Đơn vị kỵ binh cảnh sát đầu tiên của London thành lập năm 1760, làm nhiệm vụ giám sát trật tự tại các trạm gác trên các tuyến đường vùng ngoại ô và ngăn tội phạm. Tuy nhiên, lực lượng kỵ binh cảnh sát này bị giải tán chỉ trong thời gian ngắn sau đó vì không có kinh phí hoạt động.
London tái lập lực lượng kỵ binh cảnh sát năm 1802 với tên gọi Đội Kỵ binh Tuần tra phố Bow. Lực lượng này có nhiệm vụ tuần tra các khu vực mới khi thủ đô London mở rộng. Đội Kỵ binh Tuần tra phố Bow năm 1836 được hợp nhất với Lực lượng Cảnh sát Thủ đô, mô hình cơ quan cảnh sát hiện đại do lãnh đạo phe đối lập quốc hội Anh Robert Peel xây dựng.
Sau khi trở thành một đơn vị của cảnh sát thủ đô, kỵ binh cảnh sát London hoạt động ổn định trong thời gian dài. Lực lượng này đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội, thay cho phương pháp trấn áp bằng quân đội dẫn tới nhiều thảm kịch như Thảm sát Peterloo năm 1819, khi kỵ binh quân đội Anh lao ngựa vào đám đông khoảng 60.000 người đang tập trung ở Manchester đòi cải cách quốc hội, khiến 18 người chết cùng hàng trăm người bị thương.
Kỵ binh cảnh sát London bị cắt giảm quy mô trong Thế chiến I do lo ngại về kinh phí hoạt động của lực lượng. Cảnh sát London giữa thế kỷ 20 bắt đầu dùng phương tiện cơ giới để làm nhiệm vụ, khiến kỵ binh cảnh sát "dường như đi đến hồi kết".
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh tại London khiến dân số tăng và hình thành các khu dân cư với mức thu nhập thấp, buộc cảnh sát phải triển khai lực lượng tuần tra thường xuyên tại đây. Nhiệm vụ này được giao cho lực lượng kỵ binh cảnh sát.
Các đơn vị kỵ binh cảnh sát của Anh ngày nay thực hiện ba chức năng chính là kiểm soát đám đông, tuần tra và tham gia các nghi lễ hay sự kiện công chúng, theo nghiên cứu của RAND và Đại học Oxford công bố năm 2015.
Kiểm soát đám đông và giữ trật tự tiếp tục được kỵ binh cảnh sát đảm nhận, bất chấp việc xe tuần tra đã được sử dụng rộng rãi và việc duy trì lực lượng kỵ binh tốn kém hơn. Nhiệm vụ này được giao cho kỵ binh cảnh sát trong thời gian dài, dù không có bằng chứng cho thấy họ hoạt động hiệu quả hơn các hình thức trấn áp hành vi gây rối khác.
Những con ngựa của kỵ binh cảnh sát được cho là đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ kiểm soát đám đông, giúp duy trì trật tự "phù hợp hơn cảnh sát đi bộ hoặc xe tuần tra".
"Điều này được cho là do tầm quan sát của sĩ quan tốt hơn khi ngồi trên lưng ngựa. Dân chúng cũng để ý lẫn sợ hãi những con ngựa, vốn có tác dụng trấn áp đám đông tiềm tàng", nghiên cứu của RAND và và Đại học Oxford cho biết.
Hiện nay, tuần tra là nhiệm vụ cơ bản của kỵ binh cảnh sát, dù họ từng đảm nhận các nhiệm vụ giữ gìn trật tự khác. Các nhiệm vụ tuần tra ngẫu nhiên hoặc thường lệ chiếm phần lớn thời gian hoạt động của kỵ binh cảnh sát.
Phương tiện cơ giới đã phần nào thay thế ngựa trong nhiệm vụ tuần tra của cảnh sát. Tuy nhiên, những con ngựa vẫn còn vai trò quan trọng trong gìn giữ trật tự khu phố, ít nhất tại khu vực kỵ binh cảnh sát được triển khai. Đôi khi các sĩ quan cảnh sát kỵ binh tham gia điều tiết giao thông, đuổi bắt tội phạm hoặc ngăn người tự tử.
Trong các ngày lễ và hoạt động cộng đồng, kỵ binh cảnh sát đóng vai trò "nghi lễ". Lực lượng này thường có mặt trong các sự kiện công cộng lớn như nghi lễ của Hoàng gia Anh, trong đó sĩ quan và ngựa đều mặc lễ phục đặc biệt.
Kỵ binh cảnh sát cũng được triển khai tại nhiều sự kiện công chúng như ngày hội mở cửa hoặc các chuyến thăm trường học, nơi dân chúng có thể tiếp cận các sĩ quan cùng ngựa của họ một cách thoải mái.
Kỵ binh cảnh sát London có thể đảm nhận một số nhiệm vụ khác như tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, do ngựa của họ vượt được địa hình gồ ghề hoặc chướng ngại vật.
Kỵ binh cảnh sát Anh hồi năm 2014 tham gia hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở phía tây nam đất nước. Tuy nhiên, các nhiệm vụ khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hoạt động chung của kỵ binh cảnh sát.
Theo nghiên cứu của RAND và Đại học Oxford, chi phí dành cho một sĩ quan kỵ binh cảnh sát ở Anh cao hơn so với nhân sự thuộc lực lượng cảnh sát khác, chủ yếu là do ngân sách cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc ngựa. Tuy nhiên, kỵ binh cảnh sát có quân số ít trong lực lượng thực thi pháp luật ở các địa phương của Anh, do đó chi phí cho lực lượng này chiếm số ít trong tổng ngân sách của cảnh sát.
Nguyễn Tiến (Theo RAND, ĐH Oxford)