa thì có bị Pháp xâm lược không?
Từ những câu hỏi như thế này, tôi ngộ ra nhiều điều sâu sắc về dân tộc Việt Nam. Chúng ta bắt nguồn từ văn hóa Nho Giáo. Tôi thấy Việt Nam có một trong hai nền văn hóa tạo nên sự thịnh vượng trên thế giới bên cạnh nền văn hóa của phương tây.
Các nước Nho giáo cần đến 50 năm để từ một nước nghèo trở thành một cường quốc như Nhật (1868-1905), Hàn (1953-1990), Singapore (1965- đầu thập niên 90), Đài Loan (1945-1990), Trung Hoa (đầu thập niên 1980-2018). Học lịch sử giúp tôi thấy được Việt Nam trở thành cường quốc khu vực sau 30 năm nữa. Dự đoán được tương lai giúp tôi chọn được lĩnh vực đầu tư hoặc chọn ngành hàng để kinh doanh. Bản chất của việc học lịch sử theo tôi là giúp ta biết được Việt Nam là ai, chúng ta là ai?
Khi biết được rõ điều đó, chúng ta sẽ biết vùng đất chiến lược của Việt Nam, áp dụng chính sách về giáo dục, y tế, chính trị và ngoại giao... Nhưng đối với tôi, tôi hiểu được văn hóa của Việt Nam giúp tôi xây dựng được một văn hóa của công ty sau này. Tôi có thể không thể trình bày hết được lợi ích của việc học Lịch sử nhưng có một điều môn gì có thể bỏ trừ môn Sử.
Nguyễn Văn Phú
>> Bạn có đồng ý những quan điểm trên? Chia sẻ bài viết tại đây, hoặc bandoc@vnexpress.net