Một chiều thứ 7 đầu tháng 6/2017, dưới bầu trời trong xanh, cuộc biểu tình nhỏ phản đối thi hành luật Hồi giáo Sharia bắt đầu lan khỏi phạm vi khuôn viên Tòa thị chính ở Seattle, bang Washington.
Những người tham dự bắt đầu đối mặt với một nhóm biểu tình chống phát xít lớn hơn nhiều. Hai bên bắt đầu lời qua tiếng lại trên một khu vực rộng, không có hàng rào và một đội cảnh sát chống bạo động.
Khi rời khỏi bãi đất, hai phe đụng độ trực tiếp ở góc phố số 4 và Cherry. Một nhóm thanh niên trẻ, người đội mũ đỏ in chữ "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" theo khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đeo khẩu trang, tràn từ vỉa hè xuống đường, bắt đầu ẩu đả.
Ngay lập tức, 10 sĩ quan cảnh sát cao to lực lưỡng đi xe đạp địa hình màu đen đang theo dõi đám đông từ bên kia ngã tư, nhảy vào hành động. Họ tiếp cận, đẩy xe đạp vào giữa cuộc chiến, hét lên "Lùi lại", dùng xe và cơ thể tạo ra vách ngăn đẩy lùi đám đông và những người nổi loạn.
Họ ngăn cách đám người. Khi đám đông bắt đầu giải tán, cảnh sát mở rộng chu vi. Sau hơn 20 phút, đám đông thưa dần, đơn vị cảnh sát chống bạo động bằng xe đạp rời đi tới một công viên lân cận, nơi đang xảy ra vài cuộc ẩu đả khác.
Đội hành động trơn tru và hiệu quả bởi được thực hành rất nhiều. "Seattle mỗi năm có tới 200-300 cuộc biểu tình", trung sĩ Jim Dyment, huấn luyện viên trưởng của đội cảnh sát xe đạp chống bạo động Seattle, nói. "Nhưng không phải ngày nào cũng phát sinh bạo lực như hôm nay".
Nó cũng là sản phẩm đáng chú ý mang tính thay đổi cơ bản của chiến thuật trị an đám đông trong thời buổi liên tiếp diễn ra các phong trào Occupy (phản đối bất bình đẳng xã hội, kinh tế và dân chủ), Black Lives Matter (mạng sống người da màu cũng quan trọng) và những cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối Donald Trump.
Khi nghĩ về cảnh sát chống bạo động, chúng ta thường liên tưởng đến lực lượng tinh nhuệ tràn ra từ những chiếc xe bọc thép, mang theo vũ khí để đối phó đám đông.
Nhưng biểu tình ở Mỹ diễn ra trong thời đại kỹ thuật số đang thay đổi. Các cuộc biểu tình mọc lên như nấm khắp đất nước với số lượng người tham gia lớn hơn bao giờ hết, còn các phương tiện truyền thông xã hội cho phép người biểu tình dễ dàng tổ chức, hình thành và giải tán. Truyền thông di động cho phép triển khai chiến thuật tức thời khi không khí bắt đầu căng thẳng, video và máy ảnh ghi lại mọi khoảnh khắc, còn quan hệ công chúng trở nên tối quan trọng.
Để giải quyết, cảnh sát chống bạo động đã đưa ra một giải pháp di chuyển công nghệ thấp đáng ngạc nhiên: sử dụng xe đạp.
Cảnh sát xe đạp đang hiện diện khắp các sự kiện, từ Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa ở Cleveland, Ohio năm 2016, khi Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng và thu hút rất nhiều người biểu tình phản đối, tới các cuộc biểu tình của những nhóm có tư tưởng cực hữu coi dân tộc da trắng là thượng đẳng đã tổ chức hàng loạt vụ gây rối ở các trung tâm đô thị suốt năm 2017.
Lực lượng "kỵ sĩ trên ngựa sắt" này cũng gây nhiều tranh cãi, khi một số nhà quan sát gọi họ là bằng chứng của chính sách quân sự hóa cảnh sát, đưa những kỹ thuật chống nổi dậy vào quản lý đám đông hình thành nhờ pháp luật cho phép.
"Công cụ mới cho họ lợi thế chiến thuật", Kristian Williams, một người chỉ trích chính sách cảnh sát Mỹ, nói. "Họ có khả năng di động tốt hơn, dễ dàng tạo rào chắn vật lý hơn, xe đạp cũng có thể được sử dụng làm vũ khí".
Quay lại Seattle năm 1999, chính sĩ quan Dyment là người đầu tiên sử dụng xe đạp để quản lý đám đông, khi 50.000 người tụ tập biểu tình phản đối một hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới. Số lượng người biểu tình áp đảo số nhân viên sở cảnh sát thành phố, nhưng đây cũng là nhóm người biểu tình khôn ngoan nhất mà Dyment từng đối phó. Họ rất linh hoạt và cơ động, sử dụng công nghệ mới để phối hợp hành động.
"Họ phối hợp chỉ huy và kiểm soát rất tốt", Dyment nói. "Họ sử dụng blog và Nextels (điện thoại di động có chức năng nhấn phím gọi trực tiếp giống bộ đàm). Vì vậy, chúng tôi đã sử dụng xe đạp để đối phó".
Dù đây là lần đầu cảnh sát chống bạo động sử dụng xe đạp, nhưng việc cảnh sát sử dụng xe đạp đã có từ lâu trong lịch sử nước Mỹ. Dyment gọi đó là "thời kỳ hoàng kim" vào đầu thế kỷ 20. Xe đạp được đưa vào sử dụng trong cảnh sát vào cuối những năm 1880 khi chính quyền muốn tìm phương tiện tuần tra có tính di động cao hơn. Năm 1895, phương tiện này được Ủy viên Cảnh sát Teddy Roosevelt, tay đua xe đạp cuồng nhiệt, đưa vào thành phố New York. Tới năm 1907, một tạp chí xe đạp ước tính cả nước Mỹ có tới 50.000 xe đạp cảnh sát, riêng thành phố New York là 1.200.
Sau những năm 1920-1930, xe đạp dần bị xe máy và ôtô thay thế. Vào những năm 1980, lực lượng cảnh sát chuyển sang bước ngoặt mới với kỷ nguyên "cảnh sát cộng đồng".
"Khái niệm này là đưa cảnh sát ra ngoài ôtô để gần gũi hơn với người dân. Đó là nỗ lực để giải quyết nạn hành hung và phân biệt chủng tộc chuyên nghiệp kiểu mới, nhằm cho thấy cảnh sát có thể trò chuyện với người dân và phản hồi những lo ngại của cộng đồng", Alex Vitale, giảng viên xã hội học, Đại học Brooklyn, nói.
Vitale gọi việc sử dụng xe đạp đã làm tăng lợi thế chiến thuật của cảnh sát khi cố gắng giành được thiện cảm của công chúng, là "điệu vũ chiến thuật giữa người biểu tình và cảnh sát" diễn ra suốt lịch sử nước Mỹ.
Tuy nhiên, thời đại cảnh sát cộng đồng sử dụng xe đạp "đã không xảy ra", Virale nói. Xe đạp chất đống trong đồn cảnh sát tới năm 1987, khi hai sĩ quan ở Seattle đề xuất sử dụng chúng để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông do công trường mọc lên khắp trung tâm thành phố. Ý tưởng này thành công rực rỡ, khi sở cảnh sát bắt đầu sử dụng xe đạp để đi tuần và đến năm 1993, đội tuần tra xe đạp có tới 70 sĩ quan.
Xe đạp có ưu thế rõ ràng, giúp cảnh sát nhanh chóng triển khai lực lượng tới bất kỳ địa điểm nào. Tính cơ động này hữu ích cả với tuần tra thông thường và các tình huống cần phản ứng nhanh. Tháng 6/2014, khi một kẻ nã súng vào đại học Thái Bình Dương Seattle, "sĩ quan cảnh sát xe đạp là những người đầu tiên có mặt. Họ là những người duy nhất có thể di chuyển nhanh chóng qua giao thông đông đúc ở trung tâm thành phố".
Xe đạp cũng có thể biến thành công cụ mang tính hiệu quả cao, rẻ tiền, để kiểm soát đám đông, cho phép số ít cảnh sát tạo thành hàng rào tương đối dài.
"Chúng tạo thành một hàng rào tự nhiên", Dyment nói. "Ở châu Âu, cảnh sát áp dụng chiến thuật tăng nhân lực. Sở cảnh sát London hay New York có thể huy động nguồn lực lớn trong tình huống này. Nhưng với những thành phố cỡ vừa như Seattle, xe đạp là cách kiểm soát đám đông lớn bằng nguồn lực tối thiểu".
Dyment cũng tin rằng đối phó đám đông bằng cảnh sát xe đạp là một hình thức "giảm leo thang. Bởi trong bất kỳ nhóm biểu tình nào cũng từng có người đạp xe. Nghĩa là cảnh sát với họ có điểm chung để trò chuyện".
Vitale đồng ý rằng xe đạp cho phép "vận hành linh hoạt với cách thức mềm mại hơn, trông thân thiện hơn với báo chí hay những nhà quan sát", nhưng cho rằng "không giúp giảm leo thang".
Cảnh sát xe đạp có thể không bị buộc tội tấn công bằng dùi cui, nhưng bản thân họ được trang bị bình xịt hơi cay. Ông cũng lưu ý xe đạp đôi khi được vũ khí hóa. Đã có những video trên YouTube cho thấy cảnh sát sử dụng xe đạp để tấn công người dân.
"Xe đạp thực chất là cách vô hại để che giấu một vũ khí tiềm năng", Williams nói. "Cảnh sát đi xe đạp ít gây cảnh giác hơn cảnh sát cưỡi ngựa hay cảnh sát trong xe bọc thép, tới khi bạn nhận ra mình đang bị quây lại bởi hàng tá cảnh sát mỗi bên bằng cách sử dụng xe đạp làm hàng rào".
Dù xe đạp có bất lợi nhất định như dễ bị đẩy lùi hơn so với sĩ quan đi xe máy, nhưng Williams cho rằng xe đạp "che khuất sự thật rằng cảnh sát tới hiện trường, trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, áo giáp và gậy gộc".
Trang phục của cảnh sát xe đạp Seattle gợi nhớ tới bộ phim Robocop (Cảnh sát robot), ngoại trừ áo phông và quần soóc, các sĩ quan đội mũ bảo hiểm Bell Super 3R và mặc áo chống đạn. Xe đạp của họ cũng không phải xe địa hình mà chúng ta hay dùng. Họ được trang bị xe đạp leo núi khung cứng chế tạo riêng, do Volcanic, một công ty ở Bellingham, Washington, chuyên sản xuất để phục vụ cho lực lượng thực thi pháp luật.
Xe đạp leo núi là lựa chọn tốt nhất "bởi chúng rất bền", Dyment nói. "Chúng tôi sẽ phải đi xe xuống cầu thang, chở theo thiết bị như đài radio và vũ trang, nặng hơn nhiều so với khối lượng người bình thường hay chở".
Một xe buýt đi theo cảnh sát chống bạo động có đầy đủ phụ tùng cơ khí sẽ sửa chữa tại chỗ xe hỏng hóc.
"Có thể sửa hầu hết mọi hỏng hóc xảy ra với một chiếc xe đạp trong vòng nửa tiếng", Dyment nói. Bảo trì kỹ hơn được thực hiện trong một tầng hầm rộng dưới tòa nhà ở phía tây khu trung tâm, nơi đặt căn cứ của đội.
Bộ khung lốp xe của hãng Enduro sản xuất, vành của hãng DT Thụy Sĩ, khung rộng 25 mm. Phuộc trước của hãng Fox Float 32, lốp cao su gai của Serfas, keo NoTubes giúp vá vết thủng lập tức.
"Chúng tôi thường xuyên đạp xe qua kính vỡ", Dyment giải thích.
Xe sử dụng bộ bánh răng 3x9 nhưng sẽ sớm chuyển sang 1x11 để cắt giảm phí bảo trì. Họ sử dụng phanh đĩa cơ, loại phụ tùng duy nhất xuất xứ từ một công ty địa phương do năm 2005, khi chọn xe đạp, những công ty lớn như Kona chỉ có thể cung cấp phanh đĩa thủy lực.
Bản thân mỗi sĩ quan đều là những tay lái xe đạp cự phách, nhấn mạnh thực tế rằng đạp xe thực sự là điểm chung giữa họ và người dân. Người biểu tình đôi khi lại gần họ để hỏi về xe đạp, thảo luận về bộ bánh răng.
Dyment cho rằng mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng những người hay đi biểu tình ở Seattle không phải luôn căng thẳng. Ông so sánh mối quan hệ này với Sói Ralp và chó chăn cừu Sam trong phim hoạt hình của hãng Warner Brothers.
"Chúng tôi hiểu biết về nhau. Họ la ó chúng tôi khi biểu tình nhưng bình thường nhìn thấy nhau trên phố, chúng tôi lại gật đầu chào hỏi", Dyment nói.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)